Việt Nam diễn nghĩa (Tập V - Kỳ 33)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập V ' NỘI CHIẾN TRỊNH – NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh minh họa: Vua Quang Trung (bên trái) và vua Gia Long là hai trang tuấn kiệt trong lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, giữa hai người lại có mối thù không đội trời chung. Còn với hậu thế thì chuyện thù hận giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn, giữa Quang Trung và Gia Long chỉ còn là sự kiện lịch sử. Nguồn: Internet.

Kỳ 33.

Pháo trên các chiến thuyền Tây Sơn nã vào các đồn Thị Nghè phía Bắc và đồn Bến Nghé phía Nam, tiền đồn của thành Gia Định. Trong khi đó các bè nứa chứa chất cháy bắt đầu bén lửa vào 100 chiến thuyền của Chu Văn Tiếp bảo vệ thành Gia Định. Lúc đầu một vài chiếc, sau đó cả 100 chiếc bị dìm trong biển lửa khổng lồ. Trên các chiến thuyền có thuốc súng và đạn đại bác lửa bén càng nổ tung và cháy dữ dội. Xác lính cùng các mảnh thuyền tung lên trời rồi rơi xuống và chìm nghỉm xuống nước. 2 vạn thủy binh cùng chung số phận với các chiến thuyền.

Nguyễn Huệ ra lệnh cho các chiến thuyền Tây Sơn đi sau những bè lửa nã đạn pháo vào những chiến thuyền đang cháy làm đám cháy nổ càng thêm hung hãn dữ dội.Toàn bộ vùng sông nước trời đất vùng Cần Giờ lửa khói cao vài trượng, tiếng nổ ầm ầm trời long đất lở, tiếng pháo gầm như sấm sét. Dưới hỏa pháo Tây Sơn, đồn Thị Nghè tan hoang. Tôn Thất Mân tử trận, đồn Bến Nghé cũng bị thiêu rụi, Nguyễn Công Trừng bị bắt. 100 chiến thuyền của Chu Văn Tiếp không còn một chiếc nào chạy thoát.

Nguyễn Phúc Ánh dẫn tàn quân chạy về Bến Lức rồi chạy về Ba Giòng. Bị quân Tây Sơn truy kích, Nguyễn Phúc Ánh chạy ra Phú Quốc, Côn Lôn rồi sang Xiêm La cầu viện. Rồi một năm sau, năm 1784, cũng tại Côn Đảo, Nguyễn Phúc Ánh bàng hoàng nhớ lại trận thủy chiến Rạch Gầm-Xoài Muốt trên sông Mỹ Tho Tiền Giang do Nguyễn Huệ chỉ huy. Chỉ một ngày Nguyễn Huệ đã dụ được 300 thuyền chiến, 3 vạn thủy binh Xiêm La do Nguyễn Phúc Ánh cầu viện về cùng 4000 quân Nguyễn lọt vào trận địa và bị tiêu diệt hết. Hai tướng Xiêm La, Chiêu Tăng, Chiêu Sương và Nguyễn Phúc Ánh may mắn thoát chết, chạy qua Chân Lạp, thoát sang Xiêm La. Nguyễn Phúc Ánh cơ cực, nằm gai nếm mật ở Xiêm La rồi lại về Côn Lôn tiếp xúc cầu viện người Pháp can thiệp vào cuộc nội chiến ở Đại Việt.

X

Trong cung Bát Giác ở Thành Hoàng Đế (Trà Bàn), Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc hôm nay đang tiếp khách quý. Khách là một người khoảng 40 tuổi nhưng vẫn còn vẻ khôi ngô tuấn tú của thuở thanh niên. Sau một lượt trà, Nguyễn Nhạc gọi:

-Người đâu.

-Dạ, bẩm hoàng thượng.

-Đi mời Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, Đông Định Vương Nguyễn Lữ, Tả tướng Vũ Văn Nhậm tới uống rượu với khách quý cho vui.

-Dạ, thần tuân chỉ.

Một lát sau, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đều tới. Hai người thi lễ:

-Xin kính chào hoàng thượng.

-Xin kính chào đại nhân.

Nguyễn Nhạc nói:

-Người nhà miễn lễ. Hai đệ ngồi đi.

-Đa tạ hoàng huynh.

Nguyễn Nhạc chỉ vào người khách, hỏi Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ:

-Hai đệ có còn nhớ vị này không?

Nguyễn Huệ đáp:

-Đệ chưa gặp đại nhân lần nào, làm sao nhớ được.

Nguyễn Nhạc nói:

-Đây là Bằng Quận Công Nguyễn Hữu Chỉnh, người ngày xưa là gia tướng của tướng nhà Trịnh Hoàng Ngũ Phúc khi Việp Quận Công đem quân vào Phú Xuân. Năm 1775 đại nhân đã đem sắc thư, ấn tín vào cho ta khi vua Lê Hiển Tông và Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm phong cho ta là “Tây Sơn Trại trưởng, Tráng Tiết tướng quân”.

Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cười:

-Khi đó hai đệ còn tác chiến ở Phú Yên nên không có cơ may gặp được. Nghe đại danh của Bằng Quận công đã lâu nay mới được gặp, vinh hạnh, vinh hạnh.

Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:

-Không dám, không dám, tài cầm quân của hai tướng quân đánh quân Nguyễn quả là thiên tài, chấn động thiên hạ. Tập kích căn cứ bộ binh Xuân Đài và thủy binh Lãnh Úc để lấy thành trì Phú Yên, khiến lão tướng Tống Phước Hiệp ngựa không kịp đóng yên chạy dài về Gia Định, hỏa công thủy chiến Cần Giờ 1777 một lúc bắt cả hai chúa Nguyễn khiến cơ đồ nhà Nguyễn 200 năm sụp đổ, lại hỏa công thủy chiến Thất Kỳ Giang 1782 và thủy hỏa chiến Cần Giờ năm 1783 quả là hai trận “Xích Bích” của Đại Việt, đã làm cho những tàu chiến hiện đại nhất thời đại ngày nay của Bồ Đào Nha và Pháp cũng phải tan thành xác pháo, mới năm vừa rồi, 1785 chỉ một ngày mà hai vị đã nhấn chìm 300 thuyền chiến hiện đại, 3 vạn thủy binh Xiêm La cùng 4000 quân Nguyễn Phúc Ánh ở Rạch Gầm-Xoài Muốt trên sông Mỹ Tho Tiền Giang đã làm chấn động không chỉ Đại Việt mà cả vương quốc Xiêm La. Kỳ tài, kỳ tài, tại hạ bái phúc, bái phục.Xin cạn với hoàng thượng và hai tướng quân một ly.
Nguyễn Huệ nói:

-Đa tạ, đa tạ, Bằng Quận Công quá lời. Xin cạn ly.

Nguyễn Nhạc nói:

-Hai đệ chưa biết, bây giờ Bằng quân công là người của Tây Sơn chúng ta rồi đó.

Nguyễn Huệ nói:

-Thật vậy sao? Vậy còn gì bằng, hân hạnh, hân hạnh.

Nguyễn Lữ nâng ly lên và nói:

-Xin cạn ly chúc mừng cuộc hội ngộ.

Ba người lại cạn ly.

Nguyễn Hữu Chỉnh đặt ly và có vẻ ngậm ngùi nói:

-Hoàng thượng thì rõ rồi nhưng hai tướng quân chưa rõ vì sao tại hạ bỏ nhà Trịnh, về với Tây Sơn. Số là khi Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm còn sống, do say mê tuyên phi Đặng Thị Huệ, đã phế truất ngôi thế tử của người con riêng là Trịnh Tông, còn gọi là Trịnh Khải, lập con còn rất bé của ngài với Đặng Thị Huệ là Trịnh Cán làm thế tử. Sau khi Trịnh Sâm chết, kiêu binh đa số là lính Thanh-Nghệ đã nổi dậy phế truất Trịnh Cán, đưa Trịnh Khải lên ngôi chúa. Kiêu binh còn giết chết Trịnh Cán, giết chết cả tuyên phi Đặng Thị Huệ, giết chết cả người phò tá Trịnh Cán là Hoàng Đình Bảo. Tại hạ là người của Hoàng Đình Bảo nên phải đem cả thê tử vào đây nương nhờ, may được hoàng thượng và các anh hùng hào kiệt Tây Sơn cho chỗ dung thân.

Nguyễn Nhạc nói:
-Được Bằng Quận công về, Tây Sơn như đang hạn được mưa.

Nguyễn Hữu Chỉnh đáp:

-Không dám, không dám.

Cạn một ly nữa, Nguyễn Hữu Chỉnh nói tiếp:

-Bây giờ đất Gia Định đã thu hồi được rồi, tại hạ nghĩ sắp tới hoàng thượng nên cho đánh lấy lại đất Thuận Hóa mà nhà Trịnh đang chiếm, thu hồi toàn bộ đất từ sông Linh Giang đến Hải Vân vốn là đất của Đàng Trong ta xưa.

Nguyễn Huệ nói:

-Bằng Quận Công nói chính hợp với ý của tại hạ. Tại hạ cũng đã trình điều này với hoàng thượng nhưng hoàng thượng còn phân vân.

Nguyễn Hữu Chỉnh nói tiếp:

-Theo thiển nghĩ của tại hạ thì Tây Sơn nên lấy lại, thứ nhất là mấy năm nay quân Trịnh ở Thuận Hóa và Bắc Bố Chính không tác chiến nên rất lơ là, ý chí và sức chiến đấu giảm suốt, Tạo Quận Công Phạm Ngô Cầu là thống lĩnh nhưng không chăm lo việc quân, chỉ mải mê buôn bán làm giàu với lái buôn Phương Tây, không mua sắm vũ khí, lương thực, không chăm lo quân đồn trú nên lòng quân vô cùng chán nản. Tại hạ nghĩ nếu đánh thì chưa đầy một tháng đã thắng lợi. Thứ hai lấy Thuận Hóa còn là do sự tồn tại lâu dài của nhà Tây Sơn. Được vùng đất đó thêm lãnh thổ, nguồn nhân tài vật lực tăng lên, còn là yếu tố quốc phòng để bảo vệ Đàng Trong. Hệ thống lũy Thầy vẫn còn nguyên giá trị trong việc bảo vệ Đàng Trong. Nếu như nhà Lê-Trịnh mất, một triều đại khác lên thay mà tấn công Đàng Trong, chúng ta còn có lũy Thầy để chặn đứng chúng lại.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-v--ky-33-78947