Vướng mắc hạn mức và quyết toán khi DN khu chế xuất bán hàng vào nội địa

Vướng mắc về hạn mức và đơn vị quyết toán đối với việc bán hàng tại thị trường nội địa của doanh nghiệp chế xuất (EPE).

Sản xuất tại một nhà máy trong khu chế xuất. Ảnh chỉ có tính minh họa. TL.

Doanh nghiệp hỏi:

Chúng tôi là doanh nghiệp chế xuất (EPE- Export Processing Enterprise), sản xuất linh kiện điện tử. Ban đầu khi thành lập chúng tôi dự kiến sẽ xuất khẩu 100%. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi bán hàng cho cả doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có Samsung và tỷ lệ bán hàng tại thị trường nội địa ngày một gia tăng. Dự báo tỷ lệ tiêu thụ tại thị trường nội địa trong thời gian tới có thể lên đến 40%.

Khi tỷ lệ tiêu thụ nội địa tăng cao liệu chúng tôi có còn được công nhận doanh nghiệp chế xuất hay không? Giới hạn tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa của doanh nghiệp chế xuất là bao nhiêu %?

Trong quyết toán, các đơn vị được sử dụng để tính toán rất khác nhau, nguyên liệu vật tư được tính bằng kích thước (diện tích), sản phẩm được tính bằng số lượng, phế liệu được tính bằng trọng lượng. Tuy đơn vị tính khác nhưng việc chuyển đổi giữa các đơn vị không gặp vấn đề gì. Trong trường hợp này, có vấn đề gì không khi xử lý quyết toán bằng các đơn vị tính khác nhau?

Tổng cục Hải quan trả lời:

* Về việc giới hạn tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa của doanh nghiệp chế xuất:

- Khoản 10 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất có quy định “Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế”.

- Theo quy định tại Khoản 5 Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất thì “…5. Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản…”.

- Khoản 2 Điều 75 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 51 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) quy định “Đối với hàng hóa mua, bán giữa DNCX với doanh nghiệp nội địa: DNCX, doanh nghiệp nội địa làm thủ tục hải quan xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ theo loại hình tương ứng quy định tại Điều 86 Thông tư này.

- Ngoài ra, Điều 8 Luật Đầu tư năm 2005 và Điều 10 Luật Đầu tư năm 2014 quy định về nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện:

(i) Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;

(ii) Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước.

Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không “giới hạn tỷ lệ tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa của doanh nghệp chế xuất”; khi doanh nghiệp chế xuất bán hàng hóa vào thị trường nội địa Việt Nam, doanh nghiệp chế xuất và doanh nghiệp nội địa làm thủ tục xuất nhập khẩu tại chỗ theo quy định và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa, chính sách thuế theo quy định (nếu có).

* Về việc thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu:

Điều 60 Thông tư 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) có quy định về báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu. Theo đó:

- Tổ chức, cá nhân lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu theo hình thức nhập - xuất - tồn kho nguyên liệu, kho thành phẩm theo từng mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm đang theo dõi trong quản trị sản xuất và đã khai trên tờ khai hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, xuất khẩu sản phẩm.

Trường hợp quản trị sản xuất của tổ chức, cá nhân có sử dụng mã nguyên liệu, vật tư, mã sản phẩm khác với mã đã khai báo trên tờ khai hải quan khi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, xuất khẩu sản phẩm, tổ chức, cá nhân phải xây dựng, lưu giữ bảng quy đổi tương đương giữa các mã này và xuất trình khi cơ quan hải quan kiểm tra hoặc có yêu cầu giải trình;

- Tổ chức, cá nhân lập và nộp báo cáo quyết toán về tình hình xuất - nhập - tồn kho nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 25 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư nêu trên qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 15/BCQT-NVL/GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này; báo cáo quyết toán về tình hình nhập - xuất - tồn kho thành phẩm được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu theo các chỉ tiêu thông tin quy định tại mẫu số 26 Phụ lục II ban hành kèm Thông tư này qua Hệ thống hoặc theo mẫu số 15a/BCQTSP-GSQL Phụ lục số V ban hành kèm Thông tư này.

Phú Đa tổng hợp

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/279256/vuong-mac-han-muc-va-quyet-toan-khi-dn-khu-che-xuat-ban-hang-vao-noi-dia.html