Ứng dụng cơ giới hóa từ khâu xuống giống đến thu hoạch

Mô hình trồng mía theo hàng cho năng suất cao được áp dụng ở huyện Sơn Hòa. Ảnh: LÊ TRÂM

Mới đây trong hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, UBND tỉnh xác định, ngoài cây lúa thì mía, sắn vẫn là cây trồng chủ lực. Vì vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa từ khâu xuống giống đến thu hoạch để giảm công lao động, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm...

Tiết kiệm chi phí so với trồng thủ công

Đối với cây mía, tổng diện tích lên đến 25.450ha. Tuy nhiên trong sản xuất đường, chi phí mía nguyên liệu chiếm tỉ trọng từ 70-80% giá thành; vì vậy thời gian qua, ngành Nông nghiệp Phú Yên đã vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác. Theo đó, Sở NN-PTNT triển khai mô hình áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc và bón phân cho mía bằng các loại máy chuyên dùng triển khai tại huyện Tây Hòa, Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân.

Mô hình triển khai mía trồng hàng đôi, khoảng cách giữa 2 hàng từ 1,6-1,8m, khoảng cách hàng kép 30-40cm nên rất thuận tiện trong bón phân, chăm sóc. Việc trồng mía bằng máy tiết kiệm chi phí hơn so với trồng thủ công từ 1,2-2 triệu đồng/ha. Khâu làm cỏ, bón phân chi phí thấp hơn so với làm thủ công từ 2-2,5 triệu đồng/ha.

Ông Lê Văn Mích, nông dân ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) tham gia mô hình cho hay: Nhờ máy cày sâu, bừa kỹ nên đất đạt được độ xốp. Việc trồng bằng máy giúp rút ngắn thời gian, độ ẩm đất đồng đều trên toàn ruộng, mía mọc đều, hạn chế được sâu bệnh.

Còn ông Phạm Ngọc Huệ ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) tham gia mô hình cho rằng: Máy làm đất đa năng rất tiện lợi cho việc làm cỏ, rạch hàng bón phân cho mía, giảm chi phí thuê lao động từ 30-40%. Ngoài ra, máy làm đất đa năng còn sử dụng cày đất làm cỏ cho hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Chính quyền địa phương đã kết nối rất nhiều chương trình khuyến nông để hỗ trợ nông dân sản xuất. Các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ hay cơ giới hóa đang lan tỏa ra nhiều xã trên địa bàn huyện, cho năng suất mía bình quân 90 tấn/ha, cá biệt đến 120 tấn/ha.

Trồng sắn tưới phun nước

Tại xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) triển khai mô hình tưới cho cây sắn bằng biện pháp phun mưa trên diện tích 4ha. Với 4 bộ thiết bị tưới gắn với 23 péc phun, tưới 1 lần péc phun bao phủ 2.500m2 đất. Qua đó tưới cho 1ha, thời gian khoảng 4,5-6 giờ, mức tiêu hao nhiên liệu trung bình 1 lít dầu diesel/giờ, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước duy trì độ ẩm đất cho ruộng sắn khoảng 70-80%. Trung bình vụ tưới chi phí dầu, công lao động 1,5 triệu đồng. Cuối vụ, năng suất sắn của mô hình đạt 35 tấn/ha, ruộng trồng đại trà theo cách truyền thống chỉ đạt 25 tấn/ha, qua đó lợi nhuận mô hình đạt 15 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng trồng đại trà 8,5 triệu đồng/ha.

Mức độ cơ giới hóa cây trồng hàng năm, đối với sản xuất lúa, khâu làm đất đạt 98,3%, gieo trồng 12,9%, thu hoạch 91,7%, vận chuyển 73,8%. Đối với sản xuất mía, khâu làm đất, tỉ lệ sử dụng cơ giới hóa đạt 98,7%, tưới nước 15,5% và vận chuyển đạt 98,3%. Sản xuất sắn, khâu làm đất đạt 98,3% cơ giới hóa, tưới nước 16,6% và vận chuyển đạt 96,2%...

Ông Nguyễn Lại ở thôn Chí Thán (xã Đức Bình Đông) tham gia mô hình cho hay: Mô hình này sử dụng máy trồng hom đứng. Lâu nay nông dân trồng sắn hom nằm, khi sắn ra củ thì chỗ phần gốc hom đâm chia ra củ theo dạng bàn tay xòe. Còn trồng hom đứng thì củ ra đều xung quanh theo dạng hai bàn tay xòe nên năng suất cao.

Còn bà Lê Thị Ánh Thi ở thôn Tân Lập (xã Đức Bình Đông) tham gia mô hình chia sẻ: Trồng sắn sử dụng nước tưới khi thu hoạch thuận lợi, đất mềm nên 10 người trong một ngày nhổ 1ha sắn. Còn trồng sắn theo cách truyền thống khi thu hoạch gặp trời nắng thì phải dùng cuốc đào mới lấy được hết củ. Thu hoạch sắn trên đất khô cứng thì 20 người trong một ngày có khi đào không xong 1ha sắn.

Ông Nguyễn Khắc Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Yên cho biết: Mô hình tưới cho cây sắn được trung tâm triển khai lần đầu tiên tại xã Đức Bình Đông. Mô hình trồng sắn bằng máy áp dụng tưới nước vừa mang lại hiệu quả tiết kiệm chi phí lao động vừa cho năng suất, chất lượng cao so với trồng thủ công.

Theo TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, thời gian đến, ngành Nông nghiệp phấn đấu đạt 99% cơ giới hóa khâu làm đất. Đối với cây mía, tiếp tục nhân rộng mô hình trồng mía, bón phân, chăm sóc bằng cơ giới hóa đạt 3.000/25.000ha. Đối với cây sắn, xây dựng và nhân rộng mô hình áp dụng trồng sắn, bón phân, chăm sóc và thu hoạch bằng cơ giới hóa đạt 100/14.000ha.

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/225775/ung-dung-co-gioi-hoa-tu-khau-xuong-giong-den-thu-hoach.html