WHO: Olympic Tokyo 2020 như một sự kiện của hy vọng

Ngày 21/7, phát biểu trước các thành viên Ủy ban Olympic quốc tế tại phiên họp ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng Olympic Tokyo 2020 vẫn nên được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Ông Ghebreyesus nói rằng thế giới cần Thế vận hội lúc này "như một sự kiện của hy vọng". “Olympic có sức mạnh để đưa thế giới xích lại gần nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn. Tôi chân thành hy vọng Olympic Tokyo diễn ra thành công tốt đẹp" – ông Ghebreyesus phát biểu.

Tuyên bố trên được Tổng giám đốc WHO đưa ra 1 ngày sau khi người đứng đầu Ủy ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto cho biết không loại trừ khả năng phải hủy bỏ Thế vận hội vào phút chót vì nhiều vận động viên có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và các nhà tài trợ lớn từ chối kế hoạch tham dự lễ khai mạc vào ngày 23/7.

"Chúng tôi không thể dự đoán điều gì sẽ tiếp diễn với số ca mắc COVID-19. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận nếu có sự gia tăng đột biến các ca mắc mới. Chúng tôi nhất trí rằng dựa trên tình hình dịch bệnh sẽ triệu tập đàm phán 5 bên một lần nữa. Tại thời điểm này, số ca mắc mới COVID-19 có thể tăng hoặc giảm, do đó chúng tôi sẽ cân nhắc về những điều cần thực hiện khi tình huống phát sinh" – ông Muto cho hay.

Trước đó, ban tổ chức Thế vận hội Tokyo 2021 cũng đã đề ra phương án sẽ chuyển các cuộc thi đấu tại Olympic sang nhiều địa điểm khác nhau thay vì chỉ tổ chức ở thủ đô Tokyo như dự kiến, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Tính từ ngày 2/7 đến nay, ban tổ chức Olympic đã ghi nhận 58 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, bao gồm các vận động viên, quan chức và nhà báo. Vào ngày 18/7, ban tổ chức thế vận hội báo cáo một ca mắc COVID-19 trong làng vận động viên - nơi dự kiến tiếp nhận khoảng 11 nghìn vận động viên từ nhiều quốc gia đến thi đấu trong thời gian diễn ra Tokyo Olympic 2020.

Hiện thủ đô Tokyo đang được đặt trong tình trạng khẩn cấp lần thứ tư, bắt đầu từ ngày 12/7 và sẽ kéo dài đến ngày 22/8 - bao gồm cả thời gian diễn ra Olympic Tokyo 2020. Tuần trước, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach tuyên bố quy trình xét nghiệm và kiểm dịch cho những người tham gia sẽ không để lại nguy cơ lây nhiễm cho người dân ở Nhật Bản. Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, những yếu tố như thời điểm giao mùa, việc gia tăng di chuyển và biến thể Delta sẽ khiến số ca mắc tăng nhanh ở Tokyo vào tháng tới, dự kiến lên đến 2 nghìn ca mắc mới một ngày. Hiện chỉ 33% người dân Nhật Bản đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa COVID-19, là tỷ lệ tiêm chủng thuộc nhóm thấp nhất trong các nước phát triển. Tính đến ngày 21/7, Nhật Bản có tổng cộng 848 nghìn ca mắc và 15.026 ca tử vong, theo Worldometers.

Cựu Giám đốc Kenji Shibuya của Viện Sức khỏe Dân số tại Đại học King's College London (Anh), ngày 21/7, lên tiếng cảnh báo việc vỡ “bong bóng” kiểm soát dịch COVID-19 trong làng vận động viên Olympic tại Tokyo, Nhật Bản. Theo ông Shibuya, việc ban tổ chức Olympic chưa thể xét nghiệm COVID-19 đầy đủ, đồng thời không kiểm soát được lịch trình di chuyển của các đoàn đến…. có thể khiến thế vận hội Olympic là môi trường lý tưởng cho virus corona, đặc biệt biến chủng Delta, lây lan.

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn//who-olympic-tokyo-2020-nhu-mot-su-kien-cua-hy-vong-169197892.htm