Vải thiều Lục Ngạn bắt đầu được chuyên gia Nhật Bản kiểm tra
Hôm nay (17/6) các chuyên gia Nhật Bản hết thời gian cách ly và sẽ đi kiểm tra những lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất sang Nhật Bản.
Sau 14 ngày cách ly, các chuyên gia Nhật Bản sẽ được kiểm tra y tế trước khi ra khỏi khu cách ly và đi kiểm tra những lô vải thiều tươi của Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản. Các chuyên gia sẽ trực tiếp kiểm tra xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép xuất sang Nhật Bản.
Nếu các lô vải thiều đạt tiêu chuẩn, sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ bảo quản và nâng cao chất lượng quả vải Lục Ngạn bằng màng bao gói khí quyển biến đổi MAP, công nghệ Juran (Israel) công nghệ CAS của Nhật Bản đảm bảo cho sản phẩm vải thiều giữ nguyên được cấu trúc, hương vị, màu sắc và dinh dưỡng, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản.
Theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản Nhật Bản (MAFF), vải thiều được xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản. 19 mã số vùng trồng được Cục Bảo vệ thực vật lựa chọn và đã được phía Nhật Bản chấp thuận.
Kế hoạch ban đầu, phía Nhật Bản dự kiến sẽ cử chuyên gia sang Việt Nam vào giữa tháng 4/2020 để kiểm tra các cơ sở xử lý và trực tiếp giám sát việc kiểm dịch cũng như xử lý từng lô vải xuất khẩu. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên việc này đã bị chậm lại tới đầu tháng 6 chuyên gia Nhật Bản mới sang Việt Nam./.