Vững vàng Trường Sa

Hành trình vượt hàng trăm hải lý trên biển Đông, đến với Trường Sa, chứng kiến sự tươi đẹp, vững mạnh, căng tràn sức sống nơi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi thực sự tự hào và trân trọng, biết ơn bao thế hệ cha ông cũng như mỗi cán bộ, chiến sỹ, người dân sinh sống trên đảo, đã không tiếc máu xương, tuổi trẻ, công sức để xác lập, quản lý, bảo vệ, xây dựng Trường Sa như ngày hôm nay.

Cán bộ, chiến sỹ đảo Song Tử Tây tuần tra canh gác biển.

Một Trường Sa khang trang, vững chãi

Đầu năm 2023, lần đầu tiên tôi được ra thăm huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Mặc dù đã được nghe kể, được đọc rất nhiều bài báo về quần đảo đặc biệt này, biết rằng Trường Sa hôm nay không còn trơ trụi, khó khăn như nhiều năm trước, nhưng lúc đặt chân lên các đảo, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây không hề thua kém đất liền.

Điển hình như ở đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, nhà ở, trường học, bệnh xá, các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Các tuyến giao thông trên đảo đều được cứng hóa, hai bên là những hàng cây xanh thẳng tắp. Cùng với đó là hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió được đặt khắp nơi trên đảo, cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng của quân và dân nơi đây.

Về nguồn nước sinh hoạt, ngoài các giếng nước ngọt, trên đảo còn có máy lọc nước biển thành nước ngọt chạy bằng năng lượng mặt trời và hàng chục bể lớn chứa nước mưa để quân, dân dùng dần... Được biết, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và chính quyền địa phương, huyện Trường Sa đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình động lực, trọng điểm.

Trong lĩnh vực giáo dục, 3 trường tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn đủ điều kiện giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Về y tế, huyện đảo có 8 bệnh xá và 1 trung tâm y tế với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, máy móc hiện đại; có thể giải quyết những ca bệnh cho quân và dân của huyện, cũng như ngư dân gặp nạn trên biển.

Bên cạnh đó, Trường Sa có các âu tàu, làng chài, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão; cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như ở trong đất liền nên tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngư dân.

Ngoài ra, các công trình văn hóa, tâm linh, như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Nhà truyền thống Trường Sa, Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các ngôi chùa... giúp Trường Sa ngày càng gần hơn với đất liền. Điều khiến tôi ấn tượng hơn cả là giữa biển khơi sóng gió, từ bàn tay, công sức của cán bộ, chiến sỹ, các đảo của quần đảo Trường Sa đều phủ kín một màu xanh.

Thượng tá Trần Văn Hùng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây chia sẻ: Nền cát mặn, thềm san hô và khí hậu khắc nghiệt, những ngày sóng to, gió lớn, hơi nước mặn tràn qua đảo, phủ khắp bề mặt đất, trên lá và thân cây. Vì vậy, để có một cây xanh tươi tốt, tỏa bóng mát trên đảo không phải là việc dễ dàng. Tuy nhiên, dù khó khăn nhưng chúng tôi xác định, xanh hóa đảo vừa là yêu cầu khách quan vừa là nhiệm vụ.

Đơn vị luôn gắn trách nhiệm của từng cá nhân trong hoạt động chăm sóc vườn rau, bảo vệ cây. Nhờ đó những vườn rau xanh, những hàng bàng vuông, phong ba,... cứ thế phát triển dần. Không chỉ ở các đảo nổi, đến cả các đảo chìm như Cô Lin, Đá Tây, Đá Nam... cũng có những cây bàng vuông, những vườn rau cải, rau muống, giàn bí, mướp ra hoa rực rỡ, sai trĩu quả; thậm chí ở đây cán bộ, chiến sỹ trồng được cả hoa lan, hoa sen.

Ngoài giúp bữa ăn hàng ngày có thêm rau xanh, việc trồng cây còn tạo cảnh quan đẹp, điều hòa khí hậu, ngọt hóa đất đai, tạo bóng mát, che, chắn gió, bão; góp phần trực tiếp vào khả năng phòng thủ chiến đấu của quân, dân trên các đảo.

Chiến sỹ Trường Sa, hát tiếp bài ca

Chúng tôi đến Cô Lin-một trong những đảo chìm gian khó nhất. Đảo có cấu trúc cơ bản là các bãi đá ngầm và san hô, khi triều lên, không còn gì ngoài tòa nhà đứng trơ trọi giữa đại dương mênh mông... Tận mắt chứng kiến mới thấm nỗi gian nan, vất vả tại nơi đầu sóng ngọn gió này, song chúng tôi lại cảm nhận rõ sự rắn rỏi, cương quyết trong ánh mắt của những người lính biển.

Những chiến sỹ trẻ mang cả tuổi thanh xuân ra với Trường sa.

Tại đây, tôi may mắn gặp được Thượng úy Nguyễn Văn Phi, quê ở xã Yên Từ, huyện Yên Mô (Ninh Bình). Với gương mặt dạn dày sương gió, nụ cười hiền, Thượng úy Phi say sưa kể về con đường binh nghiệp mà anh đã chọn. Anh tâm sự, dù gia đình không có truyền thống binh nghiệp, nhưng ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, anh đã quyết đi theo con đường này. Đôi chân anh đã đi qua các đảo: Đá Lớn, Đá Lát, Đá Tây và Tiên Nữ-đảo tiền tiêu, xa đất liền nhất.

Vẻ hào hứng của anh Phi bỗng trùng xuống khi tôi hỏi thăm đến gia đình. Gương mặt rắn rỏi, cương nghị của người lính đảo lâu năm không giấu được sự xúc động. Anh cho biết: Từ khi nhập ngũ (năm 2008) đến nay, chưa năm nào anh sắp xếp được để về Ninh Bình ăn Tết. Buồn nhất là đầu năm 2021, khi anh vừa lên tàu ra đảo làm nhiệm vụ thì ở nhà báo tin bố mất, anh không có cách nào về được. Nén niềm riêng vì nhiệm vụ chung, sau khi hoàn thành thời gian công tác tại đảo, Tết năm nay, khi được nghỉ phép, anh dự định sẽ tranh thủ về nhà làm tròn trách nhiệm của một người con.

Thiếu tá Nguyễn Xuân Duy, Chỉ huy Trưởng đảo Cô Lin cho biết: Đảo Cô Lin cách đảo Gạc Ma chưa đến 2 hải lý. Nằm ở vị trí trọng yếu nên cán bộ, chiến sỹ hầu như không biết đến ngày nghỉ và luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Các hoạt động trên biển đều được ghi nhận, theo dõi và báo cáo để có phương án xử lý kịp thời và chuẩn xác. Nhiệm vụ nặng nề nhưng vượt lên trên khó khăn, những người lính Hải quân chúng tôi luôn xác định một tấc đất, một sải biển, một mét san hô cũng phải bảo vệ bằng được, tuyệt đối không để Tổ quốc bị động, bất ngờ từ hướng biển.

Bên cạnh những người đã dành hết tuổi thanh xuân cho cuộc đời binh nghiệp, trên chuyến tàu ra Trường Sa, chúng tôi còn gặp những chàng trai đang độ tuổi đôi mươi, tràn đầy sức sống và niềm tự hào khi được thực hiện nhiệm vụ trên các điểm đảo. Họ một lòng đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, không phân biệt tôn giáo, dân tộc, vùng miền.

Nguyễn Hoàng Nhật Phương, chiến sĩ quê Bình Thuận xúc động nói: Mỗi tấc đất, ngọn sóng hôm nay là mồ hôi, xương máu của cha ông ta đã dày công xây dựng và bảo vệ. Thế hệ trẻ chúng em có nghĩa vụ bảo vệ nó. Nghe tâm sự của những người lính trẻ, tôi bỗng nhớ bài hát Bâng khuâng Trường Sa: "Tuổi hai mươi chưa từng hò hẹn/Trong đêm mơ vẫn gọi mẹ ơi". Trong giây phút thoáng qua, tôi đã so sánh với đủ đầy của những người trẻ cũng độ tuổi đôi mươi đang sống ở đất liền.

Có lẽ, mỗi chúng ta, ít nhất nên một lần ra với Trường Sa, để định nghĩa rõ nét về tình yêu với Tổ quốc, để biết mình cần phải sống và làm việc sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người lính đang ngày đêm canh giữ biển, đảo quê hương, cho chúng ta có cuộc sống hòa bình và tốt đẹp, yên bình như thế.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/vung-vang-truong-sa/d20240131100826660.htm