Vụ thủy điện xả lũ gây ngập lụt: Chưa rõ trách nhiệm bồi thường

Cơ quan chức năng đã chỉ ra nguyên nhân các công trình thủy điện xả lũ gây ngập lụt nhưng chưa rõ trách nhiệm bồi thường của các chủ đầu tư thủy điện.

Ngày 31-5, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “Kon Tum: Lý do thủy điện Đắk Psi 5 chưa bồi thường cho dân”, thông tin về việc năm 2020, trong đợt mưa bão, nhà ở và nhiều diện tích hoa màu của người dân vùng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 (ở xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà, Kon Tum) bị ngập lụt. Chính quyền địa phương xác định có 62 hộ dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đến nay các hộ dân vẫn chưa được bồi thường, hỗ trợ.

Ngày 7-6, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra việc vận hành quy trình xả lũ của công trình thủy điện Đắk Psi bậc 1 và Đắk Psi bậc 2 khi bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 9 năm 2020. Đại diện các thủy điện là Công ty cổ phần Đức Thành - Gia Lai (Công ty Đức Thành) - chủ đầu tư thủy điện Đắk Psi 5 và Công ty cổ phần Thủy điện Đức Nhân - Đắk Psi (Công ty Đức Nhân) - chủ đầu tư thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2.

Thủy điện Đắk Psi bậc 2 vận hành không đảm bảo quy trình, trình tự và phương thức đóng, mở cửa van đập tràn. Ảnh: LK

Xác định nguyên nhân gây ngập lụt

Ngày 16-6, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có báo cáo lên UBND tỉnh Kon Tum về nội dung kiểm tra việc vận hành quy trình xả lũ của các thủy điện Đắk Psi bậc 1, Đắk Psi bậc 2, nêu rõ nguyên nhân gây thiệt hại cho 62 hộ dân vùng lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5 ở xã Đắk Psi, huyện Đắk Hà.

Theo Sở Công Thương, qua báo cáo và số liệu thủy văn của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum cung cấp tại buổi làm việc, xác định rõ: Trong cơn bão số 6 (năm 2020), việc vận hành thủy điện Đắk Psi bậc 1, bậc 2 và thủy điện Đắk Psi 5 không làm ảnh hưởng đến diện tích đất đang canh tác của các hộ dân.

Việc xả lũ gây ảnh hưởng đến người dân chủ yếu diễn ra trong đợt bão số 9 năm 2020. Cụ thể, thời điểm lũ năm 2020, trên sông Đắk Psi lũ về rất nhanh nên các công trình thủy điện Đắk Psi bậc 1 và bậc 2 đã mở van xả lũ khẩn cấp để bảo đảm an toàn công trình.

Tuy nhiên, việc vận hành hai công trình thủy điện trên không đảm bảo quy trình, trình tự và phương thức đóng, mở cửa van đập tràn chưa tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa được Bộ Công Thương phê duyệt. Do đó, lưu lượng xả về hạ du tăng rất nhanh, gây lũ chồng lũ.

Ngoài ra, Sở Công Thương cũng cho rằng do Công ty Đức Thành không thường xuyên thực hiện công tác bảo trì nạo vét hồ nên hồ chứa thủy điện Đắk Psi 5 qua các năm vận hành đã bị bùn cát bồi lấp, làm giảm dung tích hồ chứa, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ.

Chưa thống nhất trách nhiệm bồi thường

Từ những nguyên nhân trên và ý kiến của các cơ quan chức năng, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có kết luận vụ việc.

Cụ thể, thủy điện Đắk Psi bậc l và bậc 2 vận hành không đúng quy trình, dẫn đến lũ chồng lũ ở hạ du. Đối với thủy điện Đắk Psi 5, chủ đầu tư không thường xuyên thực hiện nạo vét hồ chứa, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ. Do vậy đã gây nên thiệt hại hoa màu, sản xuất của 62 bộ dân trong lòng hồ thủy điện Đắk Psi 5.

Đến hạn 20-6 mà chưa thỏa thuận xong, sở sẽ tiếp tục làm việc với các bên để thực hiện việc bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị trách nhiệm, kinh phí bồi thường thuộc về Công ty Đức Nhân và Công ty Đức Thành. Hai đơn vị này có trách nhiệm làm việc với nhau, thống nhất việc chia sẻ bồi thường, hỗ trợ cho 62 hộ dân. Báo cáo kết quả trước ngày 20-6 để sở báo cáo UBND tỉnh Kon Tum. Sau khi có kết luận trên, đại diện Công ty Đức Nhân cho rằng cần kiểm tra lại thông số thủy văn cho đúng thực tế và khách quan. Công ty không thống nhất nội dung chia sẻ bồi thường cho 62 hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Quý, Tổng giám đốc Công ty Đức Thành, cho biết việc xả lũ gây ảnh hưởng đến người dân, trách nhiệm thuộc về Công ty Đức Nhân, không thuộc thủy điện Đắk Psi 5 của Công ty Đức Thành. Việc chia sẻ bồi thường cho người dân, công ty đồng ý nhưng phải tính theo công suất nhà máy. Cụ thể, thủy điện Đắk Psi bậc 1 là 12 MW, Đắk Psi bậc 2 là 6 MW và Đắk Psi 5 là 10 MW.

“Ý kiến đoàn liên ngành nói thủy điện Đắk Psi 5 không nạo vét hồ thường xuyên, ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ là không đúng. Hằng năm, tỉnh cho phép công ty nạo vét, hút 35.000 khối cát thì làm sao chúng tôi dám hút nhiều hơn. Sắp tới, tôi sẽ có kiến nghị lên Bộ Công Thương về việc quy trình xả lũ của thủy điện bậc trên không đúng thực tế, việc này ảnh hưởng đến thủy điện Đắk Psi 5 ở hạ du” - ông Quý nói.

Trao đổi với PV về vấn đề trên, ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, cho biết trước mắt, sở yêu cầu hai chủ đầu tư các công trình thủy điện trên tự thỏa thuận bồi thường cho dân. Tại cuộc họp vừa qua, cả hai đơn vị đều không thống nhất được với nhau về trách nhiệm bồi thường. Nếu đến hạn 20-6 mà chưa thỏa thuận xong, sở sẽ tiếp tục làm việc với các bên để thực hiện việc bồi thường thỏa đáng cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Trưởng thôn Đăk Rơ Wang, xã Đắk Psi, cho biết: Mấy năm nay, người dân vùng ngập lụt mong ngóng nhiều lắm mà vẫn chưa được bồi thường. Chỉ có vài hộ dưới cao trình ngập là được bồi thường, còn lại là vẫn chờ. Các đợt tiếp xúc cử tri các cấp, dân đều ý kiến nhưng vẫn chưa được giải quyết. Người dân chỉ muốn sớm được bồi thường để tái sản xuất, ổn định cuộc sống.•

Xử lý dứt điểm vụ việc trước ngày 15-8

Về việc giải quyết kiến nghị liên quan đến công trình thủy điện Đắk Psi 5, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Công Thương chủ trì kiểm tra, xử lý dứt điểm kiến nghị của người dân và báo cáo kết quả trước ngày 15-8.

Trường hợp đến thời hạn cam kết nhưng chưa xử lý thì đề xuất UBND tỉnh có chế tài xử lý nghiêm, kiến nghị tạm dừng mua điện.

UBND TỈNH KON TUM

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-thuy-dien-xa-lu-gay-ngap-lut-chua-ro-trach-nhiem-boi-thuong-post685458.html