Vùng Vịnh sẽ nóng hơn vì hạt nhân của Saudi Arabia?

Không chỉ nóng vì dầu mỏ, vùng Vịnh nhiều khả năng sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới với tham vọng chương trình hạt nhân của Saudi Arabia.

Một lò phản ứng hạt nhân được tuyên bố là sử dụng cho mục đích nghiên cứu đang được khẩn trương hoàn thiện tại một cơ sở ở ngoại ô thủ đô Riyadh của Saudi Arabia. Giới chuyên gia nhận định, lò phản ứng này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2020. Đây là cơ sở giúp Saudi Arabia đào tạo nhân lực chuyên môn, vận hành các lò phản ứng mà nước này dự tính sẽ xây dựng trong tương lai. Bắt đầu từ năm 2020, Saudi Arabia sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân dân sự. Các công ty năng lượng hạt nhân đến từ Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp đã tham gia đàm phán sơ bộ để đấu thầu cho dự án nhiều tỷ USD này.

Saudi Arabia lần đầu tiên tuyên bố theo đuổi điện hạt nhân từ tháng 4-2010 với lý do nhu cầu điện năng tăng mạnh và mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Cường quốc dầu mỏ Trung Đông này đặt ra chiến lược “Tầm nhìn 2030”, theo đó, năng lượng hạt nhân sẽ đáp ứng 15% nhu cầu trong nước.

Ảnh vệ tinh chụp cơ sở hạt nhân đang trong quá trình hoàn thiện ở ngoại ô Riyadh. Ảnh: The Guardian.

Cuộc thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vào tháng 7-2018 cùng chuyến thăm của Phó giám đốc IAEA Mikhail Chudakov hồi tháng 1-2019 xác nhận, Saudi Arabia đã đi vào giai đoạn cuối cùng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho lò phản ứng hạt nhân đầu tiên với sự giúp đỡ của nước ngoài.

Tuy nhiên, xây dựng lò phản ứng mới chỉ là phần nổi trong tảng băng chìm tham vọng hạt nhân của Riyadh. Khác với dầu khí, nhiên liệu hạt nhân rất nguy hiểm, có tính chất nhạy cảm nhất trong số các nguồn năng lượng con người biết đến. Do đó, quyết định về nguồn cung nhiên liệu này đã trở thành nguồn cơn của nhiều bất đồng giữa Saudi Arabia và IAEA, cũng như với các đồng minh.

Saudi Arabia yêu cầu được phép tự làm giàu uranium và tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Theo Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, mới nhậm chức Bộ trưởng Năng lượng vào tháng 9 vừa qua, Riyadh sẽ lên kế hoạch tự chủ về nhiên liệu hạt nhân phục vụ nhu cầu trong nước. Điều này là khả thi do Saudi Arabia có nguồn tài nguyên quặng uranium với ít nhất 9 khu vực đang được khảo sát.

Cơ sở khiến quốc tế quan ngại nằm ở chỗ, nếu để Saudi Arabia tự chủ nguồn cung, các tổ chức giám sát sẽ khó kiểm soát hoạt động làm giàu urani của nước này, thay vì nhập khẩu nhiên liệu ở mức độ làm giàu nhất định mà IAEA kiểm chứng được. Sự tồn tại của một chương trình hạt nhân mới là đủ để nhóm thêm một ngọn lửa căng thẳng nữa ở khu vực vùng Vịnh. Bởi nó có tiềm năng trở thành bước đầu cho mục đích hạt nhân hóa lực lượng vũ trang của một nước sở hữu tên lửa đạn đạo tầm trung trong khu vực. Trong khi đó, bên kia vịnh Ba Tư, cáo buộc sản xuất vũ khí từ công nghệ làm giàu urani cho lò phản ứng dân sự đang là tâm điểm của vấn đề hạt nhân Iran nhiều năm qua.

Kể từ sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, quan hệ Iran-Saudi Arabia luôn ở tình trạng “không đội trời chung”. Vì thế, chương trình hạt nhân và phát triển tên lửa mà Tehran kiên quyết không từ bỏ bất chấp sức ép từ Mỹ khiến Riyadh phải tìm cách cân bằng lại cán cân với kình địch. Năm 2018, Hoàng thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố, nếu Iran thử thành công vũ khí hạt nhân, Saudi Arabia sẽ ngay lập tức phát triển vũ khí tương tự. Trước đó, nước này luôn khẳng định với IAEA rằng chương trình hạt nhân của mình nhằm mục đích hòa bình. Riyadh còn là thành viên của Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong số các nước vùng Vịnh đang lên kế hoạch triển khai điện hạt nhân, Saudi Arabia khiến quốc tế lo ngại nhất cũng chính vì mối kình địch giữa Riyadh và Tehran.

Trên thực tế, Saudi Arabia từ lâu đã sở hữu một lực lượng tên lửa đạn đạo tầm trung đáng kể. Các bằng chứng cũng cho thấy nước này có khả năng tự phát triển tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn trong nước.

Sự nghi ngại đối với chương trình hạt nhân của Saudi Arabia đặc biệt đến từ Quốc hội Mỹ, vốn đòi xem xét lại mức độ tin cậy của mối quan hệ đồng minh với nước này sau vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại năm 2018.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry lạc quan cho rằng, giới lãnh đạo Saudi Arabia sẽ sớm đi đến “Thỏa thuận 123” với Mỹ. Ông Perry cho biết, các cuộc đàm phán giữa hai bên về vấn đề này đang đạt tiến triển. Theo đó, Saudi Arabia đặt toàn bộ các cơ sở hạt nhân dưới sự giám sát của IAEA. Các hoạt động làm giàu urani và tái chế nhiên liệu qua sử dụng của Saudi Arabia sẽ phải qua thảo luận và có sự đồng ý từ phía Mỹ.

Trước đó, ông Rick Perry cho biết, Mỹ sẽ chỉ cung cấp cho Saudi Arabia công nghệ điện hạt nhân nếu nước này đồng ý cho các đoàn giám sát của Liên hợp quốc thanh tra đột xuất. Tuy nhiên ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng đang tìm cách tham gia vào kế hoạch tham vọng này.

Do là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ tại vùng Vịnh, Mỹ khó mà có thể khoanh tay đứng nhìn Saudi Arabia nằm ngoài vùng ảnh hưởng của mình trong vấn đề đặc biệt nhạy cảm như hạt nhân. Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã phê duyệt 6 ủy quyền bí mật, cho phép các công ty bán công nghệ điện hạt nhân và hỗ trợ cho Saudi Arabia. Dự kiến, những đơn vị thắng thầu xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân sẽ được Riyadh công bố vào cuối năm nay.

ĐĂNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/vung-vinh-se-nong-hon-vi-hat-nhan-cua-saudi-arabia-598599