Vỡ mộng khi bán nhà mua vé chuyến du lịch biển dài nhất thế giới

Nhiều du khách bán phần lớn tài sản của mình và rút hết tiền tiết kiệm để tham gia chuyến du ngoạn dài 3 năm trên biển, song mọi sự đánh đổi đã tan thành mây khói.

Chuyến du ngoạn Life at Sea trong 1.095 ngày được hứa hẹn là trải nghiệm tuyệt vời nhất với 382 hành trình cập cảng trên toàn thế giới. Nhiều khách du lịch quyết định đổ hết tiền bạc cho chuyến đi này, song tất cả đã "vỡ mộng".

Vỡ mộng vì không có con tàu nào ra khơi

Trước đó, Miray Cruises - một công ty ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã công bố chuyến du ngoạn mang tên Life at Sea vào tháng 3. Họ tuyên bố đây sẽ là hành trình dài nhất từ trước đến nay với 382 lượt ghé cảng khắp 140 quốc gia, qua 7 lục địa trong 1.095 ngày, mang đến cho du khách cơ hội khám phá thế giới. Internet Starlink và trung tâm dịch vụ doanh nhân sẽ cho phép hành khách làm việc từ xa.

Chuyến hành trình có vẻ lý tưởng với thời kỳ hậu đại dịch, nhắm đến những người khao khát giải tỏa tinh thần và tham vọng chinh phục những điều mới mẻ.

Với giá vé khởi điểm từ 90.000 USD cho một cabin và lên tới 975.000 USD cho phòng suite, chuyến đi thậm chí là món hời đối với một số hành khách, rẻ hơn so với việc sống 3 năm ở nhiều thành phố.

Joe Youssef và vợ là bà Kara đã bán phần lớn tài sản của mình, rút tiền tiết kiệm để tham gia chuyến du ngoạn kéo dài 3 năm mà không hề biết rằng những rắc rối bắt đầu từ đây. Ảnh: Rena R. Effendi.

Kara và Joe Youssef đã bán 2 căn hộ của mình, rút tiền tiết kiệm dành dụm cả đời, từ bỏ phần lớn đồ đạc và vào cuối tháng 10/2023, họ lên đường đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để thực hiện chuyến du ngoạn vòng quanh thế giới kéo dài 3 năm, dự kiến khởi hành vào tháng 1/11/2023.

Nhưng vào cuối tháng 11, vợ chồng ông Youssefs bị mắc kẹt ở Istanbul bởi công ty du lịch đã hủy chuyến đi. Lý do là bởi không có một con tàu nào có thể thực hiện được cuộc hành trình.

Sự thật về kế hoạch 1.095 ngày trên biển

Vào tháng 6/2022, khi ngành du lịch tàu biển đang phục hồi sau đợt đóng cửa do đại dịch, Mikael Petterson, một doanh nhân ở Miami (Mỹ), đã nảy ra ý tưởng về hành trình vi vu kéo dài 3 năm.

Những chuyến du lịch dài ngày trước đây không phải là chưa từng xảy ra, nhưng chúng vốn thường kéo dài nhiều nhất chỉ 1 năm vì liên quan đến nhiều yếu tố hậu cần.

Petterson đã có kế hoạch đặt chân tới các điểm đến trên khắp hành tinh. Điều duy nhất mà Mikael Petterson không có là một con tàu. Thông qua một người môi giới, ông được giới thiệu Miray International - công ty chuyên cung cấp các chuyến đi và dịch vụ vận hành tàu từ năm 1996.

Ông Ugurlu, chủ Miray International, đề xuất con tàu có tên MV Gemini. Ông đã mua con tàu 400 cabin, sức chứa 1.074 hành khách này vào năm 2019. Ugurlu chủ yếu sử dụng nó cho các chuyến du ngoạn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đảo của Hy Lạp.

Con tàu ban đầu của Life at Sea là MV Gemini có 400 cabin, sức chứa 1.074 hành khách. Ảnh: Life at sea cruises.

Petterson không đủ khả năng mua con tàu nên thay vào đó đã đề xuất hai công ty cùng hợp lực. Công ty của Petterson sẽ lo việc tiếp thị, trong khi Miray International đảm nhiệm việc điều hành.

Vào tháng 11/2022, Petterson đã ký hợp đồng 3 tháng để phát triển thương hiệu mới của họ là Life at Sea Cruises. Petterson cho biết anh tin tưởng kinh nghiệm gần 30 năm của công ty Miray International.

Kendra Holmes, khi đó là phó chủ tịch chiến lược phát triển kinh doanh tại Miray, cho biết công ty không chỉ sở hữu tàu mà còn có ngân sách khoảng 10 triệu USD để tân trang lại nó trước khi phục vụ cho hành trình dài.

Petterson đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12/2022 và nhìn thấy tàu MV Gemini. Anh cho biết: "Cấu hình cabin hoàn hảo so với mức giá và khả năng chi trả mà chúng tôi đang tiếp thị".

Vào ngày 1/3/2023, Life at Sea Cruises bắt đầu được mở bán chỗ trên một website mới tạo, thu hút hàng triệu lượt nhấp chuột. Petterson nhớ lại rằng lượng truy cập quá đông và "cơn sốt" đặt chỗ gần như bùng nổ chỉ sau vài tiếng mở bán.

Nhiều hành khách tương lai chưa bao giờ đi du thuyền. Trong đó có Keri Witman (56 tuổi) - Giám đốc tiếp thị đến từ Cincinnati, người đang tìm kiếm sự thay đổi và một cộng đồng mới với những cuộc phiêu lưu thú vị. Nữ giám đốc thích vừa du lịch vừa có thể duy trì công việc từ xa và đây dường như là một cơ hội hoàn hảo.

Witman cũng chính là một trong những người đầu tiên đăng ký vào tháng 4/2023. Bà đã yêu cầu một luật sư xem xét lai lịch công ty và sau khi không tìm thấy dấu hiệu đáng ngờ nào, Witman quyết định đặt cọc 5.000 USD cho cabin nhỏ trị giá 185.120 USD trên tàu, đồng thời rao bán căn nhà của mình.

Dấu hiệu của một hành trình bất ổn bắt đầu lộ diện

Khi Petterson quay trở lại để kiểm tra các yếu tố kỹ thuật của MV Gemini vào tháng 4/2023, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về con tàu và hành trình của nó.

Liệu nó có thể chứa đủ nhiên liệu để di chuyển giữa các cảng xa hơn không?

Robert Dixon, người lập kế hoạch hành trình, cho biết anh đã bị từ chối vào phòng máy và được một kỹ sư thông báo rằng con tàu không thể chứa đủ nhiên liệu để vượt Đại Tây Dương đúng lịch trình. Ông cũng nêu lên những lo ngại về kế hoạch vượt biển ở Nam Thái Bình Dương.

Ngoài ra, còn có những câu hỏi về kích thước của MV Gemini. Nếu du thuyền bán hết 1.074 chỗ, liệu có đủ không gian cho mọi du khách cùng thư giãn hoặc làm việc không?

Dịch vụ, chất lượng của tàu liệu có đáp ứng cho hành trình dài và hàng loạt dấu chấm hỏi khác liên tục được đặt ra. Ảnh: Life at Sea Cruises.

Giữa những câu hỏi xoay quanh con tàu MV Gemini, căng thẳng bắt đầu gia tăng. Nhóm của Petterson phàn nàn rằng họ không thể xử lý các giao dịch bằng thẻ tín dụng và thiếu tài khoản ký quỹ để đảm bảo tiền gửi.

Miray đã mong đợi đội ngũ bán hàng sẽ thu trước toàn bộ giá vé, nhưng việc yêu cầu thu được hàng trăm nghìn đô la cùng một lúc vốn là điều không thể. Petterson giới thiệu chương trình trả góp giúp thúc đẩy doanh số bán hàng nhưng Miray lại rơi vào thế bị động - họ không có tài khoản nào ở Mỹ để đội ngũ bán hàng sử dụng như một phần trong việc đảm bảo cho các chỗ đặt trước.

Người đứng đầu Miray, ông Ugurlu, sở hữu một tiệm bánh pizza ở Orlando, Florida (Mỹ). Petterson cho biết công ty đã yêu cầu anh gửi khoản thanh toán mà các khách cọc ban đầu vào tài khoản của cửa hàng pizza này. Theo bà Holmes, đó được coi là giải pháp tạm thời.

Công ty Miray cũng tìm các cách khác để chấp nhận thanh toán, bao gồm cả việc sử dụng Square, nền tảng thanh toán trực tuyến, nhưng sau khi Miray xảy ra tranh chấp với Square, Petterson lo ngại về việc thiếu phương thức an toàn để giữ tiền đặt cọc nên đã yêu cầu công ty hoàn lại toàn bộ số tiền khách hàng đã đặt cọc.

Cũng từ những "lùm xùm" này và lo ngại về một hành trình bất ổn, hành khách đã hủy đặt chỗ ít nhất 25 cabin.

Du khách hoang mang

Vào tháng 5, trong bối cảnh hỗn loạn, vợ chồng ông Youssefs đã tham dự một hội thảo trực tuyến dành cho hành khách tương lai nhưng không được cập nhật gì về vấn đề thanh toán.

Đơn vị tổ chức đảm bảo rằng chuyến đi sẽ vẫn được khởi hành vào ngày 1/11 /2023dù là ở một con tàu khác. Vào ngày 6/5/2023, ông bà Youssefs đặt cọc 5.000 USD và được thông báo rằng khoản thanh toán 25% sẽ đến hạn vào ngày 7/6/2023.

Lúc đó, Petterson đã rút lui khỏi dự án. Cuộc tranh cãi nội bộ của công ty đã được công khai trên ứng dụng và trang mạng xã hội riêng của hành trình này. Petterson nói với hành khách rằng chuyến Life at Sea đã bị hủy bỏ và Miray từ chối trả lời các câu hỏi liên quan. Anh kêu gọi hành khách khiếu nại với chính quyền hàng hải Mỹ.

Kendra Holmes, phó chủ tịch chiến lược phát triển kinh doanh tại Miray, miêu tả Petterson là kẻ thua cuộc trong cuộc tranh giành quyền lực. Bà nói: "Đã đến mức không ai có thể làm thuyền trưởng nên họ cố gắng đánh chìm cả con tàu". Bà trở thành giám đốc điều hành của Life at Sea và bắt đầu làm việc để trấn an hành khách.

Nhiều vấn đề phát sinh xoay quanh chuyến Life at Sea Cruises trong mơ khiến các hành khách hoang mang. Ảnh: Brittany Chang/Insider.

Sự hoang mang và hoảng sợ bao trùm các hành khách, bởi nhiều người trong số họ đã bán hết tài sản, nhà cửa và từ bỏ cuộc sống thông thường của mình.

Vợ ông Youssef nhớ lại: “Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng, song đã bắt đầu bình tĩnh hơn sau khi Holmes nắm quyền và nhóm của họ tổ chức các hội thảo trực tuyến hàng ngày tập trung vào việc có được một con tàu mới".

Trong hội thảo trực tuyến ngày 31/5, bà Holmes cho biết công ty đã quyết định không lập tài khoản ký quỹ. Bà nói rằng họ sẽ sử dụng một phương pháp khác để bảo vệ tiền đặt cọc của hành khách, đó là một trái phiếu được nộp cho Ủy ban Hàng hải Liên bang - một cơ quan của Mỹ giúp quản lý vận tải đường biển. Nhưng thực tế đằng sau, trái phiếu chưa được nộp bao giờ.

Con tàu mới và cuộc tranh giành nhà đầu tư

Vào đầu tháng 7/2023, Life at Sea thông báo rằng “do nhu cầu chưa từng có”, họ đã mua một con tàu lớn hơn với 627 cabin - đặt tên là MV Lara. Trên thực tế, công ty đã đặt cọc và đang đàm phán để mua du thuyền MV Lara bằng sự giúp đỡ của các nhà đầu tư, với chi phí mà ông Ugurlu sau đó đưa ra vào khoảng từ 40-50 triệu USD.

Khi đó, Mary Rader, 68 tuổi, một nhân viên xã hội đã nghỉ hưu ở quận Westchester, New York (Mỹ), yêu cầu một công ty lữ hành xem xét Miray và bà được phản hồi là có uy tín.

Khi một cặp vợ chồng đề nghị chuyển nhượng cabin của họ cho bà với mức giá chiết khấu, Mary Rader đã chớp lấy cơ hội và rút 80.000 USD từ tiền tiết kiệm hưu trí của mình.

Bà Rader đã thực hiện hai khoản thanh toán, 50.000 USD và 35.000 USD, nhưng bà chưa bao giờ nhận được biên lai và cặp đôi cũng chưa bao giờ nhận được tiền hoàn lại.

Cuối cùng bà Rader nhận được thẻ lên tàu, tuy nhiên trên ứng dụng hành trình, bà ấy và cặp vợ chồng trên được liệt kê ở cùng một cabin.

Rader nói: “Đây là lúc tôi bắt đầu nhận thấy các dấu hiệu bất ổn, nhưng tôi bị mắc kẹt vì bản thân đã thực hiện thanh toán”.

Vào tháng 9/2023, vợ chồng ông bà Youssefs cũng đã bán căn hộ của mình để trang trải chi phí đi du lịch. Những hành khách khác cũng bắt đầu xin thị thực, vận chuyển đồ đạc đến Istanbul.

Vào thời điểm đó, mặc dù chỉ có 111 trong số 627 cabin của con tàu được bán nhưng những hành khách đã đăng ký vẫn được đảm bảo rằng con tàu sẽ ra khơi ngay cả khi chỉ có hai hành khách.

Vào 26/9/2023, ngày đến hạn thanh toán để mua du thuyền MV Lara, bà Holmes nhận được cuộc gọi từ chủ sở hữu của Miray, ông Ugurlu, nói rằng nhà đầu tư chính đã rút lui nhưng ông ấy đang làm việc với các ứng cử viên khác.

Sau khi nhận được một số yêu cầu hủy chuyến, bà Holmes đã đăng trên ứng dụng hành trình rằng theo điều khoản của hợp đồng, những hành khách hủy chuyến bây giờ sẽ chỉ được hoàn lại 10%.

Đến 27/10/2023, tức chỉ vài ngày trước lúc hành trình sẽ phải khởi hành theo lịch trình và với 30 hành khách ở Istanbul đang sẵn sàng lên tàu, công ty thông báo chuyến đi đã bị trì hoãn đến ngày 11/11/2023 và sẽ khởi hành từ thủ đô Amsterdam (Hà Lan). Vài ngày sau, chuyến hành trình lại được thông báo tiếp tục bị hoãn đến ngày 30/11/2023.

Ngày 16/11, báo chí đăng tin MV Lara đã bị một công ty khác mua lại. Vợ chồng ông bà Youssef cho biết họ thất vọng và cảm thấy bị kẹt trong tình trạng mơ hồ - không có thông tin gì rõ ràng cho vấn đề đang xảy ra. Bà Holmes, phó chủ tịch chiến lược phát triển kinh doanh tại Miray, từ chức cùng ngày.

Ngày 19/11/2023, ông Ugurlu đưa ra tuyên bố cho biết các nhà đầu tư đã rút lui vì tình hình bất ổn ở Trung Đông. Ngay hôm sau, Miray xác nhận rằng chuyến du ngoạn đã hoàn toàn bị hủy bỏ.

Chờ hoàn tiền trong vô vọng

Hành khách được yêu cầu ký một thỏa thuận với Miray, theo đó sẽ chia đều số tiền hoàn trả trong ba tháng, từ tháng 12/2023 đến tháng 2.

Thời hạn hoàn tiền đầu tiên đã trôi qua vào 22/12/2023 và chỉ một số hành khách nhận được tiền. Miray cho rằng nguyên nhân chậm trễ là do ngân hàng yêu cầu bổ sung chứng từ.

Ông bà Youssef vẫn đang ở Istanbul, sống trong một khách sạn nhỏ và chờ hoàn tiền. Ảnh: Rena R. Effendi.

Vợ chồng Youssefs cho biết đến 28/12/2023 họ vẫn chưa nhận được tiền hoàn lại. Tháng qua, họ đã sống trong một khách sạn ở Istanbul do công ty du lịch chi trả. Bà Youssef nói: "Chúng tôi có thể sớm trở thành người vô gia cư".

Còn với bà Rader, nhân viên xã hội đã nghỉ hưu, bày tỏ nỗi thất vọng vô bờ. “Tôi chưa nhận được gì, nhưng tôi cũng chẳng còn mong đợi. Tôi đoán là công ty sẽ đóng cửa hoặc tái cấu trúc, và tiền tôi đã bỏ ra sẽ không bao giờ được hoàn lại hết", Rader chia sẻ.

Khánh Vân

Nguồn Znews: https://znews.vn/vo-mong-khi-ban-nha-mua-ve-chuyen-du-lich-bien-dai-nhat-the-gioi-post1452148.html