Vốn chính sách xã hội giúp người nghèo đổi đời - Bài 1: Đòn bẩy để người nghèo vươn lên

Vốn tín dụng ưu đãi dành cho người nghèo vay phát triển kinh tế gia đình được nhiều địa phương trong đó có tỉnh Đồng Nai triển khai tốt thời gian qua.

Thông qua các chương trình ưu đãi vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo ở tỉnh Đồng Nai đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Phóng viên TTXVN đãbài viết về những chủ trương, chính sách tín dụng xã hội giúp người nghèo vươn lên ở địa phương này.

Phiên giao dịch tại Điểm giao dịch xã La Ngà của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Phiên giao dịch tại Điểm giao dịch xã La Ngà của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Quán (Đồng Nai). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Bài 1: Đòn bẩy để người nghèo vươn lên

Đồng Nai là tỉnh nằm trong tốp đầu của cả nước về thu nhập bình quân đầu người, đơn cử như năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đã đạt 139,75 triệu đồng/người. Tuy nhiên, công tác xóa đói, giảm nghèo vẫn là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ này của các cấp chính quyền trong tỉnh, với mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo bằng không trong thời gian sớm nhất.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đời sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao, khoảng cách chênh lệch giàu, nghèo ở thành thị và nông thôn dần được thu hẹp.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Huyện Tân Phú xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội để các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo hiểu rõ, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ của các chi, tổ hội ở cơ sở, Đài phát thanh huyện, cổng thông tin điện tử, hệ thống loa truyền thanh của địa phương... Từ đó, khẳng định được vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Điển hình, hộ bà K Cúc (dân tộc K’Ho, thuộc tổ vay vốn ở ấp Phú Yên, xã Phú Trung, huyện Tân Phú) đã sử dụng vốn vay hiệu quả và vươn lên thoát nghèo. Năm 2019, bà K Cúc vay vốn từ chương trình cho vay hộ nghèo100 triệu đồng để trồng 0,9 ha vườn sầu riêng. Sau 5 năm được chăm sóc tốt, đến nay, vườn sầu riêng của bà đã cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bà K Cúc đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

Gia đình bà Lâm Thị Đức là một trong những hộ nghèo, khó khăn nhất ở ấp Thanh Thọ 3 (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú). Năm 2022, bà Đức được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Phú cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi dê, đến nay đàn dê của gia đình bà đã có 70 con. Gia đình bà đang mở thêm chuồng trại để tăng đàn. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách xã hội nên gia đình bà đã vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nếu như huyện Tân Phú xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thì huyện Định Quán tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận, vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tiêu biểu, hộ bà Nguyễn Thị Vân (xã Gia Canh) đã được vay tổng số tiền từ năm 2014 đến nay là 162 triệu đồng thuộc các chương trình cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, bà Vân đã đầu tư 1,8 ha vườn cây điều, xây dựng mới công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh. Nhờ đó hằng năm, thu nhập của gia đình ổn định, đời sống được cải thiện.

Cũng thuộc Ấp 1, xã Gia Canh, gia đình bà Lê Thị Huệ từ năm 2014 đến nay đã được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tổng số tiền 182 triệu đồng thuộc các chương trình cho vay hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn để đầu tư 2 ha điều và xen canh cây ca cao, xây dựng mới công trình cấp nước sạch, công trình vệ sinh, phục vụ sinh hoạt. Nhờ đó, thu nhập hàng năm của gia đình bà ổn định.

Còn tại huyện Xuân Lộc, hộ ông Im Row (dân tộc Chăm) ở ấp 4, xã Xuân Hưng được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội hai đợt với tổng số tiền 140 triệu đồng để nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình, từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện của chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn 2014 - 2024 đã giúp 366.850 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay với số tiền 11.739 tỷ đồng để vươn lên thoát nghèo.

Vay vốn nuôi con ăn học thành tài

Người nghèo và các đối tượng chính sách nhờ có vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã có điều kiện tổ chức sản xuất, kinh doanh, nuôi con ăn học, tạo việc làm cải thiện đời sống, từng bước thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao, thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo; xóa bỏ dần nạn cho vay nặng lãi ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Điển hình, gia đình ông Nguyễn Tuấn (Ấp 3, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) có 7 người, trước đây rất nghèo, cuộc sống bấp bênh, đông con, vợ chồng đi làm thuê quanh năm không đủ ăn. Gia đình có đất sản xuất, có sức lao động nhưng không có vốn đầu tư nên cuộc sống rất khó khăn, không có tiền cho con đi học.

Năm 2008, con gái đầu của ông Tuấn thi đỗ đại học. Tuy nhiên, gia đình rất khó khăn nên cháu có nguy cơ phải nghỉ học. Lúc đó, thông qua Tổ tiết kiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Lý, gia đình ông được vay 16,6 triệu đồng để lo chi phí học tập cho con gái. Sau đó, vào các năm 2010, 2013, 2018, 2019, gia đình ông lần lượt có thêm 4 con thi đỗ đại học và tiếp tục được hỗ trợ vốn từ chương trình cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Cửu.

Với tổng số tiền vay hơn 352 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, gia đình ông Tuấn đã trang trải được chi phí cho 5 người con ăn học. Sự giúp đỡ kịp thời từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã tiếp thêm sức mạnh để các con của gia đình ông không phải bỏ học. Đến nay, ông Tuấn có 2 người con làm bác sĩ, 2 người đang học sư phạm và 1 người đang học ngành Công nghệ thông tin.

Ngoài gia đình ông Nguyễn Tuấn, nhiều hộ dân khác cũng đã nuôi dạy con học thành tài nhờ vốn vay chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội được ban hành kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế và được nhân dân đón nhận. Qua đó, tạo khí thế phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 tại Đồng Nai, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã giúp hơn 18 ngàn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Bài cuối: Đưa Ngân hàng về gần dân hơn

Theo TTXVN

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/von-chinh-sach-xa-hoi-giup-nguoi-ngheo-doi-doi-bai-1-don-bay-de-nguoi-ngheo-vuon-len/20240729082849687