'Vắc xin' nào cho doanh nghiệp trong mùa dịch?
Khoảng hai năm sau khi xuất hiện, hoành hành dữ dội ở hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, 'cơn bão' COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm dù 'tâm bão' có dịch chuyển khi thì vùng này, lúc ở nước khác.

Đóng gói trà thành phẩm tại nhà máy Cozy Phú Thọ (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ) góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh đi đôi với đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
(baophutho.vn) - Khoảng hai năm sau khi xuất hiện, hoành hành dữ dội ở hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ, “cơn bão” COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm dù “tâm bão” có dịch chuyển khi thì vùng này, lúc ở nước khác. Tất cả những địa bàn khi “cơn bão” đi qua đều để lại di chứng, thiệt hại nặng nề bởi nó lấy đi sức khỏe, tính mạng của hàng triệu con người, gây suy kiệt nền kinh tế, tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội và với Việt Nam cũng không ngoại lệ. Chỉ tính riêng làn sóng dịch thứ tư bùng phát đã đặt ra cho chúng ta nhiều thách thức khi sức khỏe, tính mạng của hàng ngàn người dân không còn bảo toàn vì dịch bệnh, hệ quả xấu mà COVID-19 gây cho nền kinh tế và đời sống, an sinh xã hội là những nỗi lo không lường hết được.
Dưới góc nhìn cận cảnh, do sự chi phối, tác động từ nhiều phía của dịch bệnh COVID-19, các loại hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, trong đó các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp dẫn đến “thể trạng” gầy gò, ốm yếu, thậm chí là suy kiệt, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu không có “vắc xin” hữu hiệu để tăng độ an toàn, tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phục hồi, đứng vững, lấy lại phong độ ổn định và tạo đà phát triển thì không chỉ sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, hiệu quả đóng góp vào nền kinh tế của đất nước bị hạn chế mà việc làm, đời sống của hàng vạn con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Vì vậy, cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác phòng, chống dịch, quan tâm chăm lo, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều quyết sách quan trọng, tạo cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả, giúp doanh nghiệp có thể trụ vững và phát triển trong mùa dịch. Mới đây nhất, ngày 9/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19. Đây có thể được xem như “vắc xin” đặc hữu, góp phần bảo vệ an toàn, tăng cường “sức khỏe” cho doanh nghiệp, mở thêm cơ hội thuận lợi, tạo “cú hích” cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với các điều kiện phòng, chống dịch.Theo tinh thần Nghị quyết của Chính phủ, tiếp tục kiên trì, quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19 bằng phương châm hành động “chống dịch như chống giặc”, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh, “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, “an toàn mới sản xuất, sản xuất thì phải an toàn”. Tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, ùn tắc trong lưu thông hàng hóa; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và người dân.Đi liền với phát huy tính chủ động, sáng tạo trong áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và an toàn phòng, chống dịch; mở rộng, bảo vệ chặt chẽ vùng an toàn dịch bệnh nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh là kiểm soát dịch bệnh, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực địa bàn sản xuất, kinh doanh, chế biến sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, cung ứng lao động. Từ Nghị quyết mở đường của Chính phủ, một số mục tiêu, chỉ tiêu đã được nêu lên nhằm phấn đấu đến hết năm 2021 lũy kế ít nhất khoảng một triệu lượt khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh; đại đa số các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh quay trở lại hoạt động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất, hỗ trợ giảm tiền điện, tiền nước, cước viễn thông, các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động...cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19...Điều đó đòi hỏi các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phải được triển khai đồng bộ như thực hiện quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với an toàn phòng, chống dịch; đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia...Để trả lời câu hỏi “vắc xin” nào cho doanh nghiệp trong mùa dịch? có lẽ cũng cần phải nói thêm rằng, ngoài “vắc xin” đặc hữu như Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ, việc xây dựng các kịch bản thích ứng linh hoạt với tình hình thực tiễn để đạt mục tiêu kép vừa tăng cường công tác phòng, chống dịch vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh như nới lỏng hạn chế đối với một số hoạt động, loại hình kinh doanh, từng bước mở cửa khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoặc tạm dừng, giãn, hoãn các cuộc thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp chưa cần thiết đã có trong kế hoạch năm 2021 và tổ chức thực hiện vào thời gian phù hợp sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, luôn lắng nghe để sẻ chia, kịp thời tháo gỡ khó khăn, có cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi... cũng tạo thêm những “liều vắc xin” quý, bổ sung “sức đề kháng” cho doanh nghiệp trong mùa dịch. Rõ ràng, với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chính sách hỗ trợ kịp thời như thế, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực, điểm tựa, sự động viên, khích lệ để phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, khát vọng và giá trị “Tâm - Tài - Trí - Tín” của đội ngũ doanh nhân tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, góp sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân cả nước chiến thắng dịch bệnh, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... như tinh thần Nghị quyết 105/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra.Tuy nhiên, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 mới đây, nhấn mạnh đến mục tiêu nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc nhở phải tránh hai khuynh hướng hoặc lơ là, mất cảnh giác khi mới đạt kết quả ban đầu trong công tác phòng, chống dịch và khi đã thực hiện giãn cách trong thời gian dài hoặc chủ quan, nóng vội, muốn mở lại ngay các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi chưa chuẩn bị tốt, chưa an toàn đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Từ sự lưu ý của Thủ tướng, có thể hiểu rằng, việc triển khai các biện pháp nới lỏng, khôi phục các hoạt động phải thực hiện theo phương châm mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát, liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, dựa trên tinh thần và tuân thủ nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.