Vay tiền online có hợp pháp không? Mức xử phạt tội cho vay lãi nặng

Vay tiền online hiểu đơn giản là hình thức vay tiền thông qua mạng internet hoặc các app vay tiền.

Căn cứ Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:

Hợp đồng vay tài sản: Là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Người vay tiền online sẽ thực hiện ký hợp đồng vay tài sản thông qua mạng internet/app vay tiền sau khi đã thỏa thuận về số tiền cho vay, lãi suất cho vay, kỳ hạn trả tiền... theo đúng quy định của pháp luật.

Hình thức vay tiền online là một hình thức hợp pháp. Tuy nhiên khi thực hiện vay tiền online, người vay cần tìm hiểu rõ thông tin phía bên cho vay, đặc biệt là khi vay tiền onlie thông qua các app vay tiền.

Về việc xử phạt tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi điểm i khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017) thì mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội cho vay nặng lãi như sau:

Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Anh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vay-tien-online-co-hop-phap-khong-muc-xu-phat-toi-cho-vay-lai-nang-10276543.html