'Với phụ nữ, hạnh phúc nhất hay đau đớn nhất cũng là khi có con'

'Phụ nữ hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất cũng chính là khi có con. Tôi là người chứng kiến cả hai khoảnh khắc ấy của họ', bác sĩ Oanh chia sẻ.

"Phụ nữ có sứ mệnh và nhờ đó có sự trải nghiệm mà đàn ông không thể nào có được, đó là việc sinh con. Hạnh phúc nhất, nhưng cũng đau đớn nhất từ đó mà ra", BSCKII Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng khoa Sản, Bệnh viện E (Hà Nội) nhắc lại câu nói ấy nhiều lần trong suốt buổi phỏng vấn.

24 năm gắn bó với những người phụ nữ mang bầu, những cuộc vượt cạn, nụ cười và cả nước mắt đắng cay, hơn ai hết, bà thấu hiểu sâu sắc và thấm thía về hành trình làm mẹ.

- Cơ duyên nào đã đưa chị đến với nghề y? Đến với sản khoa?

- Bố tôi là một bác sĩ. Nên ngay từ nhỏ tôi đã theo chân ông đi viện, lang thang khắp khoa phòng. Lúc đó, hình ảnh người bác sĩ với chiếc áo blouse trắng đã in sâu vào tiềm thức một đứa trẻ như tôi. Tôi luôn ngưỡng mộ bố cũng như đồng nghiệp, những người luôn làm việc bất kể ngày đêm để chữa bệnh cho bệnh nhân của mình. Chính vì thế, ước mơ trở thành bác sĩ đã nhen nhóm từng ngày trong tôi.

Sau này, điều đó đã thành sự thật, khi tôi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1994, lựa chọn chuyên ngành sản khoa và tiếp tục cho tới bây giờ. Đối với tôi, yếu tố chuyên ngành “hot” không ảnh hưởng tới quyết định lựa chọn của tôi mà chính là “thần tượng” – bố tôi của tôi. Ông khuyên tôi nên chọn sản khoa bởi tính nhân văn của nghề nghiệp sẽ mang lại niềm hạnh phúc cho con. Và cứ thế, theo tháng năm, tôi đã được trải nghiệm điều cha dạy…

- Chọn nghề y, đối với người bình thường đã là vất vả, với phụ nữ điều đó có lẽ còn nhiều hơn? Chị nghĩ sao?

- Đúng vậy. Nếu bạn là phụ nữ, lại chọn nghề y, thì bạn đã chọn sự vất vả. Tôi cũng vậy, điều đó thể hiện rõ khi so với bạn bè, chị em của chính mình trong gia đình. Đó là những ca trực vất vả, có khi phải sớm rời con để đến việc, là khi phải liên tục mở mang kiến thức, phải chủ động xin vào phụ mổ để học hỏi. Với tôi, việc chạy vội vào viện lúc 1-2h sáng, mùa đông cũng như mùa hè đã trở nên quá quen thuộc.

Lúc đó, đến cả việc chải đầu, đánh răng cũng không có thời gian. Tôi cứ thế, chạy vội từ giường ngủ vào phòng mổ. Rồi lúc khác, lại chạy từ bữa tiệc, bữa họp mặt gia đình, bất kể quan trọng tới đâu cũng không thể bằng bệnh nhân đang đợi mình.

Là bác sĩ gắn bó với công việc như vậy, tôi cũng thường lỡ hẹn với các con. Nhiều khi trót hứa nấu cho chúng những bữa ăn ngon nhưng gặp ca mổ cấp cứu chen ngang. Hay trở thành người mẹ “đoảng” khi quên đón con vì còn dang dở ca phẫu thuật để chúng phải ăn cơm cùng bác bảo vệ ở trường… Nhưng tưởng như vậy, các con sẽ ghét mình nhưng ngược lại, chúng lại yêu mẹ vô bờ bến vì mẹ đang đón những thiên thần bé nhỏ chào đời… (trích nhật ký của một cô con gái nhỏ của tôi đấy!).

'Nhiều lần tôi đã quên đón con' Thạc sĩ Oanh chia sẻ về những thiệt thòi con mình phải chịu khi có mẹ là một bác sĩ.

- Như vậy, chị đã đánh đổi khá nhiều khi đến với nghề y?

- Đó không phải là sự đánh đổi. Đó là công việc của tôi. Tôi thích điều đó. Nhất là với ngành sản phụ khoa tôi đã gắn bó suốt 24 năm. Sự quyết đoán, thần tốc của những bác sĩ như chúng tôi không chỉ vì sinh mạng của một người mà là của hai người, thậm chí hơn. Mỗi hành động của chúng tôi có thể đem lại niềm vui, hy vọng cho cả gia đình của bệnh nhân, ngược lại, nó sẽ là sự đau đớn được nhân lên gấp bội. Điều đó đặt gánh nặng cho bản thân thân tôi rất nhiều.

Có những ca mổ khó đầy căng thẳng, đôi khi không được như mong muốn, khiến tôi day dứt rất nhiều, nhưng cũng trở thành động lực để mình làm tốt hơn. Phía sau những sự vất vả ấy là nụ cười của mỗi bệnh nhân khi được mẹ tròn con vuông, khi được chữa trị để có khả năng làm mẹ,… điều đó không phải ai cũng được chứng kiến.

Phía sau những sự vất vả ấy là nụ cười của gia đình mỗi sản phụ khi được mẹ tròn con vuông, khi được chữa trị để có khả năng làm mẹ. Niềm hạnh phúc đó không phải ai cũng có được giống như các bác sĩ sản khoa chúng tôi.

- Chị cho rằng hơn hết, chị được nhiều hơn mất? Vậy điều gì là ý nghĩa nhất với chị đến giờ?

- 24 năm không dài cũng không ngắn. Và nghề đã cho tôi được rất nhiều thứ. Đó là sự tin cậy của người bệnh, để bản thân tôi tự tin trong công việc có thể mang hạnh phúc đến cho những người phụ nữ. Nghề nghiệp cũng giúp tôi có thêm nhiều bạn bè, người thân. Cũng nhờ đó, tôi giúp được họ, cảm thấy rằng cuộc sống là vô cùng ý nghĩa, khi bạn cho đi hạnh phúc rồi được nhận lại niềm vui… Và trên hết, đó là sự trải nghiệm giúp tôi có được sự thấu hiểu nhất tới những người phụ nữ xung quanh mình, nhất là khi tôi có 2 cô con gái.

- Là một phụ nữ, lại chọn chuyên ngành gắn bó nhiều nhất với phụ nữ, chị nghĩ điều gì là quan trọng nhất với một bác sĩ nữ?

- Phụ nữ hạnh phúc nhất hay đau khổ nhất cũng chính là khi có con. Tôi là người chứng kiến cả hai khoảnh khắc ấy của họ. Khi ấy, sự cảm thông là vô cùng cần thiết. Khi mới vào nghề, tôi vẫn luôn tâm niệm điều đó. Nhưng càng lâu năm trong nghề, nhất là khi bản thân cũng là một phụ nữ, đã sinh con, đã có sự trải nghiệm, sự cảm thông đó trở nên tự nhiên hơn.

Tất nhiên, bác sĩ cần có lý trí, nhưng chính phần phụ nữ trong tôi đã giúp tôi gần với các sản phụ hơn. Họ không chỉ cần bác sĩ ở phần chuyên môn, họ còn cần sự tư vấn của người thầy thuốc giúp họ cảm thấy không cô đơn, sợ hãi… Chính vì vậy, trước mỗi ca đỡ đẻ thường hay ca mổ khó, tôi rất luôn tư vấn cặn kẽ, giải đáp mọi thắc mắc và hướng dẫn sản phụ và người thân của họ cần làm gì, những tình huống có thể xảy ra, hướng xử trí... để sản phụ không còn tâm lý “Đàn ông đi biển có đôi/Đàn bà vượt cạn mồ côi một mình”.

- Có con có lẽ là điều tuyệt vời nhất ở phụ nữ?

- Đó là thiên chức đặc biệt của phụ nữ. Phụ nữ hạnh phúc vì điều đó vì chỉ phụ nữ mới có những trải nghiệm tuyệt vời mà đàn ông không bao giờ có. Đó là cơ hội được cảm nhận một cơ thể bé nhỏ hình thành, lớn lên và “ngọ nguậy” bên trong cơ thể mình, thậm chí đó là sự đau đớn trong suốt quá trình mang nặng, đẻ đau 9 tháng 10 ngày, nhiều lúc tưởng chết đi sống lại của người phụ nữ, để rồi sau đó là hạnh phúc tột cùng khi nghe tiếng khóc của con. Tôi cho rằng đó là điều hạnh phúc tuyệt vời nhất mà chỉ riêng phụ nữ mới được tạo hóa ban tặng cho. Một món quà từ cuộc sống vô cùng quý giá, vì thế, ai cũng cần biết trân trọng điều này.

- Thế nhưng, bên trong phòng đẻ, mọi việc có thực sự đơn giản?

- Đúng vậy. Đối với nhiều phụ nữ, những cơn đau đẻ thực sự quá sức chịu đựng. Họ liên tục gào thét, chửi rủa những người xung quanh, thậm chí cả bác sĩ - những người giúp họ trở nên hạnh phúc và chín chắn hơn. Tôi còn nhớ, có người chồng thương vợ, xin vào phòng đẻ chứng kiến thời khắc quan trọng của vợ con mình, trong cơn đau đẻ vô thức, người vợ đã cào cấu rách da, chảy máu người chồng… Nhìn cảnh đó, tôi vừa giận vừa thương. Sau khi đã mẹ tròn con vuông, với bản năng làm mẹ, họ như trở thành người khác, rất… phụ nữ nhé. Có cô vừa sinh xong còn nhí nhảnh nhấc đầu nhanh nhảu: “Bác sĩ ơi, em cảm ơn bác sĩ”. Đó là món quà quý giá hơn tiền bạc, vật chất mà các bác sĩ sản khoa nhận được đấy.

- Các chị em vẫn chia sẻ về việc chồng không thực sự hiểu những gì vợ đang trải qua, nhất là khoảnh khắc vượt cạn, khi vợ đang đau đớn bên trong, chồng vẫn vô tư chơi điện tử, lướt Facebook bên ngoài. Chị thấy điều này có phổ biến không?

- Đúng là có chuyện như vậy. Cảnh tượng này thường thấy ở những gia đình sinh con thứ 2, thứ 3. Trong khi vợ đang đau đớn bên trong, cuộc đẻ chưa rõ kết cục ra sao, các ông chồng vẫn vô tư hỏi mật khẩu wifi để chơi điện thoại phía bên ngoài. Những trường hợp ấy, nhiều nhân viên y tế đều bức xúc nhưng cũng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng với họ. Nhưng, đôi lúc chúng tôi lại nhận được câu trả lời vô tâm đến nhức nhối: “Phụ nữ chẳng đẻ thì sao, em mà biết đẻ thì đã đẻ rồi”…

Rất may, đó chỉ là cá biệt. Thực tế, có nhiều người chồng vô cùng quan tâm đến vợ. Đặc biệt, ở khoa Sản phụ Bệnh viện E là nơi duy nhất ở Hà Nội vẫn cho người chồng vào phòng đẻ cùng vợ để họ chứng kiến thời khắc lịch sử và quan trọng đối với vợ, con. Họ xúc động và sẵn sàng chia sẻ, thấu hiểu nỗi khó khăn vất vả của vợ khi vượt cạn, để rồi họ có những hành động đẹp như lau mồ hôi cho vợ, động viên nhau, hôn lên trán vợ trìu mến... Nhìn cảnh đó, thực sự chúng tôi rất xúc động và mừng vui cho người vợ ấy.

- Phụ nữ Việt Nam dường như vẫn phải chịu khổ về việc tư tưởng nặng nề có con trai nối dõi?

- Nhiều sản phụ rất khổ, họ chịu sức ép nặng nề để rồi cố đẻ bằng được đứa con trai. Tôi chứng kiến rất nhiều chị sau khi sinh con thứ 3 là con gái, chồng mặt buồn thiu, thực sự nhìn rất đáng trách. Thậm chí, có người sinh tới con thứ 4, thứ 5 cũng chỉ vì muốn kiếm con trai. Nhiều chị ngoài 45 tuổi vẫn bụng mang dạ chửa. Đó là điều tôi trăn trở rất nhiều bởi khi phụ nữ càng nhiều tuổi, càng sinh nhiều con, nguy cơ tai biến càng cao như đờ tử cung, băng huyết,… đều nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

Chúng tôi thường động viên và khuyên răn các sản phụ nhưng họ cũng thường phải nuốt nước mắt vào trong… để đẻ con trai nối dõi cho gia đình, dòng họ nhà chồng. Là bác sĩ, là con người, là phụ nữ, chúng tôi rất thương cho thân phận những người phụ nữ đó.

- Chị luôn lấy niềm vui của bệnh nhân làm động lực. Vậy có khi nào họ làm chị phải khó xử?

- Nhiều người vì nhiều lý do đã chọn cách mổ đẻ theo giờ đẹp, dù họ không có chỉ định về mặt chuyên môn. Với những trường hợp ấy, tôi thường tìm cách trì hoãn để có cơ hội phân tích, chia sẻ cho họ về những “lợi bất cập hại”, chỉ rõ những nguy cơ cho cả mẹ lẫn con khi tiến hành mổ đẻ vì… giờ đẹp. Không phải lúc nào gia đình nào cũng nghe theo. Chính vì thế, vấn đề tư vấn cho gia đình sản phụ rất quan trọng, để họ hiểu và không làm những điều phản khoa học như vậy. Lúc này, người thầy thuốc sản khoa được ví như một người độc hành trên vạn dặm đường xa.

- Vậy chắc hẳn đã có những đề nghị phá thai?

- Có nhiều. Hiện công tác tư vấn và quản lý kế hoạch hóa gia đình khá tốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp có thai ngoài ý muốn. Nhiều trường hợp sinh quá dày, chưa sẵn sàng có con tiếp theo, thai nhi có dị tật, rồi những trường hợp giới tính không được như mong muốn, những trường hợp có thai ở vị thành niên… Đằng sau một ca xin bỏ thai có rất nhiều câu chuyện buồn, thậm chí đến đau lòng. Vì thế, khi nhận được bất kỳ yêu cầu nào từ phía họ, bao giờ chúng tôi cũng tư vấn, tìm cách khuyên nhủ, thuyết phục họ từ bỏ ý định để mong tìm lại cơ hội sống cho sinh linh bé nhỏ. Nhưng có những ca tư vấn xong, người thầy thuốc bất lực, nuối tiếc và mang nỗi buồn theo mình…

Chẳng hạn, có gia đình “khát” con trai, nhưng người vợ mang thai con gái lần thứ 3. Người chồng và dòng họ gây áp lực bắt chị bỏ thai. Người mẹ tâm sự, chồng không thương yêu đứa con này. Nhưng sau khi được khuyên nhủ người chồng, cùng với bản năng mãnh liệt của người mẹ, đứa trẻ đã được sinh ra. Điều tuyệt vời đã xảy ra, như một sự tự nhiên, hai bố con lại có sự gắn kết không ngờ. Người chồng đó dần yêu thương cô con gái bé bỏng của mình. Đến bây giờ, người mẹ ấy vẫn giữ liên lạc với chúng tôi.

- Có khi nào chị vì chiều theo ý bệnh nhân mà giúp họ?

- Thực tế, với những trường hợp phá thai nhỏ, dưới 7 tuần thì tương đối dễ dàng, nhưng với những thai lớn hơn, rất nhiều nguy cơ. Tại chỗ chúng tôi luôn cương quyết từ chối những trường hợp trên 12-13 tuần.

Không một người phụ nữ nào muốn bỏ đứa con trong bụng mình. Họ đều bất đắc dĩ, tất nhiên, lý do có thể thông cảm hoặc không thông cảm. Tôi từng gặp những bạn sinh viên đến để phá thai, thậm chí có bạn được mẹ đưa đi. Người mẹ khóc lóc, van xin chúng tôi giúp họ phá thai. Tôi hiểu việc có con ở thời điểm ấy là điều trở ngại lớn. Thế nhưng, không thể vì thế mà chúng tôi nhắm mắt thực hiện.

Ở đây, chúng tôi cũng gặp những người mẹ đơn thân rất can đảm khi đi sinh con một mình. Họ chấp nhận giữ lại đứa con trong bụng. Với những trường hợp khó khăn, chúng tôi giúp đỡ họ bằng cách hỗ trợ quần áo, bỉm sữa, thay nhau chăm nuôi, ngoài ra chúng tôi cũng liên lạc tới các trung tâm hỗ trợ nếu họ có nhu cầu.

- Đó có phải lý do chị nói phụ nữ đau khổ nhất cũng là lúc có con?

- Đối với phụ nữ, có con là sự hạnh phúc, nhưng hành trình 9 tháng 10 ngày đôi khi không hề đơn giản. Họ đau đớn khi quyết định bỏ đi đứa con trong bụng, ngược lại, lại có những trường hợp thai nhi đột ngột mất tim thai lại trở thành một cú giáng chí tử vào người mẹ.

Có rất nhiều lý do dẫn tới việc đột ngột mất tim thai ở tuần 36-37, tức cách ngày sinh nở rất gần. Khi phát hiện em bé không còn tim thai bao giờ cũng là sự giật mình đối với bác sĩ chúng tôi, khoảnh khắc đó mình còn vậy, huống hồ là sản phụ, thực sự rất khó để cất lời thông báo cho họ. Do đó, phải hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng, bắt đầu từ việc hỏi thăm sản phụ về việc cảm giác em bé không còn đạp từ khi nào, có gì bất thường hay không?

Rồi nhẹ nhàng khuyên họ chấp nhận số phận, phối hợp để sinh em bé, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới mẹ, cũng như khả năng sinh con lần sau của họ. Thế nhưng, sự đau đớn của những sản phụ mất con vẫn luôn là sự ám ảnh đối với tôi. Điều đó, càng thôi thúc tôi cố gắng hơn nữa để giúp đỡ họ.

- Còn đối với những trường hợp có thai ngoài ý muốn hiện nay, điều đó có phải là một phần của lối sống buông thả của giới trẻ?

- Hiện, việc quan hệ tình dục trở nên thoáng hơn ở thế hệ trước. Thực tế, nhiều sinh viên tìm đến chúng tôi để phá thai là họ còn tỉnh táo khi biết tìm tới các cơ sở y tế tin cậy. Nhưng còn có nhiều bạn tìm mua thuốc phá thai ở hiệu thuốc, trên mạng, dẫn tới những tai biến nặng nề, sau đó mới được đưa vào cấp cứu.

Hay nhiều em quan hệ bừa bãi đến mức rách cùng đồ, phải nhờ bác sĩ khâu. Nhìn những trường hợp đó thực sự rất xót xa cho sự dại dột của các em. Tôi cũng có con gái nên nhìn những trường hợp đó rất chạnh lòng. Cũng chính vì lý do đó, tôi thường dành sự quan tâm đặc biệt tới những trường hợp này. Đôi khi những điều tôi tư vấn, trách, thậm chí mắng sẽ có tác dụng với các em.

Hà Quyên - Quỳnh Trang
Đồ họa: Như Ý

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/voi-phu-nu-hanh-phuc-nhat-hay-dau-don-nhat-cung-la-khi-co-con-post884893.html