Vì sao Porsche dần bị 'ghẻ lạnh' tại Trung Quốc?

Người tiêu dùng Trung Quốc dần yêu thích xe điện nội địa với giá cả phải chăng và công nghệ mới. Xu hướng này đang thay đổi thị trường 'dòng xe cao cấp' và tác động tới các hãng ôtô Đức.

 Porsche Taycan tại Triển lãm ôtô Bắc Kinh năm 2024. Ảnh: New York Times.

Porsche Taycan tại Triển lãm ôtô Bắc Kinh năm 2024. Ảnh: New York Times.

Sau nhiều thập niên thống trị thị trường xe hiệu suất cao tại Trung Quốc, các nhà sản xuất ôtô Đức đang hụt hơi trước các đối thủ nội địa. Thay vì nghĩ tới dòng xe cao cấp, người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng ưa chuộng ôtô điện, thông minh và giá cả phải chăng.

Nhiều loại xe mới của Trung Quốc giống với các ôtô đến từ Đức, như Xiaomi SU7 so với dòng Taycan của Porsche. SU7 cạnh tranh với Taycan về hiệu suất và phanh, như SU7 cũng tích hợp trí tuệ nhân tạo, như hỗ trợ đỗ xe hay bật bài nhạc người lái xe yêu thích. Điều đặc biệt nhất: SU7 có giá bằng một nửa Taycan.

Do đó, theo New York Times, doanh số ôtô Đức đang giảm sút, trong khi Xiaomi - một nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc - bán được hơn 100.000 mẫu SU7 vào năm 2024.

Hãng xe bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Porsche, khi lượng xe giao tại Trung Quốc giảm 28% vào năm 2024. Mặc dù doanh số bán hàng của Porsche tăng ở mọi khu vực khác, sự sụt giảm ở Trung Quốc đủ lớn để kéo lượng xe giao toàn cầu trong năm giảm 3%.

Xe Trung Quốc ngày càng cạnh tranh

Suốt nhiều năm, các nhà sản xuất ôtô Đức dựa vào thị trường Trung Quốc để bù đắp nhu cầu thiết hụt ở các nơi khác, khiến họ bỏ qua các vấn đề về cơ cấu sâu sắc xoay chuyển trong nước này. Lý do lớn nhất là chần chừ áp dụng công nghệ, vốn trở thành xu hướng chủ đạo ở Trung Quốc: Xe điện được trang bị phần mềm tiên tiến và tích hợp trí tuệ nhân tạo.

“Các hãng xe phương Tây lâu đời của Đức, hay Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đánh giá thấp động lực phát triển của Trung Quốc, cụ thể trong lĩnh vực quan trọng như xe điện hay xe được cân chỉnh bởi phần mềm”, Stefan Bratzel - Giám đốc Trung tâm Quản lý ôtô tại Bergisch Gladbach, Đức - nhận xét.

 Xiaomi - một nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc - bán được hơn 100.000 mẫu SU7 vào năm 2024. Ảnh: New York Times.

Xiaomi - một nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc - bán được hơn 100.000 mẫu SU7 vào năm 2024. Ảnh: New York Times.

Các chuyên gia cho biết những tiến bộ trong phần mềm và các tính năng như lái xe tự động và điều khiển từ xa trở thành tiêu chuẩn với xe điện Trung Quốc, gây áp lực buộc các nhà sản xuất ôtô châu Âu dù có sẵn thương hiệu phải nâng cao năng lực cạnh tranh.

"Người tiêu dùng Trung Quốc hiện sẵn sàng chấp nhận rằng các công ty nội địa có thể sản xuất những chiếc xe được xem là cao cấp với họ", Gary Ng - nhà kinh tế học tại Natixis Corporate & Investment Banking - cho biết.

Porsche lao đao

Vào tháng 2, Porsche thông báo sẽ chia tay một giám đốc tài chính và giám đốc bán hàng, cả hai đều chịu áp lực vì tình hình ảm đạm của Porsche, bao gồm cả ở Trung Quốc.

Thêm vào đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo các cố vấn xem xét mức thuế quan mới với các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó có Liên minh châu Âu. Quyết định này có thể giáng một đòn vào Porsche, chỉ cung cấp cho thị trường Mỹ bằng hàng xuất khẩu từ Đức.

Tuần trước, Porsche cho biết sẽ cắt giảm tới 1.900 việc làm tại Đức những năm tới, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu suy giảm. Doanh số bán xe điện Taycan giảm gần một nửa còn 20.836 chiếc, còn mẫu xe hybrid Panamera mới giảm 13% vào năm 2024, một phần do người mua Trung Quốc không tỏ ra hứng thú như mong đợi.

 Xiaomi SU7 tại Triển lãm ôtô Bắc Kinh năm 2024. Ảnh: New York Times.

Xiaomi SU7 tại Triển lãm ôtô Bắc Kinh năm 2024. Ảnh: New York Times.

Vấn đề của Porsche nằm ở những người như Seaky He, nhà sáng tạo nội dung ở tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc. Năm 2017, cô mua chiếc xe đầu tiên: Mercedes-Benz CLA màu đỏ tươi. Nhưng năm 2024, cô quyết định đổi thành Xiaomi SU7.

Xiaomi trang bị cho SU7 những tính năng như đỗ xe tự động và kiểm soát nhiệt độ kích hoạt từ xa. Cô He nói đây chính xác là những gì cô và nhiều người dùng trẻ tuổi khác mong muốn ở một chiếc xe hơi. “Khi chọn mua xe mới, tôi thậm chí còn không nghĩ tới hãng xe Đức”, cô nói.

SU7 chưa được xuất khẩu, nhưng một số chiếc đã có mặt trên đất Mỹ. James D. Farley Jr., CEO Ford Motor, đã chuyển một chiếc từ Thượng Hải đến Chicago để lái thử trong 6 tháng và “không muốn rời xa nó”.

Xiaomi cũng thử nghiệm các phiên bản rút gọn của SU7 Ultra - dự kiến ra mắt tại Trung Quốc vào tháng 3 - tại đường đua huyền thoại Nürburgring của Đức. Hồi tháng 10/2024, chiếc xe lập kỷ lục "sedan bốn cửa nhanh nhất", khiến giới truyền thông và người hâm mộ xe hơi phấn khích khi SU7 vượt qua Porsche Taycan với thời gian nhanh hơn 20 giây.

Tuy nhiên, ban quản lý đường đua lưu ý không thể so sánh trực tiếp, vì xe Trung Quốc là phiên bản thử nghiệm thi đấu trong hạng mục không có nhiều quy định ràng buộc, trong khi Taycan là mẫu xe thương mại hoàn chỉnh tuân thủ các tiêu chuẩn cụ thể. Dù vậy, thông điệp vẫn rất rõ ràng.

“Các hãng xe Đức phải đổi mới ít nhất ngang bằng, hoặc hơn, so với mức giá cao mà chúng ta đặt ra”, ông Bratzel nói. “Các hãng xe Trung Quốc giờ đây cũng đổi mới không kém, thậm chí còn sáng tạo hơn”.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/vi-sao-porsche-dan-bi-ghe-lanh-tai-trung-quoc-post1532493.html