Việc 'làm thêm' của trẻ con thời bao cấp

Chiều trên phố, đột nhiên trời đang nắng bỗng đổ mưa ào ào. Đã sang tháng tám âm lịch mà Hà Nội vẫn thoắt nắng thoắt mưa như tháng bảy. Mọi người đều vội vã dừng lại để mặc áo mưa. Cách tôi một quãng, bà mẹ trẻ dáng nhỏ nhắn đang mặc áo mưa cho cậu con trai khá cao và mập. Nhìn vóc dáng của cậu bé, tôi đoán cháu học lớp 6. Vậy mà, cháu cứ đứng yên để mẹ mặc áo mưa cho mình mà không có bất cứ động thái chủ động nào. Thật lạ!

Nhìn theo mẹ con họ xa dần trong màn mưa, tôi lan man chợt nghĩ về những bà mẹ bây giờ đã biến con của mình trở thành người thụ động trong cuộc sống. Trước đây, thời bao cấp, bằng tuổi cậu bé, bọn trẻ chúng tôi đã biết tự đi xếp hàng đong gạo, mua thực phẩm giúp bố mẹ. Những dịp nghỉ hè, cả nhóm trẻ trong khu tập thể chúng tôi đều tìm việc làm thêm để kiếm tiền mua đồ dùng học tập khi vào năm học.

Việc làm thêm thời đó, có lẽ rất lạ lẫm với các bạn trẻ bây giờ. Đầu tiên, phải kể đến việc khâu sách. Việc này thường được bố mẹ làm trong nhà in nào đó nhận về cho con làm thêm. Nếu gia đình hàng xóm có ý muốn làm thêm thì họ nhận giúp. Những tờ in đã gập vào thành từng “tay sách”, được xếp lần lượt từ đầu đến cuối của cuốn sách. Bố mẹ sẽ hướng dẫn, khâu làm mẫu cho vài cuốn, sau đó cứ thế mà làm. Chúng tôi phải nhớ khâu lần lượt đúng thứ tự của từng “tay sách”. Đôi khi vì mải nói chuyện, chúng tôi khâu nhầm nên lại phải hì hục cắt ra khâu lại.

Những khi không có đợt khâu sách, chúng tôi lại mon men kiếm việc làm kim băng của bác Ngọc ở ngõ bên cạnh. Cả nhóm sang nhà để bác hướng dẫn, sau đó nhận “hàng” về làm. Bác sẽ phát cho phần “kim” và phần “mũ” của kim băng. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải gài “mũ” vào “kim” sao cho thẳng thớm, không lệch lạc. Khi nào hoàn chỉnh, mang sang nộp cho bác Ngọc, ký số lượng vào sổ đàng hoàng. Cuối tháng lĩnh lương như người lớn.

Có dịp hè, chúng tôi nhận bóc lạc thuê. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm nên bóc toét cả ngón tay mà không được bao nhiêu. Anh trai tôi còn lấy cái búa con để gõ cho đỡ đau tay, nhưng mà lạc lại bị vỡ nên không ổn. Sau này, bố tôi làm cho hai anh em cái que kẹp bằng nứa để bóp hạt lạc. Thế là, “tốc độ” bóc nhanh hơn mà lạc không bị vỡ. Sau khi bóc xong, chúng tôi còn phải lựa riêng những hạt to để sang một bên, hạt lép một bên. Khi đến cân hàng, ngoài tiền công, cô chủ thường cho chúng tôi ít lạc loại nhỏ. Có vậy thôi mà bọn trẻ chúng tôi cũng thấy thật vui sướng, hí hửng mang về khoe mẹ.

Gần Tết, một gia đình trong khu tập thể có “mối” nhận “gia công” in tranh dân gian. Thế là, cả xóm, đâu đâu cũng đầy màu sắc. Tranh có hình vẽ mộc được phát kèm “khuôn” bằng mi-ca trong và màu bằng chất liệu gì thì tôi không nhớ rõ. Chúng tôi sẽ phải áp chính xác “khuôn” lên tranh và nhớ vị trí nào bôi màu gì. Cũng khó ra phết. Có những ngày, bố mẹ đi làm về thấy con mình be bét màu từ đầu đến chân như vườn hoa. Đến giờ, mỗi khi cận Tết, tôi vẫn nhớ đến con ngõ nhỏ với những bức tranh rực rỡ sắc màu năm xưa.

Giờ đây, cuộc sống không còn khó khăn như xưa nữa. Nhưng đôi khi, tôi vẫn chạnh nhớ về một thời làm thêm của bọn trẻ chúng tôi thời bao cấp.

Vy Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/viec-lam-them-cua-tre-con-thoi-bao-cap-162700.html