Vụ ném bột ớt khiến công an tử vong: Phải chịu trách nhiệm tội Giết người!

Theo luật sư, về ý thức chủ quan các đối tượng tuy không mong muốn làm chết người nhưng đã bỏ mặc hậu quả xảy ra thì với việc làm Trung úy Công an tử vong thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Giết người là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Liên quan vụ việc Trung úy Tống Duy Tân (30 tuổi) - Cảnh sát hình sự Công an huyện Cần Đước (tỉnh Long An) tử vong khi truy bắt tội phạm, ngày 21/11, Công an huyện Cần Đước đã ra quyết định khởi tố vụ án trộm cắp tài sản.

Ảnh minh họa

Trước đó, vào khoảng 2h ngày 15/11, lực lượng trinh sát hình sự huyện Cần Đước đi tuần tra thì phát hiện nhóm đối tượng đang trộm xe ba gác của người dân nên tiến hành truy đuổi.

Khi Trung úy Công an Tống Duy Tân và một trinh sát khác áp sát được nhóm đối tượng thì bị đối tượng ngồi sau ném ớt bột vào mặt. Bị trúng ớt, Trung úy Tân và trinh sát ngã, chấn thương vùng đầu. Do vết thương quá nặng, Trung úy Tân đã không qua khỏi.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan chức năng đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng liên quan là: Lê Thành Đoán (26 tuổi), Trần Hà Anh (17 tuổi, cùng ngụ ấp 3, xã An Phú Đông, huyện Bình Chánh, TP.HCM) và Nguyễn Đoàn Phước Bảo (22 tuổi, ngụ ấp 1, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM).

Về vụ việc trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi phạm tội của đối tượng không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn xâm phạm tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ.

Để có căn cứ xử lý đối tượng về hành vi điều khiển xe mô tô (nguồn nguy hiểm cao độ) ném bột ớt làm Trung úy công an tử vong thì cần làm rõ tốc độ, khoảng cách giữa 2 xe mô tô, vị trí ném ớt bột trúng vào Trung úy công an đang truy đuổi bằng xe mô tô.

Nếu có căn cứ xác định, đối tượng điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao, ném ớt bột vào mặt Trung úy công an đang điều khiển xe mô tô ở khoảng cách gần nhau là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người truy đuổi. Hậu quả xảy ra đến đâu thì đối tượng sẽ phải chịu đến đó.

Với hậu quả làm cho Trung úy nếu bị ớt bột ném trúng mặt làm ngã xuống đường tử vong thì hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội Giết người theo Điều 123 BLHS với lỗi cố ý gián tiếp.

Lỗi cố ý gián tiếp là lỗi quy định tại Khoản 2 Điều 10 Bộ luật hình sự 2015, là lỗi của một người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức rõ tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra. Pháp luật buộc công dân phải nhận thức hành vi điều khiển xe mô tô với tốc độ cao, ném ớt bột trúng mặt vào người truy đuổi ở vị trí gần nhau là nguy hiểm đến tính mạng người khác. Giữa hành vi ném ớt vào trung úy công an ngã tử vong có mối quan hệ nhân quả.

Về ý thức chủ quan các đối tượng tuy không mong muốn làm chết người nhưng đã bỏ mặc hậu quả xảy ra thì với việc làm Trung úy Công an tử vong thì đối tượng phải chịu trách nhiệm về tội Giết người là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Đối với hành vi trộm cắp, các đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với giá trị chiếm đoạt theo Điều 173 BLHS.

P.Mai

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/phap-luat/201911/vu-nem-bot-ot-khien-cong-an-tu-vong-phai-chiu-trach-nhiem-toi-giet-nguoi-3b74bb4/