Vụ án kim cương gây chấn động chính trường Pháp

Vụ scandal về kim cương liên quan đến ngài Albin Chalandon, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Pháp trong giai đoạn từ năm 1986-1988, từng là 'cú đột phá' giúp tờ tuần báo Pháp Le Canard Enchainé lấy lại phong độ.

Nhưng ẩn đằng sau câu chuyện gây tranh cãi này là một cái gì đó lớn lao hơn, hay nói đúng ra là "sự lụn bại" của nền chính trị Pháp trong thời điểm ấy.

Ký giả kỳ cựu Claude Roire, Tổng biên tập tuần báo Le Canard Enchainé.

Ở năm ấn hành lần thứ 72 của Le Canard Enchainé, tờ báo hài hước khổ lớn nổi tiếng nhất nước Pháp - với 700.000 ấn bản mỗi kỳ - lại có dịp "hồi xuân" từ giữa tháng 5-1987. Tại những căn phòng yên tĩnh thuộc Ban biên tập Le Canard Enchainé tọa lạc trên phố Saint-Honoré ở Paris luôn phảng phất bầu không khí của sự trở lại y như những năm tháng rực rỡ nhất.

Một khung cảnh chưa từng thấy gần 2 thập niên liền kể từ cái năm 1979 xa xưa ấy, khi Le Canard Enchainé phơi bày câu chuyện về những viên kim cương mà Tổng thống Pháp Valéry Giscard d'Estaing được Hoàng đế của Vương quốc Trung Phi Jean-Bedel Bokassa (1921-1996) tặng.

Tuy rằng tới cuộc bầu cử Tổng thống kế tiếp còn những 2 năm nữa, nhưng "vụ kim cương" khi ấy không những đã làm sụp đổ uy danh chính trị của cá nhân ông V.G.De Estaing, mà còn của cả lực lượng cánh hữu Pháp nói chung - những người liên tục cầm quyền trên chính trường Pháp kể từ khi nền Đệ ngũ Cộng hòa ra đời trong năm 1958. Tới năm 1981, ghế Tổng thống rơi vào tay ông Francois Miteran (1916-1996), dẫn tới đường lối thiên tả ngự trị trong suốt 2 nhiệm kỳ liền kéo dài 14 năm.

Với tuần báo cựu trào Le Canard Enchainé thì sự hồi sinh chính thức bắt đầu từ dạo tháng 5-1987, giúp tờ báo lấy lại sự uy tín cũng như số ấn bản phong phú của mình, khi một cú điện thoại nặc danh gọi tới tòa soạn.

"Những viên kim cương - người đối thoại vô danh thầm thì bên kia đầu dây - Một câu chuyện về kim cương trị giá hơn 2 tỉ franc…".

"Chắc ngài nói về những đồng franc cũ, theo như tôi hiểu?" - Claude Roire, Tổng biên tập tờ Le Canard Enchainé hỏi lại, đồng thời tính theo giá mới sau khi đã giảm đi 2 số 0. "Không, franc mới hiện nay chứ!" - người báo tin khẳng định lại. C.Roire liền bắt tay vào cuộc, 5 ngày sau tờ Le Canard Enchainé đã sẵn sàng với số báo đầu tiên cho loạt bài về vụ án kim cương mới - gây chấn động chính trường nước Pháp.

"Cả 2 vụ trước và sau khiến tờ báo chúng tôi nổi danh đều liên quan đến kim cương - Tổng biên tập C.Roire nhận định và quả là ông nói rất đúng.- Vụ đầu xảy ra với một vị Tổng thống có cá tính yếu đuối, bị cám dỗ bởi những kẻ độc tài quân sự như J.B.Bokassa. Còn vụ sau liên quan trực tiếp đến 2 viên Bộ trưởng từng đương chức trong nội các nhiệm kỳ 2 của Thủ tướng Jacques Chirac (1932-2019), cùng với tổng trị giá lớn gấp bội".

Đứng giữa trung tâm của câu chuyện mới là anh em nhà Chaumet gồm Jacques Chaumet và Pierre Chaumet, 2 doanh nhân kim hoàn thành đạt nhất tại Pháp, đồng sở hữu qua thừa kế một cơ sở chế tác và kinh doanh kim cương nổi tiếng, được thành lập trong năm 1780 dưới thời Vua Louis XVI (1754-1793), có nghĩa là hơn 2 thế kỷ nay. Họ là những nhà buôn lịch thiệp, có bản lĩnh, không nhân nhượng và rất đàng hoàng - theo như lời nhận định của những đồng nghiệp nổi tiếng.

Để trở thành khách hàng của họ, ngoài việc có nhu cầu ra, nhất thiết bạn phải có thêm 2 điều kiện tiên quyết nữa - theo truyền thống của nhà Chaumet - là niềm tin tuyệt đối và tiềm lực tài chính hùng mạnh.

Nhưng còn gì hay hơn thế nữa, bởi một khi việc mua bán đồ trang sức và đá quý không cần hóa đơn, chứng từ và sổ sách tài vụ kế toán trên cơ sở "tin nhau là chính", thì hiểm họa bị truy tố về tội trốn thuế là rất hạn hữu; và nhất là thật dễ dàng chuyển những khoản tiền phi pháp ra nước ngoài một cách gọn ghẽ nhất bằng con đường công khai, mà chẳng ai làm gì được.

Nhưng chuyển "đống tiền" khổng lồ ấy đi đâu? Tất nhiên là qua nước láng giềng Thụy Sĩ, vốn đầy uy tín và kinh nghiệm trong việc "giữ gìn của nả" mà không cần hỏi nguồn gốc xuất xứ. Vậy bằng cách nào? Đương nhiên nên đầu tư mọi khoản vào kim cương là "chắc ăn" nhất.

Trụ sở kinh doanh bề thế của Hãng Chaumet ngay trung tâm Paris.

Nhưng ai cũng biết, rằng giá kim cương trên thị trường thế giới lúc ấy đang giảm mạnh, còn giá USD không giống như mấy năm trước đây nữa... Để giữ nguyên "phong độ" với giới khách hàng khả kính, anh em nhà Chaumet cần phải đi gõ cửa các ngân hàng.

Với uy tín cố hữu của họ, chẳng nhà băng Pháp hay Thụy Sĩ nào dám "cả gan" từ chối cho vay một vài chục triệu đồng ngoại tệ mạnh. Đổi lại, anh em nhà Chaumet với cơ sở kinh doanh bề thế và lộng lẫy, tọa lạc trên quảng trường Vendôme giữa trung tâm "kinh đô ánh sáng" Paris, đã xuất trình một loạt hóa đơn cùng các ủy nhiệm chi khác nhau.

Nhưng than ôi, tất cả đều là đồ "rởm" y như sổ sách kế toán của họ vậy. Khi các ngân hàng phát hiện ra thì đã quá muộn, nguy cơ phá sản là điều khó tránh khỏi…

Đến tháng 6 cùng năm, anh em nhà Chaumet bị cảnh sát Pháp bắt về tội lừa đảo. Cái "lỗ đen nợ nần" mà ít người am hiểu được biết, thực ra lên tới cả 2 tỉ franc Pháp mới, tương đương gần 400 triệu USD - gấp nhiều lần mức doanh thu hàng năm của Hãng Chaumet. Rốt cục anh em nhà Chaumet bị truy tố ra tòa, lĩnh mức án 5 năm tù cho mỗi người về tội lừa đảo và huy động vốn bất hợp pháp.

Câu chuyện có thể kết thúc tại đây nếu như các cơ quan điều tra không lần ra 3 điều tưởng chừng "nhỏ nhặt, nhưng rất đỗi quan trọng" - theo như nguyên văn lời người đại diện cơ quan Cảnh sát Tài chính Paris.

Thứ nhất là trọn cả 2 năm trước khi những chiếc còng số 8 bập vào tay anh em nhà Chaumet, Hải quan Pháp từng bắt đầu tiến hành một cuộc điều tra riêng rẽ về "Vụ Chaumet", nhưng những tài liệu liên quan đến vụ này lúc được chuyển lên văn phòng của viên Bộ trưởng Bộ Ngân khố Alain Juppé (Thị trưởng thành phố cảng Bordeaux, rồi Thủ tướng Pháp trong giai đoạn về sau), chẳng hiểu sao bỗng dưng lại được đưa vào dạng… hồ sơ lưu trữ(!).

Thứ 2 là giữa những khách hàng khả kính của cặp doanh nhân Chaumet, bao gồm cả người cháu ruột của viên Bộ trưởng Nội vụ Pháp Michel Poniatowski (1922-2002), rồi một loạt dân biểu thuộc 2 viện của Quốc hội, cũng như cá nhân ngài Bộ trưởng Tư pháp đầy quyền uy Albin Chalandon. Nhưng một điều "trái khoáy" là nhân vật sau cùng này là người bán hàng cho Chaumet, chứ không phải khách mua.

Trị giá thực của các món hàng mà A.Chalandon bán là bao nhiêu thì chẳng ai rõ, chỉ biết rằng anh em nhà Chaumet phải "trả góp" đều đặn cho viên Bộ trưởng Tư pháp đương nhiệm lúc ấy là 500.000 franc - trong suốt một thời gian dài. Đương nhiên việc chi trả đã chấm dứt khi 2 kẻ lừa đảo cỡ bự bị tóm, rồi ngài A.Chalandon cũng được coi là một trong những nạn nhân của Chaumet. Nhưng bằng chứng đâu?

Đây chính là vấn đề thứ 3 mà các nhà điều tra khám phá được, là bản thân ông A.Chalandon đã trao toàn bộ các món đồ trang sức của gia đình mình cho Chaumet, mà không cần bất cứ một mảnh "giấy lận lưng" nào để làm chứng. Lại một kiểu sĩ diện cổ điển theo nguyên tắc của nhà Chaumet "tin nhau là chính". Lẽ dĩ nhiên, nhưng đây cũng là một cách trốn thuế tinh vi không phải ai cũng "dám" làm.

Nhân "Vụ Chaumet", báo giới Pháp đồng loạt lên tiếng với những hàng tít trên trang nhất như "Đội ngũ thối nát" (Le Monde), hay "Quá đủ rồi!" (Le Figaro - nhật báo lâu đời nhất tại Pháp), hoặc "Sự vô tổ chức" (L'Express)… Nhưng mạnh mẽ nhất có lẽ là dòng tít của tờ tuần báo Le Point: "Sự sụp đổ của nước Pháp!". Và rồi "Vụ Chaumet nhanh chóng bị người ta "cho vào quên lãng, sau hàng loạt các biến cố trọng yếu khác" - như giới chính khách đương nhiệm khi ấy vẫn rêu rao.

Hay như nguyên văn lời Bộ trưởng Tư pháp A.Chalandon, người từng lớn tiếng trong kỳ Đại hội thường niên của Đoàn luật sư Paris (FBP) - ngay sau khi xảy ra "Vụ Chaumet": "Tính độc lập không phụ thuộc truyền thống của các bạn cần phải luôn được giữ gìn". Độc lập và không phụ thuộc vào ai? Rõ ràng là ông ta muốn ám chỉ báo giới, những kẻ ưa tò mò và chõ mũi vào công việc của người khác - như Le Canard Enchainé là một ví dụ chẳng hạn.

Xuân Hiếu

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/vu-an-kim-cuong-gay-chan-dong-chinh-truong-phap-599957/