Việt Nam nên làm gì trong cạnh tranh siêu cường

Đối mặt nhiều diễn biến phức tạp trên biển Đông, trong khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục tách rời trong những lĩnh vực nhạy cảm với an ninh quốc gia, Việt Nam nên hiệu chỉnh chính sách 'vừa hợp tác vừa đấu tranh' với các siêu cường, GS Carlyle Thayer (ĐH New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc) nhận định.

Ngày 14/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh buộc công ty Trung Quốc ByteDance phải bán TikTok ở Mỹ trong vòng 90 ngayÀ̉nh: Live Mirror

Ngày 14/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh buộc công ty Trung Quốc ByteDance phải bán TikTok ở Mỹ trong vòng 90 ngayÀ̉nh: Live Mirror

Một số học giả cho rằng, đối đầu Mỹ-Trung sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới, đặc biệt từ nay đến bầu cử Mỹ vào tháng 11, có khả năng Mỹ tấn công Trung Quốc trong các lĩnh vực như thương mại, nhân quyền và biển Đông, thậm chí dẫn tới Chiến tranh Lạnh 2.0. Ông nghĩ sao?

Hiện có hai xu hướng rõ ràng. Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chơi con bài chống Trung Quốc với tư cách là một phần của chiến lược vận động tranh cử của mình để có thể tái đắc cử. Ông và các bộ trưởng chủ chốt trong nội các của mình đã phát triển đường hướng chống Trung Quốc để che đậy sự thất bại của tổng thống trong việc thể hiện sự lãnh đạo mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Ông Trump gọi coronavirus mới là “virus Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn cực đoan hơn khi kêu gọi thành lập liên minh “các quốc gia tự do” để dẫn tới thay đổi chế độ bằng cách phế truất quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cùng lúc đó, ông Trump và các cố vấn của mình cho rằng, đối thủ của họ, ông Joe Biden, là “yếu đuối đối với Trung Quốc”.

Thứ hai, có một xu hướng mang tính hòa giải hơn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức khác của Trung Quốc. Họ kêu gọi chính quyền Trump dừng kích động Chiến tranh Lạnh mới, làm việc với Trung Quốc mang tính hợp tác để giải quyết vấn đề thương mại. Cả Trung Quốc và Mỹ tham gia cuộc chiến ngôn từ và thể hiện cơ bắp ở biển Đông.

Trung Quốc không muốn dồn ông Trump vào góc bằng cách chọc giận ông trong chiến dịch tranh cử. Khả năng tính toán sai, liên lạc sai hoặc rủi ro là luôn hiện hữu. Tuy nhiên, trong thế cân bằng, không bên nào coi đối đầu vũ trang là lợi ích của họ. Cả Trung Quốc và Mỹ cần kinh tế toàn cầu hồi phục để tái khởi động tăng trưởng kinh tế của họ.

Theo cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, việc tách rời kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc “không chỉ là khả năng mà là đang diễn ra”. Theo ông, Mỹ và Trung Quốc sẽ có những bước đi nào để hoặc ngăn cản hoặc thúc đẩy quá trình tách rời này?

Hai tàu sân bay Mỹ USS Nimitz, USS Ronald Reagan và đội tàu hộ tống đang hoạt động trên biển ĐôngẢnh: US Navy

GS Carlyle Thayer.

Tất cả các nước có khả năng đi theo các vấn đề khác nhau. Việt Nam và Philippines là thành viên ASEAN và Úc là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Úc và Việt Nam có thể hợp tác với nhau vì có sự đồng dạng cao về quan điểm, viễn cảnh chiến lược.
GS Carlyle Thayer

Sẽ tiếp tục có sự tách rời giữa hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm với an ninh quốc gia như công nghệ viễn thông, trí tuệ nhân tạo và sức khỏe cộng đồng (dược phẩm, công nghệ, thiết bị bảo hộ, máy thở…).

Sau bầu cử tổng thống Mỹ, vẫn sẽ có những hạn chế, căng thẳng. Nếu ông Trump thắng cử, ông sẽ tiếp tục thúc đẩy chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Ông Joe Biden từng bắn tín hiệu về mua sắm chính phủ, nhưng cũng ưu tiên cho hàng hóa sản xuất ở Mỹ.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc qua lại lẫn nhau về kinh tế ở mức độ thấp hơn giai đoạn trước COVID-19 sẽ vẫn ràng buộc hai quốc gia này.

Ông bình luận gì về khả năng, xu hướng thành lập liên minh chống Trung Quốc do Mỹ dẫn dắt, đặc biệt là khả năng thành lập nhóm nước chống Trung Quốc về vấn đề biển Đông?

Rất ít khả năng lời kêu gọi của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rằng “các quốc gia tự do” đoàn kết thập tự chinh chống Đảng Cộng sản Trung Quốc để thay đổi chế độ sẽ có lực kéo, sẽ thu hút được sự hưởng ứng. Úc, Nhật Bản và các nước lớn ở châu Âu có mối liên kết kinh tế sống còn với Trung Quốc. Úc đã đánh tín hiệu rõ ràng rằng, Úc sẽ không hành động cùng với Mỹ nếu làm tổn hại quan hệ của Úc với Trung Quốc.

Điều có khả năng xảy ra hơn là các đối tác và đồng minh của Mỹ sẽ hợp tác với Mỹ về một số vấn đề tối quan trọng với an ninh quốc gia của họ, như chống sự can thiệp của Trung Quốc vào công việc nội bộ của họ, tin tặc Trung Quốc, Trung Quốc đưa thông tin sai lệch, Trung Quốc đe dọa về kinh tế và chính trị…

Có các dấu hiệu rõ ràng rằng, ít nhất bốn nước ven biển Đông giờ đây có nhiều điểm chung về vấn đề biển Đông hơn so với trước đây. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, tuyên bố chủ tịch có nêu: “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) là nền tảng xác định các quyền lợi biển, quyền chủ quyền, tài phán và lợi ích hợp pháp đối với các vùng biển, và UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý cho tất cả hành động trên biển, đại dương phải tuân theo”. Các nước ASEAN sẽ không bị cuốn vào việc theo bên nào, Mỹ hay Trung Quốc.

Theo ông, các nước liên quan như Việt Nam, Philippines, Úc… sẽ và nên làm gì để phản ứng với cạnh tranh Mỹ-Trung, bao gồm các kịch bản liên quan biển Đông?

Tất cả các nước có khả năng đi theo các vấn đề khác nhau. Việt Nam và Philippines là thành viên ASEAN và Úc là đồng minh hiệp ước của Mỹ. Úc và Việt Nam có thể hợp tác với nhau vì có sự đồng dạng cao về quan điểm, viễn cảnh chiến lược.

Chừng nào ông Rodrigo Duterte còn là Tổng thống Philippines, nước này còn hành xử thất thường. Philippines nên làm việc để sửa chữa quan hệ của mình với Mỹ để tránh áp lực của Trung Quốc. Nhưng ông Duterte không tin Mỹ. Ông sẽ ngả theo Trung Quốc, hy vọng nhận được các nguồn vốn lớn để phát triển cơ sở hạ tầng của Philippines. Khi Trung Quốc khiêu khích hoặc can thiệp vào biển Đông, vào vùng biển của Philippines, ông Duterte sẽ do dự, miễn cưỡng, không muốn quay sang Mỹ.

Úc đã nói rõ lập trường của mình. Úc và Mỹ gần đây ký một tuyên bố bí mật về nguyên tắc ưu tiên bố trí lực lượng và hợp tác quốc phòng liên minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Úc sẽ làm việc với Mỹ về nhiều mặt trận với tư cách đồng minh hiệp ước trên cơ sở lợi ích quốc gia của Úc, nhưng như Ngoại trưởng Úc Marise Payne đã nói rõ, Úc sẽ không làm gì gây tổn hại quan hệ của Úc với Trung Quốc. Mọi người hiểu rằng, Úc sẽ không thực hiện tuần tra tự do hàng hải gần các đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng và quân sự hóa ở Trường Sa. Nhưng Úc sẽ nhập hội với Mỹ và các nước khác trong các cuộc tập trận hải quân đa phương ở biển Đông.

Thành phố Darwin ở miền bắc nước Úc sẽ đóng vai trò là trung tâm cho các cuộc tập trận và hoạt động quân sự hỗn hợp Mỹ-Úc. Các nước khác sẽ được mời tham gia. Nhiều khả năng sẽ có thêm lính thủy đánh bộ Mỹ được luân chuyển tới Darwin, ở đó cả năm rồi đi. Mỹ đã đồng ý tài trợ dự trữ nhiên liệu. Cả hai bên sẽ bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị và nền tảng quân sự.

Cùng lúc đó, Mỹ sẽ theo đuổi việc tham gia độc lập của mình trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cùng với Nhật Bản, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Việt Nam nên hiệu chỉnh chính sách “vừa hợp tác vừa đấu tranh” của mình với tất cả các siêu cường, kể cả Trung Quốc.

Cảm ơn ông.

Thái An (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/viet-nam-nen-lam-gi-trong-canh-tranh-sieu-cuong-1714274.tpo