USD tăng vọt, giá vàng sẽ giảm tới đâu?

USD tăng lên mức cao 11 tháng so với các đồng tiền chủ chốt đã khiến giá vàng lao dốc mạnh bất chấp căng thẳng thương mại Mỹ- Trung leo thang.

Trong những phiên giao dịch đầu tuần này, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,84- 36,96 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,68- 36,78 triệu đồng/lượng.

Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.277USD/oz, giá vàng đã tăng lên 1.284USD/oz trong một số phiên đầu tuần, rồi giảm xuống tới mức 1.261USD/oz. Giá vàng giảm mạnh là do USD đã tăng vọt so với các đồng tiền chủ chốt. Theo đó, USD index đã tăng lên mức 95,07 điểm, mức cao nhất trong 11 tháng qua. Sở dĩ USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ liên tục tăng mạnh là do FED đã tăng lãi suất lần thứ 7 liên tiếp lên tới mức 2% trong cuộc họp vừa qua. Ngoài ra, kinh tế Mỹ tiếp tục phát đi những tín hiệu tích cực, trong đó đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống mức 3,8%, các chỉ số sản xuất công nghiệp và dịch vụ đều ổn định trên mức 50 điểm, lạm phát ở dưới mức 2%...

Ông Powell, Chủ tịch FED cho biết, thị trường lao động của Mỹ vẫn đang có dấu hiệu tích cực và cơ quan này sẽ tiếp tục tăng dần lãi suất để cân bằng mục tiêu việc làm và lạm phát trong nền kinh tế đang phát triển mạnh.

Giá vàng giảm còn do giá dầu thô Brent lao dốc mạnh xuống mức 72USD/thùng và giá dầu thô nhẹ ngọt giảm xuống mức 63USD/thùng trong những phiên giao dịch vừa qua do OPEC và một số quốc gia ngoài khối này có thể sẽ xem xét nâng sản lượng khai thác dầu trong cuộc họp ngày 22/6 để cân đối cung cầu hiện nay trên thị trường dầu mỏ toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay Iran, Iraq, Algeria, Venezuela đang phản đối việc tăng sản lượng dầu mỏ của OPEC.

Mặc dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, nhưng điều này gần như không tác động tích cực đến giá vàng như trước đây. Sở dĩ như vậy là do việc Tổng thống Trump liên tục dọa áp thuế quan với Trung Quốc chủ yếu nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ của nước này và loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi sản xuất toàn cầu, chứ không nhằm giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc như tuyên bố của Trump. Nếu Mỹ tiếp tục áp thuế đối với Trung Quốc, thì quốc gia này có thể sẽ không ngần ngại đáp trả lại. Điều tệ hại hơn là chính những người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi quyết định thuế quan của Trump vì phải mua hàng hóa với giá cao hơn. Điều này có nguy cơ làm giảm mức độ tín nhiệm của ông Trump tại Mỹ. Hơn nữa, Mỹ vẫn phải cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong việc đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc đang là quốc gia nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ Mỹ lớn nhất thế giới. Do đó, Mỹ có thể sẽ phải cân nhắc áp thuế bổ sung 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 nước khó xảy ra như cảnh báo của các chuyên gia.

Theo phân tích kỹ thuật, mặc dù giá vàng đã nằm trong vùng vượt bán, nhưng các chỉ số kỹ thuật vẫn đang rất kém tích cực, đặc biệt là các chỉ số ADX, Aroon, MACD, RSI, Stochastic,… Hơn nữa, giá vàng đã bị đẩy sâu xuống dưới kênh tăng giá trong ngắn hạn. Do đó, nhiều khả năng giá vàng vẫn tiếp tục sụt giảm, hướng về mức 1.234USD/oz (MA200). Trong khi đó, mức 1.291- 1.297USD/oz đang là mức kháng cự mạnh, kế tiếp là 1.308USD/oz.

Tại thị trường vàng Việt Nam, do giá vàng quốc tế giảm mạnh, nên giá vàng miếng SJC cũng đã lao dốc mạnh trong những phiên giao dịch vừa qua. Theo đó, giá vàng miếng SJC đã giảm từ mức 36,84- 36,96 triệu đồng/lượng xuống tới mức 36,68- 36,78 triệu đồng/lượng, giảm 160.000đ/lượng ở chiều mua vào và 180.000đ/lượng ở chiều bán ra.

Do giá vàng quốc tế giảm mạnh, trong khi mức độ giảm của giá vàng miếng SJC chậm hơn, nên khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng quốc tế đã tăng lên 1,74 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, khối lượng giao dịch vẫn ở mức thấp, với khối lượng giao dịch bán ra chiếm chủ đạo.

Ngọc Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/usd-tang-vot-gia-vang-se-giam-toi-dau-131307.html