Vị tướng ngành quân y với những chương trình, dấu ấn đặc biệt

Tròn 35 năm công tác trong ngành quân y, với 16 năm giữ cương vị chỉ huy Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần), cuộc đời quân ngũ của Trung tướng, TS Chu Tiến Cường gắn bó với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội và nhân dân. Suốt hành trình ấy, với tâm huyết, bản lĩnh và tầm cao tư duy, ông có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự lớn mạnh, phát triển của ngành quân y nói riêng, y tế nước nhà nói chung.

Tâm huyết với “Chương trình 12”

Chúng tôi đến nhà riêng của Trung tướng, TS Chu Tiến Cường ở phố Phù Lưu, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh khi cơn bão số 3 vừa qua đi, để lại những tổn thất nặng nề cho nhân dân các tỉnh phía Bắc. Rót nước mời khách, giọng vị tướng ngành y trầm xuống: “Trong thiên tai, bão lũ, càng thấy được tầm quan trọng của công tác kết hợp quân-dân y và vai trò của “4 tại chỗ”. Khi bão lũ đi qua, còn rất nhiều công việc phải triển khai, nhất là vệ sinh, phòng dịch, mà nhiệm vụ này “Chương trình 12” phát huy hiệu quả rất tốt. Đây là chương trình giàu ý nghĩa, theo tôi suốt quãng thời gian công tác ở cơ quan quân y chiến lược".

Rồi ông kể về "duyên nghiệp" từ sinh viên y khoa chuyển sang làm thầy thuốc áo lính. Đúng ngày lịch sử của dân tộc 30-4-1975, sinh viên Chu Tiến Cường có quyết định nhập ngũ vào Trường Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y) khi đang học năm cuối khóa bác sĩ đa khoa (1969-1975) tại Trường Đại học Y Hà Nội và được đặc cách công nhận tốt nghiệp. Sau thời gian học về tổ chức chiến thuật quân y và quân sự, bác sĩ Chu Tiến Cường được điều động về công tác tại Quân chủng Hải quân, đảm nhiệm các chức vụ: Chủ nhiệm Quân y, Bệnh xá trưởng Bộ tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Trưởng ban Y vụ, Đội trưởng Đội phẫu thuật cơ động, Đội trưởng Đội Điều trị 78 phục vụ các đơn vị hải quân hoạt động trên địa bàn biên giới Tây Nam. Đầu năm 1985, bác sĩ Chu Tiến Cường được điều động về cơ quan Cục Quân y làm Trợ lý kế hoạch dài hạn của Phòng Tổ chức-Kế hoạch, sau đó phát triển lên Phó trưởng phòng rồi lên thẳng Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) khi mới mang quân hàm Trung tá.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường (thứ tư, từ trái sang) cùng các tác giả, cộng sự ngày nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với cụm công trình “Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới”. Ảnh: CHIẾN VĂN

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường (thứ tư, từ trái sang) cùng các tác giả, cộng sự ngày nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đối với cụm công trình “Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới”. Ảnh: CHIẾN VĂN

Từ khi về công tác tại cơ quan quân y chiến lược, bác sĩ Chu Tiến Cường tiếp cận với nhiều chương trình, kế hoạch lớn của ngành quân y, trong đó Chương trình kết hợp quân-dân y - "Chương trình 12". Trên cương vị được giao, Phó trưởng phòng Tổ chức-Kế hoạch Chu Tiến Cường cùng chỉ huy Cục Quân y tham gia những cuộc họp đầu tiên với Bộ Y tế bàn bạc, thống nhất, xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình 12-chương trình mục tiêu quốc gia, mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng. “Chương trình kết hợp quân-dân y là nét đặc thù của y tế Việt Nam, được hình thành ngay từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Dù mỗi giai đoạn, thời kỳ có những nét khác nhau, song tinh thần xuyên suốt là đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, được thể hiện rõ trong các văn bản của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế. Đặc biệt, chương trình luôn nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các cấp, các ngành, có sự đoàn kết hiệp đồng quân-dân y cùng thực hiện nhiệm vụ”, Trung tướng, TS Chu Tiến Cường khái quát.

Dù đã bước sang tuổi 74 nhưng khi nhắc về những cuộc họp, hội nghị đưa Chương trình kết hợp quân-dân y lên tầm cao mới, Trung tướng, TS Chu Tiến Cường vẫn nhớ rành rõ từng chi tiết. Ông chia sẻ: “Có rất nhiều thành tựu, kết quả nổi bật của Chương trình 12, nhất là công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đặc biệt là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc của công tác y tế. Ngoài ra, đây cũng là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là trong thiên tai, thảm họa...”.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường.

Minh chứng cho điều đó, Trung tướng, TS Chu Tiến Cường nhắc về công tác khắc phục hậu quả trận “đại hồng thủy” cuối năm 1999 ở khu vực miền Trung, từ tỉnh Quảng Bình tới Thừa Thiên Huế. Lúc đó, ông đang là Phó cục trưởng Cục Quân y, được cử tham gia Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Quốc phòng. Sau khi nắm tình hình, ông đã phân tích, đánh giá, thống nhất trong chỉ huy rồi yêu cầu chủ nhiệm quân y các Quân khu 3, 4, 5 và Quân đoàn 1, 2 báo cáo Đảng ủy, Bộ tư lệnh cử hàng trăm tổ quân y, mang theo thuốc, hóa chất đến hiện trường thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với sự vào cuộc chủ động, lực lượng quân y tích cực phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Kết thúc nhiệm vụ, ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.

Một kỷ niệm khác mà Trung tướng, TS Chu Tiến Cường không thể nào quên, đó là năm 2003, trên cương vị Cục trưởng Cục Quân y, ông đã chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp với chỉ huy Trung đoàn 36 (Sư đoàn 308, Quân đoàn 1, nay là Quân đoàn 12) tổ chức cách ly hơn 200 sinh viên từ Trung Quốc về nước khi nước này xảy ra đại dịch SARS. Đây là nhiệm vụ mà Cục trưởng Chu Tiến Cường được Đại tướng Phạm Văn Trà, khi đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ. Trên đường đi khảo sát thực địa để tổ chức khu cách ly, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm gọi điện động viên: “Nhiệm vụ này cấp trên rất tin tưởng vào lực lượng Quân đội, nhất là quân y. Tôi mong các đồng chí sẽ thực hiện thành công”.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường.

Nhận nhiệm vụ, chỉ trong thời gian ngắn, Cục Quân y và Trung đoàn 36 đã chuẩn bị đủ cơ sở vật chất, đón số sinh viên từ Trung Quốc vừa nhập cảnh về cách ly an toàn. “Lúc đó dịch SARS đang lây lan mạnh ở Trung Quốc khiến các sinh viên rất hoang mang, lo lắng. Về đến sân bay Nội Bài, dù cán bộ y tế đã động viên nhưng nhiều người vẫn không yên tâm, có dấu hiệu bỏ trốn, sợ cách ly tập trung. Trước tình thế đó, tôi phải trực tiếp đến động viên, giải thích, thuyết phục. Cuối cùng, mọi người đã hợp tác về khu cách ly của Quân đội”, Trung tướng, TS Chu Tiến Cường nhớ lại.

Từ kinh nghiệm sau khi tổ chức cách ly thành công hơn 200 sinh viên kể trên, Cục trưởng Chu Tiến Cường đã tham mưu, đề xuất Bộ Quốc phòng cho phép thành lập ngay 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho bộ đội và nhân dân. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các bệnh viện dã chiến truyền nhiễm được kích hoạt và phát huy hiệu quả rõ rệt.

Nhiều dấu ấn của “tư lệnh” ngành quân y

Từ khi còn là Phó trưởng phòng Tổ chức-Kế hoạch, bác sĩ Chu Tiến Cường đã được tham gia biên soạn một số đề án xây dựng ngành quân y, đặc biệt là Đề án “Đổi mới phương thức bảo đảm quân y cho quần đảo Trường Sa”, góp phần quan trọng để Cục Quân y đề xuất Bộ Tổng Tham mưu ban hành quyết định về việc cử các tổ quân y đi phục vụ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và một số đảo xa bờ. Ông cũng tham gia giúp chỉ huy Cục Quân y biên soạn một số đề án công tác xây dựng ngành quân y, nổi bật là các đề án: “Công tác động viên y tế khi xảy ra chiến tranh và các tình huống khẩn cấp”; “Quy hoạch hệ thống điều trị trong toàn quân đến năm 2000”, giúp ngành quân y đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh khi có tình huống chiến đấu. Trên cơ sở kết quả thực hiện Chương trình 12, ông cũng giúp chỉ huy Cục Quân y xây dựng các chỉ tiêu, kế hoạch động viên và huy động lực lượng ngành y tế khi xảy ra chiến tranh.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về Chương trình 12.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về Chương trình 12.

Trung tướng, TS Chu Tiến Cường là người có nhiều đóng góp trong hoạt động đối ngoại quân sự, thuộc lĩnh vực quân y, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của quân y Việt Nam với bạn bè khu vực và thế giới. Ông tâm sự: “Khi là chỉ huy Cục Quân y, tôi luôn chú ý đến công tác đối ngoại, thường xuyên trao đổi, bàn bạc với các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Cục phải mở rộng quan hệ hợp tác quân y với các quốc gia khác. Có như vậy mới giúp ngành quân y nâng cao năng lực về chuyên môn, kỹ thuật”. Với quan điểm đó, các hoạt động về đối ngoại của Cục Quân y ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ năm 2001 đến 2010, ông đã đi thăm và làm việc với quân y của hơn 20 nước trên thế giới; xây dựng mối quan hệ hợp tác hiệu quả với quân y một số nước có tiềm lực khoa học kỹ thuật quân sự hùng mạnh, như: Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Một dấu ấn khác không thể không nhắc đến là Trung tướng, TS Chu Tiến Cường đã cùng Thường vụ Đảng ủy, chỉ huy Cục Quân y chỉ đạo, tổ chức xây dựng ngành quân y theo phương châm “mạnh về tổ chức và khả năng cơ động, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững về chính trị, tư tưởng và y đức”. Đây là phương châm thể hiện tầm nhìn cả trước mắt và lâu dài, hiện vẫn được ngành quân y áp dụng, triển khai, tổ chức thực hiện, góp phần hoàn thành công tác bảo đảm quân y trong mọi tình huống. Ông còn đóng góp nhiều công sức, trí tuệ, thời gian để cùng với Cục Quân y xây dựng thành công Đề án “Củng cố, xây dựng tổ chức ngành quân y vững mạnh toàn diện”...

Năm 2010, Trung tướng, TS Chu Tiến Cường chủ động xin nghỉ hưu với lý do khá đặc biệt: Đã đến tuổi nghỉ theo năm sinh thực (1950), còn trên giấy tờ khai sinh năm 1951 là do bố mẹ ông cố tình khai giảm tuổi để khi bắt đầu đi học không bị "còi" quá?! Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với tâm huyết của mình, nguyên “tư lệnh” ngành quân y vẫn tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Khoa học Y học quân sự Bộ Quốc phòng và chuyên ngành Tổ chức chỉ huy quân y. Ông luôn nhiệt huyết, trách nhiệm khi tham gia đóng góp ý kiến xây dựng tổ chức ngành Quân y phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới...

Trọn đời binh nghiệp gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân, giàu thành tích trên các cương vị công tác, nhưng Trung tướng, TS Chu Tiến Cường luôn khiêm tốn. Ông tâm niệm: “Đó là công sức của các bậc tiền bối, mình chỉ là người kế thừa thôi. Với lại, có được những thành tích ấy là nhờ thủ trưởng các cấp, anh em đồng chí, đồng đội trong Cục, ngành quân y ủng hộ, giúp đỡ. Đó là thành tích chung chứ không phải của riêng cá nhân ai”.

Ngày 20-1-2012, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình “Nghiên cứu mô hình kết hợp quân dân y phục vụ chăm sóc sức khỏe bộ đội và nhân dân trong thời kỳ đổi mới” với tập thể tác giả gồm Trung tướng, TS Chu Tiến Cường và 7 đồng tác giả khác cùng các cộng sự. Cụm công trình được đánh giá đặc biệt xuất sắc, có giá trị cao về khoa học và công nghệ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TIẾN ĐẠT - VĂN CHIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/vi-tuong-nganh-quan-y-voi-nhung-chuong-trinh-dau-an-dac-biet-800563