Về Sầm Sơn nghe chuyện kể bà tổ nghề dệt xăm súc

Sầm Sơn - vùng đất của huyền thoại. Nếu thần Độc Cước với quyền năng sức mạnh đặc biệt, tự xẻ đôi thân mình bảo vệ ngư dân trước loài quỷ dữ thì Bà Triều là vị nữ thần có công truyền dạy nghề dệt xăm súc giúp dân biển thoát cảnh đói nghèo.

Di tích lịch sử văn hóa đền thờ Bà Triều trên địa bàn phường Quảng Cư.

Theo truyền thuyết dân gian, thuở xa xưa Sầm Sơn vốn là vùng đất hoang vu nơi đầu sóng ngọn gió. Con người mưu sinh chỉ có thể dựa vào thiên nhiên. Vậy nhưng, sinh sống dựa vào biển cả chưa bao giờ là điều dễ dàng, bởi vậy cái nghèo, cái đói dường như cứ đeo bám dân biển. Lúc bấy giờ, làng nghèo bên bờ biển Gầm Sơn (Sầm Sơn) bỗng xuất hiện một bà lão ăn xin nghèo khó. Trước đấy, bà đi đến đâu cũng bị xa lánh bởi sự già nua, đói khổ của mình. Tuy nhiên, khi đến làng chài nghèo bên bờ sóng vỗ, bà lão ăn xin lại được một cô gái mồ côi có tấm lòng nhân hậu giúp đỡ, nhường cơm sẻ áo, đêm xuống cho ngủ nhờ trong túp lều tranh. Cảm động trước tấm lòng thương người của cô gái mồ côi, bà lão ăn xin đã ở lại để bà cháu cùng nhau nương tựa.

Sống cùng cô gái mồ côi, bà lão ăn xin dạy cô kéo sợi, đan lưới, dệt vải, dệt xăm súc (một loại ngư cụ) đem bán cho ngư dân. Điều kỳ lạ, những tấm lưới, xăm súc do bà lão ăn xin và cô gái mồ côi đan, dệt nên khi ra khơi đều bắt được rất nhiều tôm cá, sản phẩm làm ra đến đâu, bán hết đến đấy. Vì thế mà cuộc sống của hai bà cháu mỗi ngày thêm no đủ. Tiếng lành đồn xa, phụ nữ trong vùng rủ nhau đến nơi ở của cô gái mồ côi xin bà lão dạy cho nghề dệt xăm súc. Qua thời gian, những tấm lưới, xăm súc của người dân biển Sầm Sơn ngày càng nổi tiếng, được ngư dân khắp nơi tìm về hỏi mua. Vùng biển hoang vắng ngày nào đã trở nên nhộn nhịp, sầm uất. Và nghề dệt xăm súc đã từng ngày đổi thay làng chài nghèo bên bờ biển, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Tú - 72 tuổi, trú tại thôn Tiến Lợi, phường Quảng Cư (TP Sầm Sơn) tự hào: “Nhờ được Bà Triều truyền dạy nghề, ở Tiến Lợi nói riêng, cả vùng Triều nói chung từ xa xưa nghề đan dệt đã sớm nổi tiếng với nhiều sản phẩm: dệt vải, dệt xăm súc và đan lưới. Trong đó, khác với đan lưới, xăm súc cũng là ngư cụ dùng để đánh bắt nhưng lại được dệt từ tơ sợi, vải, đặc biệt bền chắc. Người đàn ông vươn khơi đánh bắt, phụ nữ ở nhà đan lưới, dệt vải, dệt xăm súc. Và đã là phụ nữ làng Triều, từ các bà, các mẹ, đến các cháu gái mới lớn, có ai không thạo nghề đan, dệt. Tuy nhiên, hiện nay do cuộc sống nhiều thay đổi, nghề đan lưới, dệt xăm súc ở các làng biển Sầm Sơn nói chung đang dần mai một. Vậy nhưng, lòng biết ơn, sự tôn kính của người dân dành cho Bà Triều thì không thay đổi”.

Người dân làng biển ở Sầm Sơn tin rằng, bà lão ăn xin chính là vị thần nhà trời vì thương dân biển nghèo khó đã giáng trần dạy dân làm ăn; cũng lại có ý kiến cho rằng, người dạy dân biển nghề canh cửi, đan lưới, dệt xăm xúc chính là công chúa con gái Vua Lý, vốn giỏi nghề tầm tang canh cửi. Trong một chuyến cùng vua cha ngao du cảnh đẹp đất nước, khi đến biển Sầm Sơn, nàng đã bị cảnh đẹp nơi đây hấp dẫn. Công chúa đã xin với vua cha ở lại vùng đất nghèo, dạy dân làm ăn. Được nhà vua chấp thuận, với tấm lòng nhân hậu, công chúa đã đem hết tài năng nghề cửi canh dạy cho dân nghèo, biến vùng đất nghèo trở nên sầm uất, no đủ và giàu có. Sau khi công chúa mất đã hiển thánh và được người dân suy tôn bà tổ nghề dệt xăm súc nổi tiếng.

Dù có những lưu truyền khác nhau, song cái “lõi” chung về truyền thuyết Bà Triều vẫn là hình ảnh người phụ nữ có công dạy cho dân biển nghề đan lưới, dệt xăm súc, được người dân suy tôn tổ nghề. Và người dân nơi đây gọi vị tổ nghề dệt xăm súc là Bà Triều. Lý giải cho tên gọi Bà Triều, người dân biển vẫn thường kể lại với cháu con: Khi nghề đan lưới, dệt xăm súc ở Sầm Sơn hình thành, phát triển mang đến cuộc sống no đủ cho người dân biển thì vào một ngày trời âm u, khi nước triều dâng, người ta thấy bà lão ăn xin năm xưa hóa thân mình vào trong sóng nước. Bà lão đến và đi đều vô cùng kỳ lạ. Kỳ lạ hơn, đến khi bà rời đi vẫn không ai biết tên người đã có công dạy nghề đan lưới, dệt xăm súc cho cư dân làng biển. Vì thế, người ta gọi Bà Triều, vừa để nhắc nhớ buổi triều dâng bà ra đi; nhưng còn bao hàm ý nghĩa, bà đã hóa thân vào không gian biển, mãi mãi bất tử để luôn dõi theo và phù trợ, giúp đỡ cho người dân. Tên bà được đặt cho cả vùng Triều Dương rộng lớn ven biển. Ngày nay là làng Triều (trong) và Triều (ngoài) gồm hai phường Trung Sơn, Quảng Cư.

Nhưng Bà Triều không đơn thuần là tổ nghề đan lưới, dệt xăm súc. Sâu sa hơn bà chính là người phụ nữ - vị nữ thần phi thường đã đặt nền móng, xây dựng cơ nghiệp, mang đến sự no đủ, giàu có cho những làng biển Sầm Sơn. Tuy nhiên, khác với nhiều vị thần trong hệ thống tín ngưỡng tâm linh của người Việt, Bà Triều “đời” hơn, “thực” hơn. Dù có những lưu truyền về nguồn gốc Bà Triều khác nhau, nhưng tựu chung ở đó vẫn là hình ảnh người phụ nữ Việt lam lũ, tảo tần, khéo léo và chịu thương, chịu khó. Nó giống với hình ảnh người mẹ, người bà trong tâm thức người dân Việt. Và phải chăng vì thế, Bà Triều dù là vị “Thượng đẳng thần” song không xa lạ mà vô cùng gần gũi, thân thuộc.

Tiến sĩ Hoàng Minh Tường trong bài viết “Bà Triều - Tổ nghề dệt xăm súc và các lớp văn hóa, tín ngưỡng hội tụ trong một Mẫu thần” nhìn nhận: “Bà Triều khởi đầu là hình ảnh gắn với xã hội nông nghiệp, trồng trọt và nghề thủ công gắn với sản phẩm tơ lụa, vải vóc. Tiến ra miền duyên hải, Bà Triều trở thành tổ nghề dệt đan xăm súc - ngư cụ đánh cá, bà trở thành vị thần biển với quyền năng làm cho biển lặng, sóng êm, bủa lưới quăng chài thuận lợi”.

Với tài năng, công đức, Bà Triều trở thành vị nữ thần bất tử trong tâm thức văn hóa người dân vùng biển. Dễ hiểu vì sao, hàng trăm năm qua ở nhiều làng biển, người dân đã lập dựng đền thờ bà hương khói tôn kính. Tín ngưỡng thờ Bà Triều phổ biến ở nhiều nơi. Chỉ riêng trên địa bàn phường Quảng Cư đã có 2 đền thờ bà tổ nghề dệt xăm súc (đền Bà Triều và đền Kỳ Phúc); ở phường Trung Sơn, Bà Triều là vị thần hoàng làng - “Hùng triều Thành tổ”. Lễ hội đền Bà Triều diễn ra hàng năm từ mùng 10 đến 14 tháng 2 (âm lịch) là lễ hội lớn của cả vùng, thu hút đông đảo người dân về dự hội. Ông Nguyễn Sỹ Thoa, công chức văn hóa - xã hội phường Quảng Cư, cho biết: “Với sự tôn kính mà người dân biển Sầm Sơn dành cho Bà Triều, đền thờ và lễ hội Bà Triều ngày nay không còn giới hạn trong một làng hay phường nhất định mà lan tỏa ra cả không gian vùng biển với ý nghĩa tâm linh sâu sắc”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/ve-sam-son-nghe-chuyen-ke-ba-to-nghe-det-xam-suc/160469.htm