Vì sao lương thấp nhưng công chức vẫn sống khỏe?

Tuần qua, sau những chuyến khảo sát về chính sách tiền lương ở nhiều Bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì hội thảo 'Cải cách chính sách tiền lương- kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam' nhằm lắng nghe ý kiến từ những chuyên gia để có giải phá căn cơ cho bài toán cải cách tiền lương chúng ta đã làm gần 2 thập kỷ qua.

Công chức cắp ô. Tranh biếm họa.

Thu nhập cao ngoài lương

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng dù đã qua 4 lần cải cách, và năm nào ngân sách cũng bỏ ra hàng chục ngàn tỷ đồng để nâng mức tối thiểu, nhưng tiền lương vẫn hầu như không có tác động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, thậm chí giảm sút. Bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn. Có một nghịch lý là lương công chức không đủ sống nhưng ai cũng muốn có một chân trong cơ quan nhà nước. Vậy vì sao công chức thích vào chỗ kiếm tiền không đủ sống như vậy?

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đặng Như Lợi cho biết, thu nhập ngoài tiền lương ngày một tăng cao, phức tạp, đa dạng. Một bộ phận cán bộ trở nên giàu có, không biết và không quan tâm nhiều đến tiền lương của mình. Công chức kêu lương thấp nhưng bụng thì to”. Nhiều người vào cơ quan nhà nước không phải để cống hiến sức lao động cho đất nước mà chỉ để thực hiện những nhiệm vụ rất “riêng tư”.

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa cảnh báo, chính sách tiền lương, thu nhập thấp sẽ dẫn đến cán bộ, công chức, viên chức phải tìm nguồn thu nhập khác để bổ sung. Tiền của tham ô tham nhũng có nguyên nhân từ đây, khi mà tiền lương công chức không phản ánh đúng giá trị sức lao động của họ - một loại lao động đặc biệt - lao động quyền lực. Do đó, các giá trị xã hội của công chức bị giảm sút, làm cho hiệu lực thực thi công vụ thấp, dễ bị tổn thương và là mảnh đất của tình trạng quan liêu, tham nhũng.

Thay đổi quan niệm

“Không thể coi lương là một khoản chi ngân sách gần giống như chi cho phúc lợi xã hội mà phải là công cụ hữu hiệu để điều hành vĩ mô, thúc đẩy phát triển, tạo động lực để cán bộ công chức (CBCC) tận tụy phục vụ quốc gia”, ông Trần Đình Thiên- viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói. Theo ông Thiên, chúng ta xem tiền lương là một khoản chi ngân sách, gần giống như chi cho phúc lợi xã hội, hưu trí, y tế, giáo dục... Quan điểm này làm nảy sinh tư tưởng bình quân, cào bằng, ổn định và tiết kiệm.

Thực tiễn ở nhiều quốc gia thì tiền lương được xem là một khoản đầu tư xã hội. Quan điểm này khiến quĩ lương linh hoạt, minh bạch, rạch ròi và giống như mọi khoản tiền đầu tư khác, nó được đổ vào những khu vực, dự án hay con người có thể sinh lời và hiệu quả nhất. Về nguyên tắc, chỉ có khoản tiền trả cho người làm công mới được xem là lương. Tức là chỉ có CBCC đang làm việc mới có lương của Nhà nước trả. Muốn biết CBCC có làm tốt phần việc hay không tất nhiên phải xác định vị trí việc làm. Thế nhưng hiện quĩ lương của chúng ta chia cho quá nhiều đối tượng: CBCC, hưu trí, chế độ đối với thương binh liệt sĩ; hệ thống chính trị: Đảng, đoàn thể, một số hội nghề nghiệp...

Lương chỉ trả cho người làm công. Ai làm tốt thì lương cao, làm không tốt thì lương thấp, không làm thì không có. Như vậy đồng lương nhà nước chỉ bỏ ra khi Nhà nước có thể nhận lại một sản phẩm có giá trị tương ứng hoặc hơn giá trị của đồng lương ấy. Nhà nước khi không đảm bảo được đời sống của công chức thì cũng không thể ràng buộc họ được.

Thậm chí Nhà nước phải dần dần chấp nhận sự “không chung thủy” của mỗi CBCC. Ban đầu chỉ là “chân trong chân ngoài” như “Đầu đường đại tá bơm xe/ Cuối đường thiếu tá bán chè đỗ đen”. Hay cán bộ nghiên cứu đi tìm dự án bên ngoài. Thầy cô giáo mở lớp dạy thêm. Bác sĩ mở phòng mạch tư... Lâu dần đến nhũng nhiễu, ép tiền hối lộ như thanh tra xây dựng ép phong bì, công an giao thông ăn tiền mãi lộ...Còn khi trở thành quan chức thì góp phần đưa quốc gia lên danh sách tham nhũng hàng đầu thế giới...

Lương quá thấp và sự chấp nhận các kênh thu nhập phi chính thức chính là một căn cơ quan trọng khiến tình trạng công chức quá dễ dàng sa ngã vào tham nhũng, sách nhiễu, quan liêu, cửa quyền, suy đồi đạo đức. Lúc này Nhà nước không thể kiểm soát được thu nhập của CBCC.

Điều cần làm lúc này đây là nhanh chóng cải cách tiền lương trả đúng sức lao động. Khi đã có một phương pháp định dạng được mức lương theo công việc thì cắt bỏ tối đa các khoản thu nhập ngoài lương của CBCC như xe công, điện thoại, phụ cấp... Nếu trách nhiệm đó xứng đáng khoản thu nhập đó thì hãy qui ra lương. Rõ ràng và minh bạch. Lúc đó các phương pháp tính mức lương tối thiểu, hay hệ số, thang bảng lương thật ra chỉ là vấn đề kỹ thuật.

Giải pháp đột phá

Theo ông Thang Văn Phúc- nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cần đặt cải cách cơ bản chế độ tiền lương công chức là một khâu đột phá của tiến trình cải cách hành chính thời kỳ 2011-2020, có bước đi phù hợp với yêu cầu cơ cấu lại bộ máy hành chính nhà nước và khả năng của nền kinh tế và sự tương quan giữa các nước trong khu vực. Để triển khai thực hiện thành công cuộc cải cách cơ bản chế độ tiền lương trong thời kỳ mới, theo tôi cần ưu tiên một số giải pháp chủ yếu như sau:

Bộ máy hành chính nhà nước phải được sắp xếp lại theo hướng gọn nhẹ, đa ngành, đa lĩnh vực. Xây dựng hệ thống công vụ chuyên nghiệp, từng bước hiện đại, tiến kịp trình độ của khu vực và thế giới, bảo đảm yêu cầu hội nhập quốc tế, làm cơ sở cho việc cải cách cơ bản tiền lương công chức. Phải thiết kế một cách khoa học chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức nhà nước gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả và gần dân, trên cơ sở nắm bắt xu thế phát triển của thời đại - thời đại phát triển dựa trên nền kinh tế tri thức.

Nền công vụ mới phải được xây dựng trên sự phát triển kinh tế tri thức và khoa học tổ chức nhà nước - khoa học hành chính. Phải mô tả rõ ràng nhiệm vụ của từng chức danh, vị trí việc làm trong bộ máy, từ người quản lý đến các chuyên viên; tạo cơ sở để đánh giá năng lực, trình độ và tiền lương của mỗi công chức trong bộ máy. Gắn trả lương cho công chức với đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan nhà nước.

Hai khâu quan trọng của tuyển chọn, bố trí nhân lực là chất lượng đầu vào công vụ và bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo - quản lý (người đứng đầu tổ chức) cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy trình tuyển chọn công khai, có sự cạnh tranh giữa các ứng viên; tiền lương và các chính sách kèm theo cũng phải được công khai, minh bạch, trả lương theo đúng mức độ cống hiến và vị trí lao động của họ. Những chuyên gia có trình độ cao cần được trả lương xứng đáng, tiền lương của họ có thể cao hơn lương của người quản lý đơn vị.

Nguyên Khánh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chung-toi-len-tieng/vi-sao-luong-thap-nhung-cong-chuc-van-song-khoe-tintuc389151