Ứng Hòa: Chuyển mình mạnh mẽ sau hơn 12 năm thực hiện nông thôn mới

Sau 12 năm (từ 2011), thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), ngày 24/10/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1224/QĐ-TTg công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM năm 2022.

Xuất phát điểm thấp

Khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới, Ứng Hòa là huyện có xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn còn chưa đồng bộ và xuống cấp nhiều; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn.

Diện mạo nông thôn mới ở huyện Ứng Hòa ngày càng khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Minh An

Theo UBND huyện Ứng Hòa, thời điểm bắt đầu xây dựng NTM (năm 2011), 28/28 xã chưa có Đồ án quy hoạch xã NTM; chưa có Quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường; Quy hoạch phát triển nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ; Quy hoạch phát triển các khu dân cư. Vì vậy, UBND huyện, xã quản lý quy hoạch chủ yếu dựa trên Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội huyện Ứng Hòa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (2010); Quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (2007) và Kế hoạch sử dụng đất từng năm, 5 năm của Huyện đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Đường giao thông: có 142,49 km đường trục xã, liên xã với 66,05km được cứng hóa (đạt 46,35%); đường trục thôn, liên thôn có 166,73 km với 96,59 km được cứng hóa (đạt 57,93%); 443,39 km đường ngõ xóm với 229,03km được cứng hóa (đạt 51,65%); 504km đường trục chính nội đồng, đã cứng hóa 58,95km đạt 11,7%; các đường trục xã, liên xã chưa có hệ thống điện chiếu sáng; hệ thống công trình thủy lợi xuống cấp; Về trường học toàn huyện có 18/90 trường học 3 cấp (THCS, Tiểu học, Mầm non) đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 20%, trong đó có 1/30 trường mầm non (tỷ lệ 3,3%); 10/30 trường Tiểu học (tỷ lệ 33,3%) và 7/30 trường Trung học cơ sở (tỷ lệ 23,3%); 28/28 xã chưa có trung tâm văn hóa thể thao xã; 75/133 thôn, làng có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng, đạt 56,39%, tuy nhiên hầu hết đều trong tình trạng cũ, nhiều công trình xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra; 23 chợ cần phải được đầu tư cơ sở vật chất; Hệ thống thông tin truyền thông mới dừng ở hệ thống đài truyền thanh cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương; 68,7% nhà ở dân cư đạt chuẩn.

Trường Tiểu học Tảo Dương Văn được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Ảnh: Minh An

Đời sống của Nhân dân còn thấp, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn chỉ đạt 12,28 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 13,81%; Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất chuyên canh tập trung; các hình thức tổ chức sản xuất còn chưa đa dạng, sự liên kết giữa các tổ chức kinh tế như HTX, DN với nông dân còn hạn chế, cơ chế hợp tác còn nhiều vướng mắc, hiệu quả hợp tác chưa cao.

Tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo thấp, đạt 33,65%; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 49,9%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi đạt 28,3%; 59,9% thôn, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; 8,27% số hộ được sử dụng nước sạch; công tác vệ sinh, xây dựng cảnh quan môi trường ít được quan tâm. Trên địa bàn huyện tồn tại một số xã có tính chất trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

Thay đổi diện mạo

Theo phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, 12 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM đã làm thay đổi diện mạo nông thôn khang trang, sáng - xanh sạch - đẹp hơn nhiều lần so với trước đây; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Đường nối từ Tỉnh lộ 426 với đường trục phát triển phía Nam Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Minh An.

Đến nay, huyện đã có 28/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Ngày 24/10/2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1224/QĐ-TTg công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn nông thôn mới.

Để có được kết quả trên, huyện Ứng Hòa đã chỉ đạo đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện qua các nhiệm kỳ, trong đó xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong các nhiệm kỳ của các cấp ủy Đảng; ban hành các Chương trình, Kế hoạch xây dựng NTM theo nhiệm kỳ và giai đoạn. Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ huyện đã tổ chức phát động phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” theo từng giai đoạn. Chỉ đạo HĐND, UBND huyện, các phòng, ban, ngành, các địa phương xây dựng Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch, Đề án để thực hiện Chương trình về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM qua các thời kỳ.

Công nhân thi công, dẫn đường ống nước. Ảnh: Minh An.

Để chủ trương thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả như mong đợi, công tác chỉ đạo điều hành trong từng giai đoạn cũng được huyện điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Từ việc tổ chức, thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM các cấp đến việc xây dựng các mục tiêu cụ thể cũng được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù và tiềm năng của huyện.

Nhờ đó, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã thay đổi toàn diện. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân đầu người mới chỉ đạt 12,38 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2020 thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 51,97 triệu đồng, tăng 39,59 triệu đồng, năm 2022 đạt 61,527 triệu đồng/người. Chất lượng công tác y tế, văn hóa, giáo dục được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo. An ninh trật tự, an toàn xã hội nông thôn được giữ vững, công tác quân sự quốc phòng địa phương được tăng cường, ổn định.

Với những chủ trương, quyết sách đúng đắn, cách làm chủ động, phù hợp, hiệu quả, huyện đã có những bước chuyển biến rõ nét, kinh tế xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, cảnh quan nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong đó có nhiều mô hình là điểm sáng như: Mô hình tự quản “Khu dân cư an toàn sáng, xanh, sạch, đẹp”; Mô hình hiến đất mở đường xây dựng giao thông nông thôn…

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định: Trong thời gian tới, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, hoàn thiện những tiêu chí cơ bản đạt, huyện sẽ nỗ lực cố gắng phát huy nội lực và đề xuất với Thành phố quan tâm, hỗ trợ để đầu tư các hạ tầng như giao thông, công trình thủy lợi; trường đạt chuẩn quốc gia (đặc biệt là trường công nhận lại chuẩn), trạm y tế, thiết chế văn hóa (di tích).

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ung-hoa-chuyen-minh-manh-me-sau-hon-12-nam-thuc-hien-nong-thon-moi.html