Vĩnh Long: Góp ý xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị Việt Nam trong điều kiện mới

Chiều 3/6, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức tọa đàm khoa học về phân tích, đánh giá thực trạng xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị nước ta từ khi đổi mới đến nay qua thực tiễn tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở đó đề xuất những đổi mới mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mới.

Buổi tọa đàm nhằm cung cấp thông tin để thực hiện đề tài khoa học cấp quốc gia: “Cơ sở lý luận – thực tiễn về xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam phù hợp với điều kiện mới” của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, góp phần phục vụ cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Phát biểu đề dẫn buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, chủ trương về xây dựng, đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nhờ đó, hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được kiện toàn, đổi mới, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, việc đổi mới tổ chức của hệ thống chính trị còn chậm, chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế, nhất là đổi mới về tổ chức, thể chế, cơ chế, chính sách. Thực trạng tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở nước ta hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập như: Chưa phân biệt và phân định thật rõ ràng, minh bạch về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phương thức tổ chức, hoạt động giữa Đảng, Nhà nước với các tổ chức – đoàn thể của nhân dân trong xã hội. Tổ chức bộ máy của các thiết chế trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, nặng nề, nhiều tầng nấc, tốn kém và hiệu quả thấp; hệ thống chính trị chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, chưa theo kịp những thay đổi kinh tế - xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Giang nhấn mạnh, nhiệm vụ đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị hiện nay cần chú trọng xây dựng, hoàn thiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện của nước ta trong giai đoạn mới, đoạn tuyệt với những giáo điều, thiếu hiệu quả của mô hình tổ chức cũ. Nghiên cứu tìm ra câu trả lời đúng đắn, những giải pháp hữu hiệu, khả thi cho những vấn đề đó có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp thiết, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ do Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII đề ra là “từ năm 2021 đến năm 2030, hoàn thành việc nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới”.

Theo Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 245 tổ chức hành chính nhà nước, 556 đơn vị sự nghiệp công lập và 58 tổ chức thuộc chi cục và tương đương. Năm 2018, toàn tỉnh được giao biên chế công chức là 1.802 biên chế; biên chế sự nghiệp là 19.760 biên chế; số người làm việc chia theo mức độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp là hơn 20.200 người. Tỉnh đang nỗ lực sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiện đại.

Các đại biểu tham dự buổi tọa đàm nhận định, mô hình tổng thể về tổ chức, bộ máy trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở hiện chưa hoàn thiện. Tại Vĩnh Long, mô hình này vẫn còn nhiều hạn chế như: Tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối; hiệu lực, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; mối quan hệ của một số cơ quan, đơn vị còn chồng chéo, trùng lắp. Ngoài ra, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong nội bộ cơ quan chưa hợp lý, còn bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ.

Đại biểu cũng góp ý phác thảo những tiêu chí đánh giá xây dựng mô hình tổ chức tổng thể hệ thống chính trị ở Việt Nam trong điều kiện mới. Theo đó, đại biểu đề nghị cần tiếp tục nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, trước hết là năng lực định hướng chính trị, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách; tiếp tục sắp xếp lại các tổ chức, cơ quan, đơn vị, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy nhà nước phải gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho rằng, cần có sự thống nhất về hệ thống tổ chức, trong đó thực hiện kịp thời, đồng bộ giữa chủ trương của Đảng với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, để xây dựng tổ chức mạnh, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua tinh giản biên chế, xác định vị trí việc làm gắn với cải cách tiền lương, minh bạch trong thi tuyển, tuyển dụng; nâng cao hiệu quả quản lý và đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng./.

Theo TTXVN

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nhip-cau-tuyen-giao/tuyen-giao-cac-cap/vinh-long-gop-y-xay-dung-mo-hinh-to-chuc-tong-the-cua-he-thong-chinh-tri-viet-nam-trong-dieu-kien-moi-121808