Vụ Đông Á Bank: Khó buộc trách nhiệm của khách hàng và công chứng

Ngày 12/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa vụ án Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á- DAB ra xét xử phúc thẩm...

Quang cảnh phiên tòa phúc thẩm ngày 12/7.

Phiên tòa được mở do có đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Đạo Vũ (cựu Phó Tổng giám đốc DAB, kiêm giám đốc chi nhánh Hà Nội), Lương Ngọc Quý (cựu Giám đốc DAB, Chi nhánh Hà Nội).

Bị cáo Phan Thúy Mai (cựu Giám đốc Công ty Đầu tư và Du lịch An Phát), Nguyễn Thị Kim Đường (cựu Phó Giám đốc DAB, Chi nhánh Hà Nội) kháng cáo xin giảm nhẹ tội.

Liên quan đến vụ án, Ngân hàng DAB kháng cáo toàn bộ nội dung liên quan đến trách nhiệm dân sự.

Trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến (cựu Phó Tổng giám đốc DAB) rút đơn kháng cáo nên HĐXX cấp phúc thẩm đã đình chỉ xét xử đối với bà Xuyến.

LUẬT SƯ ĐỀ NGHỊ TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH TÀI CHÍNH

Bản án sơ thẩm thể hiện, Công ty An Phát là chủ đầu tư Dự án bất động sản Đồi 79 mùa xuân tại huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc (nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội). Bị cáo Mai có quan hệ thân thiết với Ban giám đốc DAB nên đề xuất vay tiền tại đây.

Từ 2007- 2014, một số cán bộ, lãnh đạo DAB đã có hành vi vi phạm quy định trong việc xét duyệt hồ sơ tín dụng cho Công ty An Phát, Công ty TNHH Star Hair, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Tràng An vay tiền với số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho ngân hàng.

Bị cáo Phan Thúy Mai, Giám đốc Công ty An Phát đã lợi dụng mối quan hệ thân thiết với Tổng giám đốc Ngân hàng DAB Trần Phương Bình và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Thị Kim Xuyến (sở hữu 5% cổ phần tại Công ty An Phát), vận động để ông Bình, bà Xuyến chỉ đạo Chi nhánh DAB giải ngân, làm hồ sơ nhanh chóng, bỏ qua các quy trình thẩm định, không thực hiện đúng các thủ tục đăng ký giao dịch đảm bảo, để công ty An Phát được giải ngân các khoản tín dụng lớn.

Tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của Công ty An Phát nhưng không có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, dẫn đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thế chấp trái quy định pháp luật và không có giá trị thực hiện.

Cáo buộc cho rằng, hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho DAB hơn 184 tỷ đồng.

Quá trình xét xử phúc thẩm, luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị trưng cầu giám định Bộ Kế hoạch Đầu tư để xem biên bản họp Hội đồng quản trị có giá trị vay vốn không, trưng cầu giám định về mặt tài chính và định giá tài sản của Công ty An Phát.

Với các đơn kháng cáo kêu oan, đại diện Viện kiểm sát kết luận họ không oan và mức hình phạt 5 năm tù là thấp nhất khung hình phạt. Còn xét kháng cáo của bị cáo Đường thì xác định bị cáo đã thành khẩn nhận tội, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan tố tụng nên đề nghị giảm án.

Trước ý kiến cho rằng bị cáo Mai không phải là chủ thể của tội danh Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan ngân hàng, đại diện Viện kiểm sát giải thích, bị cáo là người khởi xướng, cùng thực hiện hành vi sai phạm với các cán bộ ngân hàng trong suốt quá trình vay vốn nên bị cáo giữ vai trò đồng phạm.

Tòa phúc thẩm đã chấp nhận giảm án 1 năm tù cho bị cáo Đường và bác bỏ toàn bộ kháng cáo của các bị cáo khác. Do đó, bị cáo Đường phải chấp hành án 4 năm tù; Vũ, Mai và Quý nhận 5 năm tù.

KHÓ BUỘC TRÁCH NHIỆM CỦA KHÁCH HÀNG VÀ VĂN PHÒNG CÔNG CHỨNG

Về trách nhiệm dân sự, cấp sơ thẩm buộc bị cáo Mai phải bồi thường gần 76 tỷ đồng cho DAB; Công ty An Phát phải bồi thường 108 tỷ đồng cho DAB. Ngoài ra, tòa tuyên trả lại 124 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả cho Công ty An Phát, song tiếp tục được tạm giữ để đảm bảo thi hành cho khoản tiền 108 tỷ đồng mà công ty này buộc phải bồi thường cho ngân hàng.

Tại tòa, đại diện ngân hàng cho rằng, Công ty Tràng An là đơn vị trực tiếp xây dựng hồ sơ vay vốn, trực tiếp ký hợp đồng vay và nhận số tiền 18 tỷ đồng từ DAB. Số tiền này được xác định là hậu quả của vụ án. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm không buộc Công ty Tràng An có trách nhiệm liên đới thanh toán cho ngân hàng số tiền trên.

Tương tự, Công ty An Phát là đơn vị trực tiếp xây dựng hồ sơ, cung cấp hồ sơ để được vay vốn, giải ngân toàn bộ số công nợ phát sinh. Tiền vay do ngân hàng giải ngân trực tiếp vào tài khoản của Công ty An phát nên phát sinh nghĩa vụ thanh toán của Công ty An Phát. Quan điểm của ngân hàng là Công ty An Phát phải có trách nhiệm thanh toán toàn bộ dư nợ gần 167 tỷ đồng.

Với các lý do trên, ngân hàng đề nghị tòa phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng xác định Công ty An Phát và Công ty Tràng An là bị đơn dân sự; từ đó buộc Công ty An Phát phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi là hơn 431 tỷ đồng, buộc Công ty Tràng An thanh toán nợ gốc và lãi hơn 46,7 tỷ đồng.

Trường hợp Công ty An Phát và Công ty Tràng An không thanh toán nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu phát mại tài sản thế chấp là 123 quyền sử dụng đất thuộc dự án 79 Mùa Xuân để thu hồi nợ.

Ngoài ra, ngân hàng yêu cầu văn phòng công chứng có trách nhiệm liên đới bồi thường do hợp đồng công chứng bị tuyên vô hiệu.

Theo đại diện Viện kiểm sát, tòa sơ thẩm xác định bị cáo Mai chiếm hưởng cá nhân hơn 75 tỷ đồng và buộc bị cáo phải hoàn trả cho ngân hàng số tiền trên là có căn cứ.

Sau khi xem xét, Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của ngân hàng, quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm về phần dân sự.

Hồi tháng 6/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc DAB) mức án 10 năm tù vì tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng. Tổng hợp chung với hai bản án trước, ông Trần Phương Bình phải thi hành án tù chung thân.

Cùng tội danh, bà Nguyễn Thị Kim Xuyến lĩnh 11 năm tù. Tổng hợp với bản án cũ, bà Xuyến phải thi hành mức án 30 năm tù.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vu-dong-a-bank-kho-buoc-trach-nhiem-cua-khach-hang-va-cong-chung.htm