Vũ khí khủng khiếp của Mỹ bất lực với Triều Tiên

Vũ khí xung điện từ (EMP) được coi là thế mạnh của Mỹ trước Triều Tiên, tuy nhiên theo nguồn tin quân sự Mỹ, không thể dùng EMP với Bình Nhưỡng.

Thế mạnh không thể dùng

Tờ The Hill dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, Không quân nước này hiện có kế hoạch dùng tên lửa AGM-86C mang đầu đạn xung điện từ (EMP) phóng từ máy bay B-52 để phá hủy các bãi phóng tên lửa hay cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Nguồn tin này cho biết, trước khi có kế hoạch dùng vũ khí EMP với Triều Tiên khi xung đột nổ ra, Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm và đã cho thấy sức mạnh hủy diệt mềm ghê gớm của vũ khí EMP này.

Kênh truyền hình NBC dẫn lời người đứng đầu Phòng Thí nghiệm phát triển vũ khí của Không quân Mỹ Mary Lou Robinson cho biết, những cuộc thử nghiệm đã diễn ra hoàn hảo, mức độ thiệt hại do EMP tạo ra tương tự như các nhà phát triển tính toán.

Mô phỏng cuộc tấn công bằng vũ khí EMP của Mỹ.

Dù đầy ưu điểm trong những cuộc thử nghiệm nhưng việc dùng EMP có hiệu quả hay không khi tấn công Triều Tiên lại là chuyện khác.

The Hill cho rằng, khi một tên lửa bay vào lãnh thổ Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến Bình Nhưỡng phản ứng mạnh mẽ như với một hành động gây chiến và hậu quả rất khó lường.

Theo Kingston Reif, Giám đốc về giải trừ quân bị và chính sách giảm thiểu mối đe dọa tại Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho rằng việc Triều Tiên không phản ứng sau khi bị tấn công bởi vũ khí EMP chỉ là một điều ước không có thật.

Vấn đề đặc biệt khó khăn của Mỹ là bởi, hiện nay tình báo nước này không thể biết chính xác vị trí những cơ sở hạt nhân và nhà máy tên lửa Triều Tiên được xây dựng chính xác ra sao.

Vì vậy, khó mà chắc chắn được việc vũ khí EMP có thể vô hiệu chúng hay không. Do đó kế hoạch dùng vũ khí EMP để tấn công Bình Nhưỡng là một kế hoạch không bao giờ nên dùng.

Từ những phân tích trên, tờ The Hill cho rằng, thế mạnh không dùng bom đạn của Mỹ để tấn công Triều Tiên không thể được áp dụng trong thực tế bởi người Mỹ không thể biết trước hiệu quả và hậu quả họ phải nhận nếu khai hỏa loại vũ khí công nghệ cao này.

Triều Tiên không ngán

Trong khi chưa biết hiệu quả thực tế của vũ khí EMP đến đâu nhưng đồng thời với kế hoạch được Mỹ công khai, Triều Tiên cũng không ngần ngại tuyên bố sẽ dùng vũ khí tương tự khiến Mỹ tê liệt.

Khi phát biểu tại hội thảo về giải trừ hạt nhân hồi tháng 9/2017, ông Han Tae-song, Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc tuyên bố: "Tôi tự hào nói rằng, ngày 3/9, chúng tôi đã thử thành công bom nhiệt hạch dùng cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhằm xây dựng một lực lượng hạt nhân chiến lược".

Vị đại sứ này nhấn mạnh: "Các biện pháp tự vệ gần đây của Triều Tiên là một món quà gửi tới không ai khác ngoài nước Mỹ. Và Washington sẽ được nhận thêm nhiều món quà bất ngờ từ Bình Nhưỡng nếu tiếp tục các hành động khiêu khích và gây sức ép với Triều Tiên".

Ngoài ra, vị đại sứ này còn úp mở nói đến khả năng Triều Tiên dùng đòn tấn công khiến Mỹ tê liệt mà không cần phải phóng tên lửa ICBM với đầu đạn nhiệt hạch. Tuy nhiên, ông Han Tae-song không nói đó là loại vũ khí nào.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Peter Vincent Pry, Giám đốc điều hành Lực lượng an ninh quốc gia Mỹ, vũ khí Bình Nhưỡng đang úp mở nói đến chính là vũ khí EMP.

Tiến sĩ Peter Vincent Pry cho biết, hiện nay Triều Tiên đã bí mật phát triển năng lực kích nổ vũ khí hạt nhân tọa độ cao trong không gian, chuẩn bị cho một cuộc tấn công xung điện từ (EMP) có thể vô hiệu hóa hệ thống điện bên dưới và gây ra hậu quả khôn lường.

Cơ sở cho mối quan ngại của ông Pry là việc vệ tinh KMS-3 của Triều Tiên gần đây thường xuyên bay qua và tiếp cận khu vực khí quyển bên trên không phận Mỹ từ hướng nam, nơi hệ thống phòng thủ của Washington được bố trí tương đối mỏng và dễ bị tấn công nhất bằng EMP.

"Vệ tinh Triều Tiên thường xuyên đi qua Mỹ từ hướng nam ở độ cao có thể phát động tấn công EMP đối với khoảng 48 bang của Mỹ", theo Tiến sĩ Peter Vincent Pry.

Nói về nguyên tắc hoạt động của vũ khí xung mạch điện từ, vị chuyên gia này cho biết, khi phát nổ, nó sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn, phá hủy các lưới điện, gây nghẽn mạch và phá hủy về mặt vật lý các thiết bị điện tử trong phạm vi tác chiến, gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng cho các thiết bị chỉ huy, điều khiển.

Khi các hệ thống này bị vô hiệu hóa, sức chiến đấu của vũ khí bị vô hiệu hóa. Và EMP của Triều Tiên có thể sẽ kéo lui nước Mỹ vài thế kỷ, khi chưa có điện, máy lạnh, điện thoại thông minh, ông Pry cảnh báo.

Tuy nhiên, bất chấp cảnh báo ông Pry đưa ra, tờ The Hill cho rằng việc sở hữu vũ khí EMP chỉ là tuyên bố suông của Bình Nhưỡng về loại vũ khí tối tân mà trên thực tế họ chưa đủ trình độ và cơ sở để phát triển.

Clip mô phỏng cuộc tấn công bằng vũ khí EMP của Mỹ

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/vu-khi-khung-khiep-cua-my-bat-luc-voi-trieu-tien-3348998/