Vai trò của Hội Nông dân trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc các bộ, ngành, UBND các cấp phối hợp với các cấp Hội Nông dân (HND) Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân”, thời gian qua, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân kịp thời, hiệu quả, đúng pháp luật, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên nông dân.
HND tỉnh đã chủ động xây dựng nội dung, tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các sở, ngành có liên quan, chỉ đạo các đơn vị ngành dọc từ huyện tới cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả. Các cấp Hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân; thường xuyên nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, những đề xuất, kiến nghị của nông dân để kịp thời có biện pháp giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, nông dân theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, HND các cấp triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ nông dân, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên nông dân tham gia sinh hoạt, qua đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, góp phần làm giảm các vụ khiếu kiện, tranh chấp trong nội bộ nông dân.
Thực hiện nội dung phối hợp với UBND cùng cấp, HND tỉnh đã cử 1 đồng chí lãnh đạo Hội tham gia thành viên của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh; các cấp Hội trong tỉnh đã cử 1 cán bộ HND tỉnh, 10 cán bộ HND huyện và 209 cán bộ HND cơ sở tham gia với chính quyền và các ngành tiếp công dân định kỳ. Qua 10 năm đã tiếp 50.785 lượt công dân; tham gia giải quyết 2.520 vụ việc (trong đó đã giải quyết không còn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại tố cáo 2.351 vụ việc) chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, giá cả bồi thường, giải phóng mặt bằng, ô nhiễm môi trường, phát sinh ở những địa phương có nhiều dự án thu hồi đất của dân. Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh có tính chất phức tạp, kéo dài liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân thì HND các cấp phối hợp với các ngành liên quan cùng tham gia đối thoại trực tiếp với nông dân. Thông qua đối thoại đã giúp cho người dân hiểu hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước khi thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; từ đó tạo sự đồng thuận trong thu hồi đất để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, các cấp Hội phối hợp tham mưu tổ chức 1 cuộc đối thoại cấp tỉnh, 10 cuộc đối thoại ở cấp huyện, 267 cuộc đối thoại cấp xã giữa cấp ủy, chính quyền với cán bộ, hội viên, nông dân để truyền tải trực tiếp các tâm tư nguyện vọng, đề xuất của cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đến các cấp có thẩm quyền, từ đó giải đáp, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc và có cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn sản xuất, đời sống của người nông dân cũng như phát huy vai trò các cấp Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
HND tỉnh cũng đã tích cực, chủ động phối hợp cùng các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân. Trong 10 năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 255.750 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự; tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho trên 13 nghìn lượt hội viên nông dân. Nổi bật, hàng năm các cấp Hội phối hợp với ngành Tư pháp, Thanh tra tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền cho trên 5.000 lượt cán bộ, hội viên nông dân về một số nội dung: Luật Đất đai; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng; Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo... Phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động và tư vấn pháp luật cho hơn 1.000 lượt hội viên nông dân. Phối hợp với Hội Luật gia tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền về một số nội dung cơ bản của Luật Đất đai cho gần 1.000 cán bộ, hội viên nông dân. Phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội tổ chức 75 lớp truyền thông và đối thoại về chính sách BHXH, BHYT cho 5.450 lượt cán bộ, hội viên nông dân... HND các huyện, thành phố còn phối hợp với Phòng Tư pháp tham mưu cho UBND cấp huyện hướng dẫn, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng tủ sách pháp luật ở cơ sở. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên toàn tỉnh đã xây dựng tủ sách pháp luật.
Xác định công tác hòa giải tại cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm trong tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân, mỗi chi hội đã cử 1-2 đồng chí tham gia vào tổ hòa giải trên địa bàn cư trú; vận động những hội viên nông dân có uy tín, có kinh nghiệm hoặc những người có năng lực giải quyết các vấn đề tranh chấp để tham gia hòa giải đồng thời là thành viên của các tổ hòa giải. Các cấp Hội còn thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và người làm công tác hòa giải tại cơ sở. Trên cơ sở đó kịp thời phát hiện mâu thuẫn mới phát sinh, tâm lý của từng đối tượng để tham mưu, đề xuất hình thức hòa giải phù hợp; đồng thời kiên trì vận động, thuyết phục với nhiều phương pháp hòa giải linh hoạt. Đến nay, có 2.939 cán bộ Hội tham gia vào 2.035 tổ hòa giải trên toàn tỉnh. Các tổ hòa giải đã tích cực bám sát cơ sở, nắm tình hình và những mâu thuẫn phát sinh để kịp thời có biện pháp hòa giải hiệu quả ngay trong nội bộ. Kết quả trong các năm, các tổ hòa giải đã tiếp nhận, giải quyết 6.741 vụ việc tại cơ sở, trong đó hòa giải thành công 5.213 vụ việc, đạt tỷ lệ 77%. Thông qua hoạt động hòa giải đã giúp cho công dân, tổ chức tiết kiệm được kinh phí, hạn chế việc khiếu kiện vượt cấp. Qua đó, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, hội viên nông dân, góp phần ngăn chặn và hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hội xây dựng 9 mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”; chỉ đạo HND các huyện, thành phố tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình điểm; triển khai khảo sát, tuyên truyền, vận động nhân rộng mô hình. Đến nay, toàn tỉnh có 44 mô hình câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” với gần 2.500 thành viên tham gia, tạo điều kiện thuận lợi để HND triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của hội viên; thực hiện tốt chức năng tham gia giám sát và phản biện xã hội. HND các cấp còn phối hợp với ngành Công an tiếp tục duy trì hiệu quả hoạt động của 177 mô hình tự quản về an ninh trật tự. Phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh xây dựng mô hình điểm về “Nông dân tự quản về an ninh trật tự và tham gia giữ gìn bình yên tuyến biển” tại xã Phúc Thắng (Nghĩa Hưng), Giao Xuân (Giao Thủy), thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)...
Qua 10 năm thực hiện Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỷ lệ hòa giải thành công các vụ việc cao, không xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nông dân được đảm bảo; nhiều vấn đề cán bộ, hội viên nông dân quan tâm được các cấp, các ngành giải quyết thỏa đáng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của tỉnh.