Vĩnh Phúc: Phân luồng và hỗ trợ đào tạo nghề tại Vĩnh Tường

Tiếp tục thực hiện chủ trương phân luồng giúp học sinh tốt nghiệp THCS có định hướng đúng để học nghề với học nghề kết hợp học THPT sớm có việc làm đã được cấp ủy, chính quyền huyện Vĩnh Tường hưởng ứng, là điểm sáng của tỉnh Vĩnh Phúc.

Ông Vũ Đức Hạnh, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ dạy nghề của Trường Cao đẳng KT-KT Vĩnh Phúc tư vấn cho học sinh lớp 9B trường THCS Lũng Hòa (Vĩnh Tường)

Ông Lương Anh Điệp, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Tường cho biết: “Những năm gần đây, huyện Vĩnh Tường luôn quan tâm tới công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh theo học nghề còn thấp; tâm lý của phụ huynh còn muốn con học ĐH, CĐ mà chưa muốn con học nghề vì chương trình đào tạo nghề cũng chưa phù hợp, chưa gắn với thực tế, nhiều em học nghề xong ra trường mà không tìm được việc làm từ nghề đã học…, đã dẫn đến tâm lý không muốn cho em học nghề khi tuổi còn trẻ (14-15 tuổi)”.

Nhận thức đúng thực trạng thực tế trên, BTV Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành Nghị quyết 08/2017 ngày 26/4/2017 về “Phân luồng và hỗ trợ đào tạo nghề cho hcoj sinh sau khi tốt nghiệp THCS giai đoạn 2017-2020”. Trên cơ Nghị quyết 08 của BTV Huyện ủy; UBND huyện đã xây dựng Đề án về việc phân luồng và hỗ trợ đào tạo nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS trên địa bàn huyện, giai đoạn 2017-2020 với việc đánh giá thực trạng công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS giai đoạn 2011- 2016 và đề ra các mục tiêu, định hướng cụ thể đến năm 2020 và đề ra các giải pháp đẩy mạnh phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của và đặc điểm phát triển KT-XH của địa phương.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, BCĐ thực hiện đề án của huyện đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, các phòng, ban chức năng; các xã, thị trấn và các Trường THCS đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ý nghĩa thiết thực của việc phân luồng học sinh. Đồng thời, chỉ đạo các nhà trường tổ chức gặp gỡ, trao đổi, định hướng với phụ huynh và học sinh ngay từ lớp 8 và 9 để các em có thêm hiểu biết về chủ trương có ý nghĩa thực tiễn này. Theo đó, huyện yêu cầu các trường THPT trong huyện Vĩnh Tường hàng năm tuyển sinh không quá 70% số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS nhằm từng bước giảm dần tỷ lệ tuyển sinh vào THPT từ 70% (năm 2017) xuống còn 64% (năm 2020); số học sinh tốt nghiệp THCS tăng dần, được học chương trình GDTX và Trung cấp nghề từ 30% (năm 2017) tăng lên 36% (năm 2020). Trong đó, số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và GDTX của huyện đạt khoảng 8%. Riêng số học sinh còn lại định hướng vào học nghề tại một số trường nghề có uy tín, chất lượng như: Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên…

Để thực hiện tốt đề án phần luồng giai đoạn 2017-2020, Huyện ủy, UBND huyện tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. BCĐ thực hiện đề án tích cực đổi mới công tác quản lý; xây dựng hệ thống quản lý công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp; lựa chọn địa điểm học nghề, phương thức đào tạo; sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành, các xã, thị trấn trong thực hiện công tác phân luồng. Ngoài sự hỗ trợ của các T.Ư và tỉnh, huyện Vĩnh Tường hỗ trợ 3 triệu đồng/học sinh/năm (hỗ trợ theo từng kỳ học) đối với học sinh học hệ Trung cấp + THPT tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc và Trường nghề Quốc phòng Quân khu II; hỗ trợ 1,5 triệu đồng/học sinh/năm tại các cơ sở học nghề khác. Để đảm bảo học sinh tốt nghiệp THCS học hệ Trung cấp + THPT tại Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc và Trường nghề Quốc phòng Quân khu II sau khi tốt nghiệp có đủ kỹ năng cơ bản nghề được đào tạo, có khả năng làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh theo nghề được học, UBND huyện tổ chức ký kết Chương trình liên kết phối hợp đào tạo bằng việc hỗ trợ đầy đủ, kịp thời kinh phí; kiểm tra kiến thức thường xuyên…, đảm bảo từ 80% học sinh trở lên học nghề được tư vẫn hỗ trợ liên kết có việc làm sau khi tốt nghiệp; đồng thời tư vẫn giới thiệu đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản. Tổng kinh phí UBND huyện thực hiện đề án dự kiến trong 3 năm (2018 -2020) gần 15 tỷ đồng. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn tiết kiệm chi ngân sách huyện và các nguồn huy động hợp pháp khác, được chi trả cho học sinh theo từng học kỳ năm học được bắt đầu từ năm 2018 đến 2020 với khoảng 3.000 học sinh/năm.

Đến tháng 4/2018, huyện đã có 499/876 chỉ tiêu học sinh tốt nghiệp THCS trong huyện giao cho các xã đã đăng ký học nghề kết hợp học THPT, đạt 19,2% số học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 442 học sinh đăng ký học nghề kết hợp học THPT; 57 học sinh học nghề. Toàn huyện hiện còn 270 học sinh tốt nghiệp THCS không tham gia học nghề hoặc học Nghề kết hợp THPT, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương cùng các nhà trường vận động các em học nghề tại các trường nghề mà huyện đã ký kết.

Để tìm hiểu thực tế chúng tôi về Trường THCS Lũng Hòa-nơi có số học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký học nghề + THPT cao trong huyện, thầy Bùi Phong Ba, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để giúp các em có định hướng tốt nhà trường thành lập Ban tư vấn nghề cho học sinh do Hieeujt rưởng là trưởng Ban; các thành viên là địa diện Hội cha mẹ học sinh và các đoàn thể cùng các giáo viên chủ nhiệm lớp 9, liên hệ với các trường đào tạo, đồng thời mời học sinh đã học nghề có việc làm về trường nói chuyện; tổ chức tư vấn tại trường về ý nghĩa của việc học nghề và học nghề kết hợp học THPT tiếp theo; đồng thời nói rõ học lực của các em cũng như việc học Đại học, Cao đẳng hiện nay ra trường rất khó có việc làm để mọi người thấy rõ mục đích của việc học nghề vừa giảm thời gian vẫn được học văn hóa, sau này có điều kiện đi học tiếp. Nhờ có những buổi tư vẫn, hướng dẫn trực tiếp nên các phụ huynh và học sinh hiểu rõ và đăng ký theo học”. Em Phạm Đăng Khánh, lớp 9 B đăng ký sau khi tốt nghiệp học nghề kết hợp học THPT tại Trường Cao đẳng KT-KT Vĩnh Phúc phấn khởi cho biết: “Học lực em trung bình, gia đình khó khăn em đi học nghề điện lạnh lại được hỗ trợ tiền học phí nên thuận lợi, khi ra trường em sẽ mong sớm có việc làm”. Năm 2018, Trường THCS Lũng Hòa đã có 55/164 em đăng ký học nghề và học nghề kết hợp học THPT sau khi tốt nghiệp THCS.

Với cách làm phù hợp với lợi ích của người học và sự đầu tư của các gia đình làm nông nghiệp đề án phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đang đi vào đời sống mang lại hiệu quả tích cực được nhân dân trong huyện đồng tình hưởng ứng.

Xuân Hùng

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/vinh-phuc-phan-luong-va-ho-tro-dao-tao-nghe-tai-vinh-tuong-60984