Viettel và hành trình kỳ tích

Ngày 1-6 là kỷ niệm 30 năm Ngày truyền thống Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel). Từ một doanh nghiệp nhỏ với số vốn chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng vào năm 1989, Viettel đã tạo ra nhiều kỳ tích, trở thành tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam, vươn tầm ra thế giới. Viettel giờ như một người trưởng thành, đạt tới độ chín về tuổi đời và đang khởi tạo những kỳ tích mới.

Viettel là nhà mạng đầu tiên tại Việt Nam triển khai thử nghiệm mạng 5G.

Kỳ tích bình dân hóa dịch vụ viễn thông

Vào những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, di động ở Việt Nam là dịch vụ xa xỉ. Mỗi chiếc điện thoại kèm sim có giá tương đương nửa chiếc xe máy. Ngay cả những người nước ngoài đến Việt Nam, ở trong khách sạn 5 sao… cũng phải lắc đầu vì chi phí điện thoại quá đắt đỏ, điều này ảnh hưởng tới sự phát triển của đất nước.

Mọi chuyện chỉ dần thay đổi khi Bộ Bưu chính Viễn thông (BCVT) cấp phép cho Viettel được triển khai đầy đủ tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ về BCVT vào năm 1998. Giấy phép được ký ngày đó bị đặt dưới con mắt nghi ngại của nhiều người, bởi Viettel là doanh nghiệp non trẻ, vừa thoát mác đơn vị xây lắp. Thành công của Viettel vào thời điểm ấy mới dừng lại ở việc hoàn thành đường trục cáp quang 1A với công nghệ thu phát trên cùng một sợi quang do chính Viettel thực hiện. “Chủ trương chung là thành lập Viettel để làm viễn thông, phá thế độc quyền doanh nghiệp, nhưng khi làm thì ai cũng lo lắng. Anh Phạm Văn Trà (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó) thường ra gặp riêng tôi sau mỗi cuộc họp Chính phủ, nói tôi để mắt giùm tới Viettel. Lúc đó không ai nghĩ Viettel có thể trở nên to lớn như hôm nay”, nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT Mai Liêm Trực kể lại.

Năm 2000, Viettel ra mắt đầu số 178 trên nền dịch vụ VoIP, đánh dấu bước chuyển mình của ngành viễn thông Việt Nam. Điện thoại đường dài từ chỗ là dịch vụ đắt đỏ đã trở nên rẻ hơn nhiều so với trước đó. Ngày 15-10-2004, Viettel chính thức khai trương mạng di động với đầu số 098. Sau chưa đầy một năm, Viettel tạo nên sức hút và bứt tốc mạnh mẽ, đạt mốc 1 triệu thuê bao-mức tăng trưởng mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được. Sự ra đời của Viettel Mobile cùng giá cước rẻ tạo nên kỷ nguyên bùng nổ của ngành thông tin di động ở Việt Nam.

Lúc đó, mảng di động của Viettel tăng trưởng năm sau gấp đôi năm trước. Từ con số 0 doanh thu viễn thông vào năm 2000, đến năm 2010, Viettel đã vượt qua VNPT về cả doanh thu, thuê bao và thị phần, trở thành nhà mạng số 1 ở Việt Nam, biến dịch vụ viễn thông từ xa xỉ chỉ vài năm trước trở thành dịch vụ bình dân. Tiếp theo công nghệ 2G, với các công nghệ 3G, 4G, Viettel liên tục là doanh nghiệp đi đầu trong triển khai. Và mới đây, Viettel cũng là nhà mạng đầu tiên thử nghiệm dịch vụ 5G tại Việt Nam. Hiện nay, Viettel phục vụ hơn 70 triệu thuê bao di động trong nước và có 10 thị trường quốc tế trên 3 châu lục.

Từ số 1 Việt Nam đến tốp 15 thế giới

Năm 2006, Viettel bắt đầu nghĩ đến việc đi ra nước ngoài. Ban dự án đầu tư nước ngoài được thành lập, với mục tiêu ban đầu là khai trương được ở hai quốc gia láng giềng là Campuchia và Lào. Năm 2009, Metfone tại Campuchia chính thức hòa mạng, cùng thời điểm Viettel ở Việt Nam trở thành nhà mạng số 1 về thuê bao và lợi nhuận. Lần đầu tiên một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam có mạng riêng của mình tại thị trường quốc tế.

Trong trí nhớ của đồng chí Mai Liêm Trực, cuộc gọi với đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng-khi đó là Phó tổng giám đốc Viettel (hiện nay là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) vào năm 2009 mang đến rất nhiều cảm xúc. Cuộc gọi được kết nối giữa Việt Nam và Campuchia.

"Khi tôi gọi cho anh Nguyễn Mạnh Hùng, anh Hùng nói ngay trên điện thoại khi đang công tác ở Campuchia rằng: Chú ạ, Viettel là số 1 của Việt Nam, nhưng so với các doanh nghiệp viễn thông thế giới không là gì hết nên Viettel sẽ luôn tạo ra áp lực để vươn lên, để vào tốp 20, tốp 15 thế giới. Cháu không thích là số 1”. Câu nói ấy cho tôi cảm nhận một khát vọng, sự dấn thân và tầm nhìn của Viettel ngay từ năm ấy", đồng chí Mai Liêm Trực chia sẻ.

Suốt từ năm 2009 đến 2018, Viettel liên tục mở rộng thị trường quốc tế với việc triển khai hoạt động từ châu Á đến châu Phi và Mỹ Latinh. 10 công ty mang thương hiệu của Viettel đang hoạt động trên 3 châu lục. Trong đó, ở 5 thị trường, công ty con của Viettel đang đứng ở vị trí số 1 về thị phần thuê bao, doanh thu và lợi nhuận là: Campuchia, Lào, Burundi, Đông Timor, Mozambique.

Đầu tư của Viettel ở nước ngoài tạo nên một thực tại mới về đầu tư của Việt Nam. Đất nước hình chữ S giờ đây không chỉ chờ đợi đối tác nước ngoài rót vốn đầu tư vào viễn thông công nghệ thông tin, mà còn sở hữu những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực kinh tế đầu tư ra thế giới và vươn lên vị trí số 1 ở nhiều quốc gia.

Hiện tại, Viettel đã đứng trong danh sách 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về thuê bao như mục tiêu mà lãnh đạo tập đoàn đã đề ra năm xưa.

Sứ mệnh mới của Viettel

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội để đưa Việt Nam đứng vào điểm xuất phát cùng với các nước phát triển. Viettel đã nhanh chóng chuyển mình sang ngành công nghiệp nghiên cứu sản xuất thiết bị trên nền công nghệ mới, đồng thời tiến hành chiến dịch chuyển đổi số, kiến tạo xã hội số ở Việt Nam. Viettel đã thực hiện ảo hóa tất cả thiết bị mạng lõi và triển khai công nghệ mạng điều khiển bằng phần mềm dựa vào nền tảng công nghệ mới, như BigData, AI, VR; xây dựng hệ sinh thái kinh doanh hướng đến trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.

Trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thiết bị, Viettel quyết tâm làm chủ và tự sản xuất các thiết bị công nghệ cao thay vì gia công cho người nước ngoài. Lãnh đạo của Viettel chỉ rõ con đường của tập đoàn là tạo ra những sản phẩm “Made by Vietnam”, do những bộ óc của Việt Nam tạo ra, chứ không phải phát triển sản phẩm trên nền công nghệ lõi của quốc tế để cộp mác “Made in Vietnam”.

Sau 10 năm khởi động và triển khai, Viettel đã làm chủ và sản xuất được gần như toàn bộ hệ thống mạng viễn thông lõi, như hệ thống tính cước theo thời gian thực (OCS), hệ thống nhắn tin, trạm phát sóng BTS 4G, đang nghiên cứu thiết bị phát sóng 5G… đứng vào hàng ngũ một trong 5 nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới và lọt tốp 50 thương hiệu viễn thông đắt giá nhất hành tinh.

Viettel đang là đơn vị đầu tàu trong nghiên cứu, sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ quốc phòng, an ninh như: Hệ thống quản lý vùng trời, đài ra-đa, máy thông tin quân sự, máy bay không người lái… đưa Việt Nam vào nhóm ít quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất các thiết bị này. Trong hai năm 2017-2018, tổng doanh thu từ lĩnh vực nghiên cứu sản xuất của Viettel đạt 17.400 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 5.250 tỷ đồng.

Bài và ảnh: NGUYỄN QUỲNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/viettel-va-hanh-trinh-ky-tich-575477