Việt Nam diễn nghĩa (Tập V - Kỳ 18)

Trân trọng giới thiệu tiếp Tập V ' NỘI CHIẾN TRỊNH – NGUYỄN VÀ NHÀ TÂY SƠN' trong bộ Tiểu thuyết Lịch sử 'Việt Nam Diễn Nghĩa' của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức- Hà Nội ấn hành năm 2020.

Tranh vẽ chúa Trịnh Căn trong Trịnh gia chính phả. Nguồn: Internet

Kỳ 18

Nguyễn Hữu Tiến vừa dứt lời thì phía sau quân Nguyễn có ba phát pháo hiệu bắn lên. Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật còn đang ngạc nhiên thì 7 vạn quân Trịnh đã bao vây vòng ngoài. Quân Trịnh trong thành mở cổng đánh ra. Quân Nguyễn bị kẹt vào giữa. Tạc đạn, súng hỏa mai sáng rực bắn xối xả. Hàng vạn quân hai bên gục xuống. Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến cùng đám tùy tướng mở đường máu phá vòng vây mà chạy. 3 vạn quân Nguyễn đã nằm lại trên chiến trường Lân Sơn, Nam sông Lam Nghệ An. Đó là tháng 9 năm 1660. Sau trận đó quân Nguyễn đuối sức lùi về Nghi Xuân, không còn đủ sức dằng co với quân Trịnh, bị Hoàng Thể Giao và Nguyễn Năng Thiệu đánh bại ở Thiên Lộc, Lê Thì Hiến đánh bại ở Nghi Xuân. Quân Trịnh lấy lại được 7 huyện Nam Nghệ An mà bị quân Nguyễn chiếm từ năm 1655. Trịnh Căn dốc lực truy kích quân Nguyễn và giao chiến một trận lớn ở Hoành Sơn. Mỗi bên chết 2 vạn lính. Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến rút quân về Nhật Lệ. Trịnh Căn nói với Đào Quang Nhiêu:
-Tướng quân hãy trấn thủ Nghệ An kiêm trấn thủ Bắc Bố Chính, kiên quyết không cho quân Nguyễn đánh ra Bắc như 5 năm trước đây. Rõ chưa?

Đào Quang Nhiêu đáp:

-Dạ, đa tạ Tiết chế, mạt tướng tuân lệnh.

Trên bờ Bắc sông Linh Giang, Đào Quang Nhiêu đi tiễn thế tử Trịnh Căn về Bắc. Bầu trời xam xám, sông Linh Giang vẫn cuồn cuộn tuôn nước về Đông. Quân Trịnh đi trong ánh tinh kỳ phấp phới. Đào Quang Nhiêu và binh sĩ nhìn mãi cho đến khi bóng cờ xa lắc mờ dần, chỉ còn lại giải đất Bắc sông Linh Giang xơ xác điêu tàn trong máu lửa những cuộc chiến, chiến tranh không biết bao giờ mới chấm dứt, những người lính không biết bao giờ mới được đi dưới bóng cờ về lại quê cha đất tổ, xum họp với cha mẹ, vợ con, gia đình?

* *
*

Sau chiến thắng năm 1660, tháng 1 năm 1661, Trịnh Tạc cử 7 vạn bộ binh, 300 chiến thuyền do Trịnh Căn làm thống lĩnh cùng các tướng Hoàng Thể Giao, Lê Thì Hiến vượt sông Linh Giang tấn công Lũy Thầy. Phía quân Nguyễn do lão tướng Nguyễn Hữu Dật ra sức phòng thủ. Hai bên đánh nhau 3 tháng trời, chết hàng nghìn quân, cuối cùng do hết lương thực, đạn dược vũ khí, Trịnh Căn phải rút về Thăng Long.

Năm 1672 Trịnh Tạc lại sai Trịnh Căn chỉ huy thủy binh với 200 chiến thuyền, Lê Thì Hiến chỉ huy 6 vạn bộ binh tiến đánh lũy Thầy. Bên quân Nguyễn lúc này Nguyễn Hữu Tiến đã mất. Chúa Nguyễn Phúc Tần cử con Nguyễn Hữu Tiến là Nguyễn Hữu Hiệp làm thống lĩnh cùng các tướng Nguyễn Mỹ Đức, Cao Tương, Nguyễn Hữu Dật ra chống cự. Quân Trịnh xông lên, hàng nghìn quân chết dưới đạn súng thần công, tạc đạn, cung tên, máy bắn đá mà không công phá được lũy Thầy. Đang khi đó thám mã đến báo cho Trịnh Căn:

-Bẩm thế tử, thân phụ của người ốm nặng, mời thế tử về Thăng Long ngay ạ.

Trịnh Căn ra lệnh:

-Hai tướng Lê Thì Hiến và Lê Sĩ Triệt nghe lệnh.

-Dạ có mạt tướng.

-Hai tướng ở lại trận thủ Bắc Bố Chính, không để quân Nguyễn đánh ra . Rõ chưa?
-Đa tạ thế tử, mạt tướng tuân lệnh.

Sau hơn 55 năm chiến tranh đã làm cho hai bên kiệt quệ, chết chóc. Suốt một giải từ sông Nhật Lệ đến Nghệ An là chiến trường máu lửa, bách tính chết chóc khổ cực, đói khát, kinh tế tiêu điều, cả Đàng Trong và Đàng Ngoài đều kiệt quệ, không thể tiếp tục chiến tranh được nữa. Cuối cùng hai bên phải lấy sông Linh Giang làm giới tuyến chia đôi đất nước. Bắc sông Linh Giang trở ra gọi là Đàng Ngoài (Bắc Hà), Nam sông Linh Giang trở vào gọi là Đàng Trong (Nam Hà). Đây là cuộc chia cắt đất nước lâu dài nhất trong lịch sử. Nếu tính từ 1558 lúc Nguyễn Hoàng vào Nam đến năm 1786, lúc Bắc Bình Vương ra Bắc lật đổ nhà Trịnh thì chia cắt kéo dài 228 năm, nếu tính từ 1627 khi nhà Trịnh mở cuộc tấn công vào Đàng Trong lần thứ nhất đến 1786 thì cuộc phân ly đất nước dài 159 năm.

(Còn nữa)

CVL

PGS TS Cao Văn Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/viet-nam-dien-nghia-tap-v--ky-18-78657