Ưu tiên quỹ đất xây trường công lập
Câu chuyện thiếu trường lớp ở Hà Nội chưa bao giờ hết nóng đã và đang tạo áp lực cho ngành giáo dục Thủ Đô.
Khó về quỹ đất, xây nhà quên xây trường
Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết thành phố có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu em. Mỗi năm, trung bình Hà Nội tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi thành phố cần triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường.
Theo báo cáo mới nhất của UBND TP Hà Nội, thành phố còn thiếu 49 trường, tại 8 quận, gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai nếu xét theo quy định tối thiểu mỗi xã, phường, thị trấn có một trường mầm non, một tiểu học, một THCS; 30.000-50.000 dân có một trường THPT. Tuy nhiên, khó khăn, theo ông Cương, là các quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Đống Đa “không tìm đâu ra đất”. Đối với các khu đô thị, Hà Nội hiện có 55/174 dự án không có trường học trong quy hoạch. Chưa kể, nhiều đô thị có quy hoạch trường nhưng hơn một nửa chậm tiến độ, chưa xây dựng.
Được biết, trên địa bàn phường Hoàng Liệt quận Hoàng Mai, có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học nhưng hiện nay mới có 15 ô đất được đầu tư, 18 ô chưa được đầu tư xây dựng.
Tại dự án khu đô thị mới Cầu Bươu do Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) làm chủ đầu tư đã bàn giao công trình cho khách hàng từ năm 2011 nhưng đến nay 2 lô đất (1 lô đất tại xã Thanh Liệt, 1 lô đất tại xã Tân Triều) được quy hoạch làm trường học vẫn đang bỏ hoang, sử dụng sai mục đích như làm bãi đỗ xe, kho xưởng…
Tương tự, khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm) có các ô đất để xây dựng 2 nhà trẻ, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS nhưng đến nay vẫn chưa khởi động xây dựng dù dân cư đã về ở từ vài năm nay. Nhiều nơi khác như khu chức năng đô thị Ao Sào, khu nhà ở Vĩnh Hoàng, khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai); khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức)... trong quy hoạch có quỹ đất quy hoạch xây dựng nhà trẻ, trường học nhưng nhà đã bàn giao, trường học vẫn chưa thấy đâu. Kéo theo đó là những lớp học đông, sĩ số lên tới 50-60 em dù theo quy định chỉ 35-45 em. Học sinh đỗ lớp 10 vào THPT công lập của Hà Nội hơn 55% còn lại vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề… tạo áp lực lớn lên nhà trường, người dân và xã hội mỗi mùa tuyển sinh.
Giải pháp cấp thiết
Liên quan đến vấn đề này, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng thực trạng thiếu trường học tại khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị mới mọc lên đã diễn ra nhiều năm qua. Nguyên nhân là từ chủ đầu tư khi không quan tâm đến việc xây trường học như cam kết ban đầu. Bên cạnh đó, một số dự án khi điều chỉnh quy hoạch, quy mô dân số tăng lên gấp đôi nhưng diện tích đất không tăng thêm sẽ làm mất cân đối hoặc có những nơi khi điều chỉnh quy hoạch thì chuyển luôn cả trường học sang vị trí khác.
Một nguyên nhân gây chậm trễ thực hiện xây trường học đó là do quản lý, giám sát của các cấp chính quyền chưa chặt. GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra giải pháp để khắc phục tình trạng này đó là phải rà soát lại các khu đô thị, những nơi nào thiếu hoặc chưa xây trường học thì chủ đầu tư cần phải xây dựng bổ sung. Trong trường hợp chủ đầu tư không nghiêm túc thực hiện cần có chế tài xử lý dứt khoát, không khoan nhượng.
Liên quan đến vấn đề này, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02 dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025 bố trí 20.526 tỷ đồng đầu tư 648 dự án trường học. Giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến xây dựng mới 16 trường THPT và 7 trường liên cấp. Tiếp tục thực hiện phát triển hệ thống mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch chung của Thủ đô. Đặc biệt, quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường ĐH- CĐ ra khỏi khu vực nội đô sẽ được ưu tiên để xây trường học công lập.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/uu-tien-quy-dat-xay-truong-cong-lap-10267852.html