Vì sự phát triển bền vững

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hình thành bởi các công nghệ đột phá mới, tương ứng với đó là hoạt động số hóa cơ quan, tổ chức. Nói cách khác, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ, đưa một cơ quan, tổ chức từ môi trường truyền thống sang môi trường số, từ không gian truyền thống sang không gian mạng.

Nhờ đó, cách thức vận hành, mô hình hoạt động thay đổi, năng suất lao động tăng, mang đến những giá trị mới lớn hơn. Thậm chí, chuyển đổi số còn thay đổi cả văn hóa của một doanh nghiệp, đơn vị… Với những giá trị to lớn, chuyển đổi số được xác định là xu thế phát triển không thể đảo ngược.

Thủ đô Hà Nội được đánh giá đứng trước cơ hội lớn để chuyển đổi số. Trước hết, hạ tầng viễn thông của Hà Nội luôn có điều kiện phát triển trước các địa phương khác. Một số chỉ tiêu quan trọng của Thủ đô đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước, như tỷ lệ phủ sóng 4G chiếm 95% (tính theo dân số); 80% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh; hầu hết doanh nghiệp viễn thông chọn Hà Nội là nơi thử nghiệm mạng 5G…

Song song đó, chính quyền thành phố Hà Nội đã sớm chủ động triển khai các ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin, với mục tiêu làm tốt hơn công tác quản lý, điều hành, phục vụ doanh nghiệp và người dân, mà điển hình là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Hiện, nhiều lĩnh vực thiết yếu của đời sống có tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến rất cao, từ trên 90% trở lên. Hà Nội cũng có lượng doanh nghiệp số và nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào, có thể nhanh chóng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trên diện rộng.

Quan trọng hơn cả, Hà Nội đã xác định ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số là giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững. Từ rất sớm, thành phố đã đầu tư thích đáng cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trên mọi lĩnh vực hoạt động, nhằm xây dựng chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số. Vì vậy, Hà Nội được giới chuyên gia đánh giá hội tụ đủ nền tảng để chuyển đổi số.

Song, chuyển đổi số là quá trình không đơn giản, trước hết chiến lược chuyển đổi số và khung kiến trúc chính quyền điện tử - hai điều kiện cơ bản đồng thời là hai định hướng quan trọng cho quá trình chuyển đổi số của Thủ đô, cần sớm được hoàn thành.

Mặt khác, thành phố tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng viễn thông để đạt được mục tiêu mỗi gia đình có một đường cáp quang internet, mỗi người dân có một điện thoại thông minh - những điều kiện cần, để sẵn sàng tham gia quá trình chuyển đổi số. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng, triển khai nhiều ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin để hướng tới phát triển đô thị thông minh gắn với chính quyền số.

Hà Nội - địa phương đóng vai trò chủ đạo trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, đặt mục tiêu đến năm 2025 có số lượng doanh nghiệp công nghệ số chiếm tỷ lệ tối thiểu 40% của cả nước (tương đương 30.000 doanh nghiệp). Đồng thời, đào tạo được ít nhất 400.000 nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao để hiện thực hóa chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ số nêu trên.

Trong quá trình chuyển đổi số, cùng với chính quyền thành phố, mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động tham gia bằng cách ứng dụng các nền tảng công nghệ, như bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến, đặt dịch vụ trực tuyến… Người dân Thủ đô cũng cần sẵn sàng đồng hành với quá trình này khi sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động.

Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu cụ thể và sẵn sàng cho chuyển đổi số, vì sự phát triển bền vững của Thủ đô.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/969956/vi-su-phat-trien-ben-vung