Văn Chấn kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện Văn Chấn xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo như: Tổ chức Giê sùa, tổ chức Ân điển cứu rỗi, Pháp luân công…. Khi được phát hiện, huyện đã chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và những hoạt động tôn giáo trái quy định của pháp luật.

Đoàn công tác của tỉnh, huyện nắm bắt tình hình đời sống giáo dân, giáo họ ở xã Đại Lịch.

Đoàn công tác của tỉnh, huyện nắm bắt tình hình đời sống giáo dân, giáo họ ở xã Đại Lịch.

Huyện Văn Chấn hiện có 3 tôn giáo được Nhà nước công nhận là: Công giáo, Phật giáo và Tin lành với gần 9.000 tín đồ, tập trung chủ yếu ở các xã: Cát Thịnh, Sùng Đô, Nậm Lành, Suối Bu, Nậm Búng, Nghĩa Tâm, Đại Lịch và thị trấn Nông trường Liên sơn…Cơ sở tín ngưỡng gồm 4 đình, 11 điện thờ tư gia, 5 nhà thờ giáo họ.

Trong thời gian qua, các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội trên địa bàn huyện đều chấp hành tốt Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, các quy định của pháp luật, quy ước của địa phương về nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội; hàng năm không có hiện tượng vi phạm pháp luật về mê tín dị đoan.

Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới, đạo lạ, tà đạo như: Tổ chức Giê sùa, tổ chức Ân điển cứu rỗi, Pháp luân công…. Khi được phát hiện, huyện đã chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và những hoạt động tôn giáo trái quy định của pháp luật.

Tại buổi làm việc của Đoàn kiểm tra, giám sát tỉnh do đồng chí Nguyễn Quốc Hưng, Phó Giám đốc Sở Nội vụ làm Trưởng đoàn với huyện Văn Chấn về thực hiện chính sách pháp luật, tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn, các ban, ngành của huyện Văn Chấn đã trao đổi về những khó khăn trong việc thực hiện hồ sơ, thủ tục khi xây dựng, nâng cấp các hạng mục của công trình cơ sở tôn giáo, những quy định về đất đai trong xây dựng công trình tôn giáo và hiện tượng nhà ở tư nhân biến tướng thành cơ sở tôn giáo bất hợp pháp làm ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước của địa phương.

Đoàn công tác của tỉnh đã ghi nhận những kết quả mà huyện Văn Chấn đã thực hiện được trong thời gian qua đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn diễn ra bình thường, ổn định. Các cơ sở tín ngưỡng được công nhận tổ chức các hoạt động lễ hội đảm bảo an toàn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Hoạt động tôn giáo không xảy ra các vụ việc phức tạp ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.

Trong thời gian tới, Đoàn công tác của tỉnh yêu cầu huyện Văn Chấn tiếp tục tập trung quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 18 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới; Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới; Chỉ thị số 29 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh với các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh; quan tâm xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh toàn diện, đặc biệt là ở các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo.

Trước đó, đoàn đã đến kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động, đời sống tín ngưỡng tôn giáo của giáo dân trên địa bàn xã Đại Lịch và Chấn Thịnh.

Văn Tuấn

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/13/324413/van-chan-kien-quyet-dau-tranh-voi-nhung-hanh-vi-loi-dung-ton-giao.aspx