Về nước phát triển sự nghiệp
Dù có cơ hội việc làm tốt ở nước ngoài nhưng nhiều người trẻ vẫn lựa chọn trở về Việt Nam cống hiến và phát triển sự nghiệp
Tháng 1-2023, anh Nguyễn Võ Minh Khoa (31 tuổi) quyết định từ CHLB Đức về Việt Nam, dù đang làm giảng viên marketing tự do và điều hành một công ty cùng lĩnh vực do anh sáng lập.
Chủ động thích ứng
Lý do anh Khoa về nước bắt nguồn khi cùng một đồng hương ở Đức nhận thấy những bất cập của thị trường du học nghề. Có nhiều học viên sang Đức có dấu hiệu bị lừa và kêu cứu. Từ đây, ý tưởng về một đơn vị tư vấn giáo dục sang Đức được xây dựng bài bản mang tên Clevermann bắt đầu hình thành.
Quyết định trở về nước được anh Khoa lên kế hoạch và ngay sau đó, việc thuê văn phòng tại Việt Nam đã hoàn tất. Tháng 3-2023, công ty đi vào hoạt động nhưng phải hơn 1 tháng sau, anh mới có mặt tại Việt Nam và chính thức khởi đầu hành trình mới. Trái với tâm trạng lo lắng của gia đình, anh cảm thấy tự tin và hạnh phúc với việc mình làm.
Học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, rào cản lớn nhất khi trở về với anh là thích nghi lại văn hóa. Không thể áp dụng một cách rập khuôn mô hình quản trị từ Đức, trong vai trò giám đốc điều hành, anh luôn tìm cách thay đổi để phù hợp với nhân sự và thị trường trong nước. Thời gian đầu, việc xây dựng đội ngũ gặp không ít khó khăn khi nhân sự vào rồi lại nghỉ. Xác định con người là yếu tố quan trọng, ngay từ buổi đầu phỏng vấn, anh đã trao đổi về khả năng phát triển với từng vị trí cho ứng viên. Bởi anh cho rằng dịp này là cơ hội để mời ứng viên về cùng làm việc với mình.
Sau 8 tháng vận hành, Clevermann bắt đầu gầy dựng được lòng tin cho khách hàng và đàm phán hợp tác thành công với một số đơn vị uy tín về đào tạo nghề ở Đức. Chương trình du học nghề Đức có mô hình 30% học lý thuyết, 70% thời gian thực tập tại các doanh nghiệp, có lương. Khởi điểm chỉ 2 nhân sự, hiện công ty đã có 20 thành viên. "Từng thử sức nhiều nghề trước khi quyết định trở về Việt Nam, tôi hiểu rõ giá trị của sự tập trung vào một công việc. Với tôi, lựa chọn và tìm thấy sự nghiệp để theo đuổi suốt đời là điều hạnh phúc" - anh Khoa nói.
Cởi bỏ áp lực
Chín năm học tập và làm việc tại Canada, lúc nào anh Lâm Ngọc Khánh (29 tuổi) cũng mong muốn về nước để tạo lập sự nghiệp. Tốt nghiệp Trường ĐH Simon Fraser (Canada), anh Khánh đầu quân cho một ngân hàng ở TP Vancouver với thu nhập khá cao. Năm 2020, anh được bình chọn là một trong những cố vấn tài chính xuất sắc nhất của ngân hàng.
Khi cơ hội sự nghiệp rộng mở thì anh quyết định về nước khởi nghiệp cùng người bạn thân. Tháng 1-2023, nền tảng ZenKlass (lĩnh vực công nghệ giáo dục) trình làng, sau nhiều tháng thử nghiệm. Ý tưởng này được nhen nhóm từ ký ức của 2 nhà sáng lập về thời học sinh từng yếu một vài môn nhưng nhờ gặp đúng thầy cô có phương pháp giảng dạy phù hợp nên kết quả cải thiện. Cả 2 nhận ra cơ hội được tiếp cận với giáo viên giỏi, dựa trên năng lực người học xây dựng lộ trình học tập riêng cho từng cá nhân sẽ là bước ngoặt với mỗi học sinh.
Theo anh Khánh, đa số người dạy gặp vấn đề trong quản lý lớp học đông, xử lý nhiều công việc hành chính tốn thời gian, vì thế khó đánh giá mức độ tiếp thu của từng người học. ZenKlass tích hợp công nghệ giúp giáo viên theo dõi được quá trình phát triển của mỗi học viên. Từ đó, biết được điểm mạnh, yếu của từng người và có sự điều chỉnh phù hợp.
Nền tảng còn sở hữu công cụ Zendoc cho phép người dùng đăng tải nhiều định dạng khác nhau, giúp bài giảng được hệ thống đồng nhất. Thay vì phải mở nhiều cửa sổ làm việc hoặc sử dụng cùng lúc các nền tảng thì giáo viên chỉ cần tích hợp trên một trang làm việc duy nhất, tăng sự tương tác của học sinh và nâng cao trải nghiệm học tập trực tuyến.
Thời gian đầu về nước khởi nghiệp, anh gặp nhiều áp lực từ người thân khi bỏ công việc tốt ở nước ngoài nhưng Khánh vẫn tin mình đang đi đúng hướng. Quả ngọt bắt đầu đến với cả nhóm khi ZenKlass được mời tham gia nhiều sự kiện lớn về khởi nghiệp tại Việt Nam và cả quốc tế. Số lượng người dùng cũng tăng lên và nhận được đánh giá tích cực từ khách hàng. "Không gì giúp tôi học và phát triển nhiều kỹ năng như làm start-up (khởi nghiệp). Tuyệt vời hơn khi hằng ngày tôi cảm thấy được cống hiến hết mình và tạo ra giá trị cho cộng đồng" - anh Khánh bày tỏ.
Nhân tài hồi hương gia tăng
Báo cáo nhân tài khởi nghiệp Đông Nam Á 2023 của nền tảng tuyển dụng Glints (Singapore) cho rằng ngày càng có nhiều kỹ sư được đào tạo tại Mỹ hồi hương. Những kỹ sư này đã trau dồi kỹ năng của họ ở những nơi như Thung lũng Silicon, biết cách phát triển hệ thống quy mô lớn và xây dựng công ty lấy sản phẩm làm cốt lõi. Xu hướng này cũng đang nổi lên ở Việt Nam và không chỉ giới hạn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/ve-nuoc-phat-trien-su-nghiep-20230904203030947.htm