Vì sao 5 sư đoàn S-125 Pechora-2D của Ukraine hoàn toàn 'mất hút'?

Lực lượng đồ sộ với 5 sư đoàn S-125 Pechora-2D của Ukraine đã hoàn toàn mất hút kể từ khi chiến sự với Nga nổ ra, nguyên nhân do đâu?

Trong vài năm qua, ngoài việc tích cực tái biên chế những hệ thống tên lửa di động như Buk-M1, S-300PS/V1M… thì Ukraine còn đặt niềm tin vào 5 sư đoàn S-125 Pechora-2D

S-125 Pechora (đây là tên xuất khẩu, bản nội địa tên gọi Neva) là một hệ thống phòng không tầm ngắn được đưa vào hoạt động từ năm 1961. Các biến thể đầu tiên có khả năng bắn trúng một mục tiêu đang bay với tốc độ lên tới 560 m/s bằng hai tên lửa.

Sau khi Neva được hiện đại hóa nhiều lần, hơn 400 tổ hợp dưới tên Pechora đã được Liên Xô xuất khẩu sang nhiều quốc gia đồng minh. Mặc dù có tuổi đời cao nhưng đây là một hệ thống phòng không khá hiệu quả.

Phiên bản Pechora-2M của Nga thậm chí có thể sử dụng để chống lại tên lửa hành trình. Năm 2001, Ba Lan đã sửa đổi Neva SC của riêng mình. Mười năm trước, Pechora-2D mà chúng ta đang nói đến đã được thử nghiệm ở Ukraine.

Sau khi hiện đại hóa, các đặc tính kỹ chiến thuật của vũ khí đã được cải thiện đáng kể. Năm 2018, tại thao trường ở vùng Kherson đã diễn ra cuộc bắn thử tên lửa 5V27D-M1 nâng cấp của tổ hợp.

Lực lượng phòng không Ukraine đã nhận tới 5 sư đoàn S-125 Pechora-2D, trong đó họ triển khai bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạ tầng của Dnipro HPP.

Bên cạnh đó, Ukraine còn dự định cho ra mắt phiên bản tự hành hóa của Pechora-2D, tuy nhiên vì nhiều lý do mà tham vọng trên chưa được triển khai và tên lửa vẫn phải sử dụng bệ phóng cố định.

Mặc dù tính năng kỹ chiến thuật thua kém đáng kể Buk-M1 hay S-300PS, nhưng Pechora-2D được nhiều chuyên gia quân sự trong và ngoài Ukraine nhận xét nó vẫn đủ sức hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cần nhấn mạnh, S-125 đã đe dọa tiêm kích F-16I Sufa của Không quân Israel, bắn hạ máy bay ném bom tàng hình F-117A Night Hawk ở Nam Tư, cũng như UAV MQ-1 Predator và tên lửa hành trình tại Syria.

Pechora-2D của Ukraine có khả năng hoạt động ở cự ly xa tới 40 km, và chỉ số này có thể được tăng thêm thông qua việc sử dụng các thiết bị điện tử nhập khẩu hiện đại. Nói cách khác, nó là một nền tảng đáng tin cậy và rẻ tiền, có thể được nâng cấp thêm.

Trong điều kiện của Ukraine, vũ khí trên được xem là một lựa chọn nhanh chóng và tiết kiệm để tăng cường khả năng phòng thủ khu vực Biển Azov và Biển Đen.

Phạm vi tác chiến của S-125 Pechora-2D Ukraine là Biển Đen và bờ biển Azov, đây cũng là khu vực mà Ukraine bố trí các khẩu đội tên lửa chống hạm Neptune, có khả năng bắn trúng mục tiêu ở Sevastopol và Novorossiysk.

Thực tế trên yêu cầu Ukraine phải đưa ra biện pháp bảo vệ các bệ phóng tên lửa chống hạm khỏi lực lượng hàng không vũ trụ Nga, bên cạnh đó còn tạo lập lớp phòng thủ từ xa cho những mục tiêu trên bộ và S-125 Pechora-2D là lựa chọn tối ưu.

Mặc dù vậy, khi chiến sự nổ ra, trước những đòn tấn công phủ đầu bằng vũ khí chính xác cao của Nga thì rất nhiều bệ phóng S-125 Pechora-2D của Ukraine đã bị phá hủy do thiếu khả năng cơ động.

Đây là điều không gây bất ngờ, bởi khi đối diện hỏa lực vượt trội của đối phương thì những vũ khí cồng kềnh, kém linh hoạt sẽ bị tiêu diệt từ trước, đó cũng là câu trả lời cho thắc mắc tại sao S-125 Pechora-2D của Ukraine lại hoàn toàn “mất tích”.

Việt Dũng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vi-sao-5-su-doan-s-125-pechora-2d-cua-ukraine-hoan-toan-mat-hut-post498330.antd