Việt Nam nằm trong top 3 thị trường lạc quan nhất

(HQ Online)- Ngày 12-2, Ngân hàng HSBC Việt Nam giới thiệu kết quả Chỉ số Phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi (Emerging markets Index - EMI), trong đó Việt Nam nằm trong top 3 thị trường lạc quan nhất.

Sản xuất hàng dệt may tại Công ty may Sài Gòn 3. Ảnh: N.Huế

Việt Nam trong top lạc quan nhất

Trong tháng Giêng, hoạt động dịch vụ ở các thị trường mới nổi lớn nhất tăng chậm lại, xuống mức thấp của sáu tháng. Ấn Độ và Brazil đều giảm trong khi mức tăng trưởng ở Trung Quốc và Nga đều yếu.

Đồng thời, Chỉ số sản lượng tương lai ở các thị trường mới nổi - một chỉ số khảo sát kỳ vọng của các doanh nghiệp trong vòng 12 tháng đã phục hồi trong tháng Giêng nhưng vẫn còn yếu hơn so với mức trung bình của năm 2013.

Lạc quan ngành sản xuất ở mức cao của 10 tháng trong khi kỳ vọng của lĩnh vực dịch vụ lại rơi xuống mức thấp kỷ lục. Indonesia, Ba Lan và Việt Nam nằm ở nhóm lạc quan nhất. Chỉ số phát triển kinh tế tại các thị trường mới nổi của ngân hàng HSBC - chỉ số công bố hàng tháng trích xuất từ khảo sát Chỉ số Nhà Quản trị mua hàng– đã giảm tháng thứ hai liên tiếp từ mức 51,6 điểm trong tháng 12-2013 xuống còn 51,4 điểm trong tháng 1-2014. Điều này cho thấy sản lượng ở khắp các thị trường mới nổi toàn cầu tăng chậm hơn. Chỉ số EMI trong tháng Giêng là mức thấp nhất kể từ tháng 9 và thấp hơn mức 51,7 điểm – mức trung bình năm 2013.

Số lượng đơn đặt hàng mới ở các thị trường mới nổi toàn cầu cũng có chuyển biến nhẹ so với tháng 12 nhưng vẫn chậm hơn so với mức trung bình của quý IV năm 2013. Lần đầu tiên trong 4 tháng qua, công việc tồn đọng cũng giảm nhẹ và việc làm giữ nguyên trong tháng Giêng.

Áp lực lạm pháp đều giảm. Giá cả đầu vào và xuất xưởng đều tăng ở mức chậm nhất trong sáu tháng. Hơn nữa, giá đầu vào của lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc lần đầu tiên giảm kể từ tháng 7 vừa qua. Ngược lại, các nhà sản xuất hàng hóa ở Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với việc tăng giá đầu vào mạnh trong gần ba năm nay do đồng tiền yếu.

Kỳ vọng của doanh nghiệp

Chỉ số sản lượng tương lai ở các thị trường mới nổi là một chỉ số mới, khảo sát kỳ vọng của các doanh nghiệp trong vòng 12 tháng. Chỉ số này đã phục hồi trong tháng Giêng nhưng vẫn còn yếu hơn so với mức trung bình của năm 2013. Lạc quan ngành sản xuất ở mức cao của 10 tháng trong khi kỳ vọng của lĩnh vực dịch vụ lại rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Trong các thị trường mới nổi lớn nhất, Trung Quốc có mức lạc quan mạnh nhất trong 10 tháng (bao gồm cả sản xuất và dịch vụ) nhưng lại có mức lạc quan yếu hơn so với các nước thuộc khối BRIC còn lại. Mức kỳ vọng của Brazil đã chậm lại ở mức thấp của 9 tháng trong khi chỉ số kỳ vọng sản lượng tương lai của doanh nghiệp ở Nga và Ấn độ đã phục hồi nhưng vẫn ở mức yếu lịch sử.

Giám đốc toàn cầu Khối Nghiên cứu thị trường mới nổi HSBC Pablo Goldberg cho rằng, mặc dù cả chỉ số EMI ngành sản xuất và dịch vụ đều giảm trong tháng Giêng, nhưng cả hai đều vẫn nằm trong ngưỡng tăng trưởng. Điều thú vị là chỉ số hoạt động tương lai cho thấy lĩnh vực sản xuất sẽ phục hồi trong khi lĩnh vực dịch vụ lại giảm, thể hiện nhiều kỳ vọng của sự phục hồi cho các ngành xuất khẩu dẫn dắt.

Hai chỉ số tích cực cho thấy còn có lý do để lạc quan tương đối về sự phục hồi các hoạt động kinh tế các thị trường mới nổi. Đầu tiên, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã cải thiện ở nhiều quốc gia. Thứ hai, chỉ số tổng hợp về đơn đặt hàng mới trong tương lai và hàng tồn kho tiếp tục tăng./.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/viet-nam-nam-trong-top-3-thi-truong-lac-quan-nhat.aspx