'Văn hóa soi đường cho quốc dân đi'

Từ nhận thức sâu sắc về một trong những đặc điểm ưu việt của chủ nghĩa xã hội là tính nhân văn, trong sự nghiệp của mình, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Và đó cũng là cơ sở lý luận - thực tiễn quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Từ nhận thức sâu sắc về một trong những đặc điểm ưu việt của chủ nghĩa xã hội là tính nhân văn, trong sự nghiệp của mình, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh vấn đề xây dựng văn hóa, xây dựng con người. Và đó cũng là cơ sở lý luận - thực tiễn quan trọng để Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Lịch sử ra đời và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, có một sự kiện nổi bật được nhiều nhà nghiên cứu chú ý là từ khi chưa giành được chính quyền, Đảng đã xây dựng Đề cương văn hóa (năm 1943) - văn bản không chỉ thể hiện quan điểm, mà có vai trò cương lĩnh, định hướng phát triển văn hóa. Ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, Hồ Chí Minh xác định sáu nhiệm vụ cấp bách mà chính quyền cách mạng non trẻ phải giải quyết, trong đó nhấn mạnh: “Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập. Tôi đề nghị mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH”. Tiếp đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tổ chức tháng 11-1946, Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và luận điểm này đã trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để hiện thực hóa vai trò “soi đường cho quốc dân đi” của văn hóa, Hồ Chí Minh xác định cần phải cụ thể hóa qua hai vấn đề thiết yếu là xây dựng văn hóa và xây dựng con người trong quá trình thực hiện năm quan điểm lớn là: “1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập, tự cường. 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”. Năm quan điểm lớn này cho thấy Hồ Chí Minh đã xác định cụ thể hai mục tiêu, hai phương diện phát triển mà đất nước phải hướng tới là: Xây dựng nền văn hóa mà ở đó, mọi giá trị và hoạt động đều hướng đến lợi ích lành mạnh của nhân dân, mọi người được hưởng các quyền chính đáng, nền kinh tế có thể đáp ứng nhu cầu của toàn dân; xây dựng con người văn hóa có tinh thần độc lập, ý thức tự cường, có đạo đức. Hai mục tiêu, hai phương diện phát triển này được Người xem xét trong quan hệ biện chứng: Con người vừa là chủ thể của xã hội vừa là sản phẩm của xã hội; xã hội vừa được xây dựng bởi con người, vừa là nền tảng để xây dựng con người. Từ đó suy ra: Chỉ con người có văn hóa mới có thể xây dựng xã hội có văn hóa, đồng thời chỉ xã hội có văn hóa mới tạo điều kiện để con người văn hóa ra đời, phát triển. Và năm 1960, Hồ Chí Minh đề cập vấn đề này cụ thể hơn qua mệnh đề: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”.

Như vậy, xây dựng văn hóa phải bắt đầu từ việc xây dựng chiến lược cụ thể, toàn diện để xây dựng con người, và Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, và khái niệm “trồng người” do Người đưa ra trở nên phổ biến, phổ cập trong ý thức toàn xã hội. Đối với Hồ Chí Minh, “trồng người” là đào tạo nên các thế hệ công dân phát triển toàn diện, đó không chỉ là trách nhiệm cá nhân, mà xã hội cũng phải tham gia “trồng người”, mà nổi lên là vai trò của nhà trường, gia đình, và trách nhiệm nêu gương, sự dìu dắt của thế hệ đi trước. Từ việc nhấn mạnh các mối quan hệ xã hội tất yếu của con người, Người còn khẳng định trách nhiệm xã hội cũng là vấn đề tất yếu, vì: “Chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. Rộng hơn nữa là cả loài người”.

Trong giai đoạn mới của sự nghiệp cách mạng, Đảng ta tiếp tục tiếp thu quan điểm về văn hóa, con người của Hồ Chí Minh, đồng thời sáng tạo, bổ sung một số tiêu chí mới phù hợp yêu cầu phát triển và đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Đó là “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, “Gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng và phát triển đất nước”. Đây là tiền đề lý luận, thực tiễn để Đảng ta khẳng định, xây dựng con người là một trong những nhiệm vụ trung tâm của nhiệm kỳ Đại hội XII, trong đó nhấn mạnh: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc”.

Hiện nay, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Từ bối cảnh kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, trước tình trạng văn hóa, con người Việt Nam đang nảy sinh một số hiện tượng phản văn hóa, chúng ta cần phải củng cố, phát triển môi trường văn hóa lành mạnh theo cả chiều rộng và chiều sâu để mỗi người phát triển toàn diện, có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Bên cạnh đó, cần tiếp tục khích lệ toàn dân nỗ lực tiếp thu, thực hành các giá trị văn hóa tiên tiến, loại trừ các hiện tượng phản văn hóa; từ đó huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, sáng tạo giá trị văn hóa mới. Vì thế phải hiện thực hóa vấn đề đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt quan điểm của Hồ Chí Minh về tư cách người cách mạng: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật. Đối với người phải: Với từng người thì khoan thứ. Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay xem xét người. Làm việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”.

HÀ NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/40228202-%E2%80%9Cvan-hoa-soi-duong-cho-quoc-dan-di%E2%80%9D.html