Vụ án xâm hại phụ nữ di cư gây sốc ở Cyprus

Người dân Đảo quốc Cyprus hết sức choáng váng sau khi một sĩ quan quân đội thú nhận sát hại 5 phụ nữ di cư và 2 cô gái nhỏ - sự kiện kinh khủng được cho là vụ giết người hàng loạt đầu tiên của hòn đảo. Trong bối cảnh sốc, những người biểu tình cáo buộc cảnh sát đã không điều tra đúng cách các nạn nhân mất tích bởi vì lý lịch di cư của họ.

Sự thật được phơi bày

Mary Rose Tiburcio, Arian Palanas Lozano và Maricar Valtez Arquiola đều là lao động giúp việc nhà đến từ Philippines. Ngoài ra, trong số các nạn nhân còn có một phụ nữ Nepal, một phụ nữ Romania có tên địa phương là Livia Bunea với cô con gái nhỏ Elena và con gái Sierra 6 tuổi của Tiburcio.

Vụ việc phơi bày một hệ thống bóc lột ép buộc hàng chục ngàn phụ nữ di cư làm việc như người giúp việc nhà trong các điều kiện mà các nhà phê bình mô tả giống như chế độ nô lệ hiện đại.

Các thành viên của cộng đồng người Philippines ở Cyprus tham dự một buổi cầu nguyện cho các nạn nhân.

Lissa Jatass, một người giúp việc gia đình và người vận động cho quyền của phụ nữ di cư ở Cyprus, phát biểu: “Vụ giết người là một hồi chuông cảnh tỉnh. Người giúp việc ở đây phải chịu đựng hệ thống tồi tệ. Phụ nữ ở đây ít được đại diện nhất trong xã hội”. Một số nạn nhân được báo cáo mất tích khi họ lần đầu tiên biến mất. Cảnh sát nói rằng một cuộc điều tra đã được tiến hành để xác định bất kỳ thất bại hoặc sai trái nào từ phía lực lượng, và Bộ trưởng Tư pháp Cyprus cũng đã từ chức.

Ester Beatty, đại diện Tổ chức Philippines tại Cyprus cho biết phụ nữ đến làm việc tại đảo quốc vì đây là một phần của Liên minh châu Âu (EU) và họ cảm thấy “thoải mái hơn một chút”. Hợp đồng yêu cầu chủ lao động cung cấp cho họ thức ăn và chỗ ở miễn phí.

Thế nhưng Ester Beatty thường xuyên giải quyết các khiếu nại từ những phụ nữ có mức lương hàng tháng thấp hơn mức tối thiểu 400 euro (450 USD). Mặc dù ký hợp đồng quy định một tuần làm việc 42 giờ với một ngày nghỉ, song Beatty cho biết phụ nữ thường xuyên làm việc 12 - 14 giờ mỗi ngày với rất ít hoặc không có kỳ nghỉ và thậm chí thường xuyên bị quấy rối tình dục.

Chính phủ Cyprus nói rằng nếu các điều khoản của hợp đồng bị vi phạm thì “thủ tục nghiêm ngặt sẽ được thiết lập” để giải quyết khiếu nại. Trong một tuyên bố, chính phủ Cyprus cam kết “liên tục tăng cường nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc của tất cả các công nhân quốc gia ngoài EU”.

Nhưng, Santie đến Cyprus từ Philippines năm 2011, lên tiếng: “Chúng tôi đến đây và hy sinh mạng sống. Chúng tôi có gia đình để cung cấp thực phẩm, trẻ em gửi tiền lương cho chúng tôi. Chúng tôi làm điều này để hỗ trợ con cái của chúng tôi. Nhưng họ đang đối xử với chúng tôi như nô lệ”.

Phụ nữ tìm việc ở Cyprus thông qua các đại lý ở nước họ - phổ biến nhất là Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ và Nepal – với khoản phí ban đầu được trả bằng USD là 2.000-7.000 USD.

Truy tìm nạn nhân dưới đáy Hồ Đỏ ngày 28-4-2019.

Mặc dù chính phủ nói rằng những khoản phí đó là bất hợp pháp, Santie đã vay ngân hàng và dành tiền lương năm đầu tiên ở Cyprus chỉ để trả lãi. Chủ lao động đầu tiên trả cho Santie tối thiểu 400 euro/ tháng.

Trong vòng 3 tháng, Santie cáo buộc cô bị quấy rối tình dục. Sau đó, người đại diện của Santie bảo rằng cô sẽ cần phải làm việc đủ 6 tháng cho cặp vợ chồng chủ nhà trước khi người đại diện có thể “thả” cô và để cô làm việc cho người khác. Người đại diện cố gắng thuyết phục Santie rằng quấy rối tình dục “chỉ là một sự đụng chạm thân thiện”, nhưng cuối cùng cô đã bỏ trốn vì quá sợ hãi.

Quấy rối tình dục là câu chuyện quen thuộc. Một phụ nữ khác tên là Liza làm việc cho một cặp vợ chồng già. Liza cho biết người chồng liên tục yêu cầu cô “lên giường” và ôm hôn. Liza cáo buộc mình cũng bị một người đàn ông mà cô làm việc bán thời gian hành hung. Khi được hỏi liệu có báo cáo bất kỳ sự cố nào cho cảnh sát, Liza cười: “Họ sẽ không làm gì cả”.

Trong khi đó, cảnh sát Cyprus tuyên bố họ điều tra đầy đủ các khiếu nại về quấy rối tình dục, và nếu một vụ án được thành lập, nó sẽ được xử lý để truy tố hình sự. Chính phủ Cyprus khẳng định bất kỳ người lao động nào cảm thấy là nạn nhân của quấy rối tình dục đều được bảo vệ hoàn toàn theo luật pháp nước này và các trường hợp được kiểm tra bởi một đơn vị chuyên trách. Nhưng, sự thật rất khác!

Phân biệt đối xử với người di cư

Cả hai đại lý của Santie và Liza cuối cùng đã đồng ý trả tự do cho họ, nhưng điều này gây ra một loạt khó khăn khác. Người lao động được “thả” cần tìm nhà tuyển dụng mới trong vòng một tháng, nếu không giấy phép lao động của họ trở nên không hợp lệ và có nguy cơ bị trục xuất.

Santie nói rằng trải nghiệm của cô không phải là bất thường, rất nhiều cô gái có những trải nghiệm này.

Santie nói: “Tôi sợ quay trở lại Philippines vì tôi đã không trả phí của mình”. Doros Polykarpou, Giám đốc điều hành Kisa - một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người di cư ở Cyprus, cho biết điều này là phổ biến: “Bạn có thể tưởng tượng bao nhiêu áp lực để không mất chủ nhân hoặc quyền cư trú bởi vì bạn không thể trở lại mà không trả lại số tiền đã vay. Polykarpou cho biết nhiều đại lý tích cực khuyến khích các nhà tuyển dụng chấm dứt hợp đồng bởi vì “càng thay đổi nhiều lao động, họ càng kiếm được nhiều lợi nhuận”.

Santie tìm được chủ nhân mới, nhưng bị ép làm việc 14 giờ/ngày, sáu ngày/tuần, trái với luật pháp EU. Thậm chí, Santie không được trả tiền cho nghỉ phép hàng năm. Santie tiết lộ: “Họ yêu cầu tôi làm việc trong nhà hàng, trong ngôi nhà và cả bên ngoài”. Cristina Fontanos Casas cũng có trải nghiệm tương tự.

Casas giúp việc cho một gia đình nhưng cũng bị buộc phải làm việc tại nhà hàng của họ: “Nhà hàng rất đông khách và tôi làm việc từ 7 giờ sáng đến 6-7 giờ tối”. Ester Beatty cho biết thông thường người lao động giúp việc nhà được chia sẻ giữa 3 gia đình để họ có thể chia sẻ chi phí, mặc dù điều đó là trái luật.

Theo Polykarpou, Cyprus đã đưa ra luật tạm thời cho phép người di cư vào nước này năm 1991 để lấp đầy khoảng trống về việc làm và ước tính dân số di cư của hòn đảo nằm trong khoảng từ 70.000 đến 80.000. Nhưng Polykarpou nhận định: “Mô hình đã vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến tình trạng 20% dân số là người di cư”.

Nikos Metaxas cho biết “chưa tìm được câu trả lời” cho hành động của mình.

Mặc dù chính quyền Cyprus khẳng định tất cả những người di cư đều được hưởng bảo trợ xã hội giống như người dân sở tại, nhưng người lao động phàn nàn về việc chăm sóc sức khỏe rất cơ bản và không có quy định về điều trị nha khoa hoặc phụ khoa. Polykarpou nói thẳng: “Sự phân biệt đối xử ở đây là rất lớn. Phân biệt chủng tộc đang lan tràn. Toàn bộ hệ thống được xây dựng để giữ cho người lao động bị cô lập, dễ bị tổn thương và loại bỏ. Đó là điều kiện tương tự như chế độ nô lệ hiện đại”.

Bản án chung thân cho kẻ giết người hàng loạt đầu tiên ở Cyprus

Một sĩ quan quân đội người Cyprus gốc Hy Lạp bị tuyên án chung thân trong vụ giết hại 5 phụ nữ nước ngoài và 2 đứa con của họ. Nikos Metaxas, 35 tuổi, đã nhận tội trước tòa hôm 24-6-2019 với 12 cáo buộc liên quan đến vụ bắt cóc và giết chết 7 phụ nữ và trẻ em gái ở Cyprus trong 3 năm.

Trong nước mắt, Metaxas xin lỗi gia đình nạn nhân và… nói không biết tại sao mình lại phạm “tội ác đáng ghét”. Vụ án - phiên tòa đầu tiên của Cyprus về một kẻ giết người hàng loạt - đã làm choáng váng người dân hòn đảo.

Người lao động nhập cư và con cái họ thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân của vụ án mạng.

Metaxas có lời nói trước tòa án ở thủ đô Nicosia: “Xã hội Cyprus sẽ tự hỏi làm thế nào một thành viên của nó phạm tội ác đến mức này”. Và nói thêm: “Tôi cũng đã tự hỏi mình tại sao; tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời”. Metaxas cho biết ông sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan chức năng… “tìm kiếm câu trả lời”.

Bản án dành cho Metaxas - người mặc áo chống đạn trong phòng xử án – được coi là mức tuyên phạt cứng rắn nhất từng được áp đặt bởi hệ thống tư pháp Cyprus. Khi kết án cựu sĩ quan quân đội với án tù tổng cộng 25 năm, một hội đồng gồm 3 thẩm phán cho biết Metaxas có kế hoạch giết phụ nữ (di cư) không phòng vệ.

Vụ giết người diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 9-2016 đến tháng 8-2018. Các nạn nhân của Metaxas bao gồm: 3 phụ nữ đến từ Philippines, một người từ Nepal và một người từ Romania. Hầu hết đều làm việc nhà. Hai đứa trẻ lên 6 và 8 tuổi.

Cảnh sát trưởng Cyprus sau đó đã bị cách chức và bộ trưởng tư pháp cũng bị buộc từ chức vì không điều tra đúng theo báo cáo của những người mất tích. Vụ án lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào tháng 4-2019, khi thi thể của 2 phụ nữ - Marry Rose Tiburcio, 38 tuổi và Arian Palanas Lozano, 28 tuổi, cả hai đều đến từ Philippines - được phát hiện.

Một trong những thi thể được phát hiện khi du khách đi xuống hầm thông với khu mỏ khai thác khoáng sản đã bị ngập sau những trận mưa lớn. Các khám phá đã kích hoạt một cuộc điều tra và sau khi theo dõi các tin nhắn trực tuyến của Tiburcio, cảnh sát đã bắt giữ Metaxas vì nghi ngờ giết người.

Lúc đầu, Metaxas một mực phủ nhận tội giết một phụ nữ Philippines thứ 3 là Maricar Valtez Arquiola, 31 tuổi - người được báo cáo mất tích vào năm 2017 - nhưng sau đó đã thay đổi lời khai và nhận tội.

Sau khi bị bắt, Metaxas chỉ cho các nhà điều tra một cái giếng tại một trường bắn của quân đội, nơi phát hiện ra thi thể của một trong những nạn nhân. Nhà chức trách sau đó đã lùng sục hai hồ nước ở phía nam để tìm hai thi thể khác. Metaxas được cho là đã cung cấp cho cảnh sát thông tin chi tiết về cách hắn vứt xác. Metaxas dự kiến sẽ không kháng cáo.

Di An (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/vu-an-xam-hai-phu-nu-di-cu-gay-soc-o-cyprus-552563/