Vì sao Quốc hội không chất vấn Bộ trưởng Y tế, giao thông?

Mặc dù Bộ Y tế và Bộ GTVT nhận được nhiều đề nghị được chất vấn của các đại biểu, nhưng tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ không được sắp xếp để trả lời chất vấn.

Sáng nay (9/11), ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội - trả lời báo chí những vấn đề liên quan đến việc chất vấn 5 thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, từ ngày 16 - 18/11, 5 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn trả lời chất vấn làm rõ những vấn đề dân sinh bức xúc.

Cụ thể, 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tiêu chí được xác định là những vấn đề bức xúc nổi lên được quan tâm; thứ hai là vấn đề có dấu hiệu vi phạm pháp luật, được người chất vấn trả lời bằng văn bản nhưng không thỏa mãn; không chất vấn những vấn đề đã nêu trong nghị quyết...

Về vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Phúc cho biết là công tác thuế, chống thất thu thuế, chuyển giá, hải quan, nợ cộng. Trong phiên chất vấn này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các bộ sẽ giải đáp thêm những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng là việc điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng tín dụng, hoạt động của các ngân hàng yếu kém, kết quả và hiệu quả của việc mua ngân hàng với giá 0 đồng. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các bộ trưởng cũng sẽ đăng đàn để báo cáo làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu đặt ra.

Nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn là việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính, cũng như công tác quản lý báo chí, truyền thông, hạn chế thông tin xấu độc… Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng như các bộ trưởng có liên quan sẽ làm rõ thêm những vấn đề có liên quan.

Nhóm vấn đề chất vấn đối với Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình là việc nâng cao công tác xét xử... Cuối cùng Quốc hội cũng sẽ dành nửa ngày để Thủ tướng đăng đàn trả lời các vấn đề mà đại biểu nêu ra.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề nhiều người đặt ra câu hỏi là trong thời gian qua nhiều vấn đề liên quan đến Bộ Y tế, Bộ GTVT cũng trở thành vấn đề nóng được dư luận xã hội quan tâm, nhưng lại không được xếp trong những vấn đề cần chất vấn.

Trả lời câu hỏi trong số 59 đoàn thì có đến 18 đoàn yêu cầu chất vấn Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về giá thuốc, đấu thầu thuốc. Điều này cho thấy sự quan tâm đặc biệt nhưng vì sao vấn đề trên lại không được lựa chọn?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế mới đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3. Sau phần chất vấn đó, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết chất vấn trong đó có đề cập đến các nội dung về vấn đề y tế.

“Những vấn đề này Bộ trưởng Bộ Y tế đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu của Nghị quyết QH đề ra nên phải dành thời gian cho ngành thực hiện. Vì thế, Quốc hội mới quyết định chưa chọn chất vấn nhóm vấn đề về y tế”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, theo ông Phúc không phải vì Bộ trưởng Bộ Y tế không đăng đàn mà đại biểu không nêu câu hỏi. “Đại biểu hoàn toàn có quyền nêu câu hỏi về vấn đề y tế khi chất vấn Thủ tướng Chính phủ”, ông Phúc nói.

Còn về vấn đề giao thông, với những ý kiến xung quanh các dự án BOT nhận được nhiều quan tâm, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vừa qua, Thường vụ Quốc hội đã có đoàn giám sát chuyên đề và có Nghị quyết về vấn đề này, Bộ GTVT hiện đang triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Hơn nữa, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể mới được bổ nhiệm, cần dành thời gian để tìm hiểu công việc của ngành. Từng là thứ trưởng nhưng đã 3 năm đồng chí đi cơ sở nên vẫn cần thời gian cập nhật thông tin mới”, ông Phúc cho biết.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng cho biết, sau khi chất vấn xong thì Quốc hội có nghị quyết và Quốc hội giám sát tới cùng việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Cụ thể, Quốc hội sẽ yêu cầu Chính phủ và các Ủy ban giám sát các lĩnh vực mà mình phụ trách xem việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn này đến đâu, tức việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành ra sao. Kết quả giám sát này sẽ được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào giữa năm 2018.

“Năm 2018 sẽ lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ, đây là một trong những việc Quốc hội sẽ xem xét với trách nhiệm các thành viên Chính phủ thực hiện lời hứa. Có những Nghị quyết thuộc khóa trước nhưng Quốc hội vẫn tiếp tục theo dõi, yêu cầu Chính phủ làm rõ nội dung chưa hoàn thành nhiệm vụ. Quốc hội sẽ giám sát đến cùng nội dung các thành viên Chính phủ trả lời” – ông Phúc khẳng định.

Nhật Hạ (Tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật Net: http://phapluatnet.vn/tin-trong-nuoc/vi-sao-quoc-hoi-khong-chat-van-bo-truong-y-te-giao-thong