Vẫn còn nhiều rào cản đối với tín dụng xanh

Tính đến cuối tháng 3/2025, mới chỉ có 58 TCTD phát sinh dư nợ tín dụng xanh, với tổng dư nợ đạt khoảng 704.200 tỷ đồng, chiếm 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong khi đó, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh trong 5 năm qua chỉ đạt 1,16 tỷ USD, con số này còn cách rất xa so với nhu cầu vốn, ước tính khoảng 20 tỷ USD mỗi năm để phục vụ mục tiêu chuyển đổi xanh.

Khó khăn trong xác định dự án “xanh”

TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, mặc dù tín dụng xanh tại Việt Nam đã ghi nhận những kết quả bước đầu tích cực, song quy mô hiện tại vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu thực tế của nền kinh tế. Theo ông Hùng, rào cản lớn nhất hiện nay là khung pháp lý và chính sách hỗ trợ tín dụng xanh còn đang trong quá trình hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ và chưa có hướng dẫn cụ thể cho các TCTD khi triển khai.

Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, một trong những vướng mắc điển hình hiện nay là các TCTD gặp khó khăn trong việc xác định dự án có thuộc danh mục “xanh” hay không. Dù Quyết định 21/2025/QĐ-TTg về tiêu chí môi trường và việc xác nhận dự án đầu tư thuộc danh mục phân loại xanh đã quy định hai kênh xác nhận danh mục xanh là từ cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức độc lập. Nhưng trên thực tế, việc lồng ghép nội dung xác nhận xanh vẫn chưa được thể hiện rõ trong các hồ sơ pháp lý như báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường hay đăng ký môi trường. Việc thiếu hướng dẫn cụ thể về nội dung này đang khiến các TCTD lúng túng khi thẩm định hồ sơ, đặc biệt là trong áp dụng cơ chế ưu đãi đối với tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh.

Chia sẻ từ thực tiễn triển khai, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, Phó Trưởng ban Chỉ đạo ESG của Agribank cho rằng, bộ tiêu chí và danh mục dự án xanh được ban hành là bước tiến tích cực, giúp các TCTD có căn cứ bước đầu để phân loại và sàng lọc. Tuy nhiên, để triển khai thực chất và đồng bộ, vẫn rất cần các văn bản hướng dẫn chi tiết từ các cơ quan quản lý.

Đại diện Agribank cho biết, hiện vẫn còn tình trạng thiếu thống nhất trong việc phân loại và thống kê các dự án thuộc lĩnh vực xanh, trong khi các tiêu chí định lượng cụ thể chưa được ban hành. Điều này gây khó khăn cho các chi nhánh của ngân hàng trong quá trình lập báo cáo và thực hiện thống kê nội bộ. Đáng chú ý, Dự thảo Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) chủ trì xây dựng đến nay vẫn chưa được ban hành chính thức.

Không chỉ gặp khó về chính sách trong nước, các TCTD còn vấp phải rào cản trong việc tiếp cận nguồn vốn quốc tế. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, dù dòng vốn xanh từ quốc tế đang tăng, nhưng lãi suất đi kèm lại chưa đủ hấp dẫn so với huy động vốn trong nước, trong khi điều kiện, tiêu chí cho vay lại khắt khe và yêu cầu tuân thủ cao. Đặc biệt, Việt Nam không còn được xếp vào nhóm quốc gia có thu nhập thấp nên cũng không còn được hưởng ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tài chính quốc tế. Đây là yếu tố khiến nhiều TCTD khó tiếp cận vốn vay hoặc vốn ủy thác quốc tế với chi phí hợp lý.

Do nguồn vốn huy động của các ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn nên việc cho vay các dự án trung và dài hạn, đặc biệt là tín dụng xanh, vẫn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ thẩm định tại các ngân hàng nhìn chung còn thiếu kinh nghiệm chuyên sâu về môi trường và phát triển bền vững, ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá các dự án xanh.

Là người trực tiếp tham gia vào dự thảo Quyết định số 21, ông Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách nông nghiệp và môi trường thừa nhận danh mục phân loại xanh hiện đang quá ít so với thực tiễn. Song vì mới và để đảm bảo an toàn trong quá trình thực hiện, Ban soạn thảo mới chỉ chọn những tiêu chí rất xanh để đưa vào danh mục. Trong quá trình thực hiện, danh mục này sẽ tiếp tục được cập nhật, bổ sung, đặc biệt là những dự án đạt mục tiêu lợi ích môi trường thì sẽ sớm được xem xét bổ sung vào danh mục phân loại xanh.

Cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong phát triển tín dụng xanh

Cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong phát triển tín dụng xanh

Nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý

Trước những rào cản nêu trên, nhiều TCTD đã đề xuất các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ vướng mắc và tạo động lực phát triển tín dụng xanh. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện khung pháp lý, đặc biệt là hướng dẫn cụ thể thực hiện Quyết định 21/2025/QĐ-TTg và xây dựng bộ tiêu chí thống nhất phân loại dự án xanh cũng như cơ chế quản lý rủi ro môi trường - xã hội.

Ông Văn Công Bình, Giám đốc Môi trường và Xã hội, Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho rằng, cần sớm triển khai cơ chế bảo lãnh tín dụng xanh, đặc biệt cho các DNNVV; có cơ chế hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thực hiện dự án xanh, tương tự như chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực ưu tiên. Cơ quan quản lý nghiên cứu đưa ra các chỉ tiêu KPI tài chính xanh bắt buộc cho hệ thống ngân hàng; xem xét ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các ngân hàng đối với khoản thu nhập từ hoạt động tài trợ dự án xanh. “Bên cạnh đó, nên có cơ quan đánh giá, xác nhận tiêu chuẩn dự án xanh độc lập; có cơ chế khuyến khích phát hành trái phiếu xanh, đơn giản hóa quy trình phát hành, đồng thời ưu đãi thuế phí phát hành đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án đạt chuẩn xanh; xây dựng một chương trình chính sách tài chính xanh tổng thể có khen thưởng, giám sát và chế tài thực thi, giúp các mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia được thực hiện đồng bộ, minh bạch và hiệu quả hơn”, ông Bình đề xuất thêm.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho rằng, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành. Cụ thể, xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh về thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển… của từng ngành, lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh. Đồng thời, cần phát triển thị trường trái phiếu xanh, thị trường tín chỉ carbon trong nước nhằm tạo kênh huy động vốn cho các chủ đầu tư có thêm nguồn lực triển khai các dự án xanh…

Hồng Sơn

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/van-con-nhieu-rao-can-doi-voi-tin-dung-xanh-167492.html