Ðưa hoạt động tiếp xúc, đối thoại ở cơ sở đi vào chiều sâu

Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã và đang tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại ở cơ sở. Thông qua đó, những vấn đề khó khăn, vướng mắc sớm được giải quyết. Tuy nhiên, hiệu quả cốt lõi của hoạt động này là nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chưa đạt yêu cầu.

Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã và đang tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại ở cơ sở. Thông qua đó, những vấn đề khó khăn, vướng mắc sớm được giải quyết. Tuy nhiên, hiệu quả cốt lõi của hoạt động này là nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chưa đạt yêu cầu.

Rút ngắn khoảng cách giữa chỉ đạo và thực tiễn

Nhà dân tại khu dân cư Tiến Thạnh, xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết (Bình Thuận) có nguy cơ bị sập do đất ở phía dưới bị mưa làm xói lở. Người dân đã phản ánh nhiều lần và bức xúc vì chưa nhận được sự quan tâm kịp thời. Ðến khi có cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền TP Phan Thiết với người dân xã Tiến Lợi và đồng chí Bí thư Thành ủy chỉ đạo UBND thành phố cùng các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết ngay, thì vấn đề nêu trên được khắc phục chỉ sau một tuần.

Phường Hưng Long, TP Phan Thiết tồn tại nhiều dự án "treo", có dự án kéo dài cả chục năm không triển khai, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của hơn 500 hộ dân. Cuối tháng 3-2017, tại cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với người dân trong phường, vấn đề này được tiếp thu. Sau đó, UBND thành phố kiến nghị lên cấp trên và UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi các dự án "treo" này vào tháng 9-2017. Từ đó, các hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất; được phép xây dựng, sửa chữa nhà hoặc mua, bán, chuyển nhượng…

Ðó là hai trong nhiều vấn đề đã được chính quyền sát sao sau đối thoại ở cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh tổ chức hơn 240 cuộc đối thoại ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã, trong đó phần lớn diễn ra ở cấp xã. Với tinh thần cầu thị, thẳng thắn, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền lắng nghe, tiếp thu ý kiến, đề xuất của người dân và đã có những chỉ đạo hiệu quả. Ðồng chí Nguyễn Thu Sơn, Bí thư Thành ủy Phan Thiết cho biết, từ năm 2017, định kỳ hằng quý, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố xuống phường, xã đối thoại trực tiếp với nhân dân.

Qua năm cuộc đối thoại đầu tiên, đã có 90 ý kiến về 60 vấn đề, vụ việc được Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố tiếp thu, chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tập trung giải quyết. Ðến nay, các đơn vị xử lý dứt điểm 41/60 vấn đề, vụ việc. Những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì thành phố có văn bản kiến nghị cấp trên. Nhiều địa phương trong tỉnh chủ động và có sự vận dụng sáng tạo như: huyện Hàm Tân tổ chức đối thoại định kỳ hằng tháng nhằm giải quyết sớm các vấn đề, tránh trở thành bức xúc.

Ở tỉnh Trà Vinh, việc thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo được coi là một phương thức quan trọng thể hiện dân chủ trực tiếp, góp phần khích lệ nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội và đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Ðồng chí Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Trên cơ sở Luật Tố cáo, chỉ thị của Bộ Chính trị, nghị định của Chính phủ và các văn bản có liên quan, tỉnh đã cụ thể hóa và ban hành 12 văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Từ tháng 2-2016, Thường trực Tỉnh ủy lập đường dây nóng để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh phản ánh, góp ý kiến về mọi lĩnh vực cũng như về thái độ giao tiếp, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh bảo đảm bí mật của người cung cấp thông tin.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Trà Vinh tổ chức những hội nghị đối thoại với người dân, đồng thời vận động người dân tích cực phản ánh hành vi tiêu cực, biểu hiện suy thoái qua hòm thư góp ý, tố giác tội phạm hoặc tới bộ phận tiếp nhận thông tin của UBND các cấp. Năm 2018, việc đối thoại với dân được chuyển giao về MTTQ huyện, thị xã, thành phố tổ chức. Ðồng chí Trần Văn Giang, Trưởng ban Dân vận huyện Châu Thành cho biết: Các đơn vị trên địa bàn đã tổ chức nhiều cuộc họp để cán bộ tự phê bình trước dân. Tại cuộc họp, các đồng chí Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã được nghe bà con nhân dân trực tiếp góp ý và chất vấn về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của chính quyền và từ đó có giải trình, giải thích để bà con hiểu... Việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, cơ quan nhà nước các cấp với nhân dân không chỉ diễn ra định kỳ mà còn được tổ chức đột xuất khi có những vấn đề người dân bức xúc, sự việc đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhưng chưa dứt điểm.

Tại cuộc đối thoại với người dân ở xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần (Trà Vinh), Sư cả chùa Ðại Trường góp ý, lãnh đạo địa phương chưa gần gũi với dân, đồng thời chỉ ra thái độ chưa đúng mực của một số cán bộ, công chức cấp xã khi giao tiếp với người dân. Nhà sư cũng đề nghị cần tăng cường công tác phát triển đảng viên là đồng bào Khmer. Ở xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè (Trà Vinh), người dân góp ý với lãnh đạo địa phương là trước khi đề ra phí vệ sinh và thực hiện thu phí, cần tổ chức họp dân để công bố rộng rãi, tạo sự đồng tình, thống nhất. Hay ở xã Song Lộc, huyện Châu Thành (Trà Vinh), người dân phản ánh cán bộ địa chính nói chuyện riêng điện thoại hơn bảy phút mới quay ra tiếp dân…

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền ở tỉnh Trà Vinh ngày càng mở rộng những nội dung công khai để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra như: người dân xã An Trường A, huyện Càng Long đề nghị UBND xã công bố những tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt để chủ động tham gia cùng chính quyền, đồng thời kiến nghị xã phải giải trình cụ thể việc xây dựng đường giao thông nông thôn vì sao chưa đáp ứng yêu cầu. Cử tri TP Trà Vinh nhiều lần chất vấn UBND thành phố vì sao Dự án thoát nước và xử lý nước thải trên địa bàn, giai đoạn 2014 - 2016 triển khai chậm, đến nay chưa hoàn thành. Kết quả chất vấn, không như chính quyền giải thích trước đó là do những nguyên nhân khách quan như phải bảo vệ bộ rễ của cây xanh, vướng công trình ngầm, do mưa, mà thực ra là vì năng lực nhà thầu yếu…

Nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại

Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường tiếp xúc, đối thoại, giải quyết nhanh, dứt điểm nhiều vấn đề khó khăn, bức xúc ở cơ sở là kết quả đáng ghi nhận ở các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phạm vi triển khai tiếp xúc, đối thoại còn hẹp, mức độ tiếp cận thực tiễn chưa thường xuyên và sâu sát cho nên vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bức xúc ở cơ sở, dẫn đến diễn biến phức tạp về tâm lý cũng như các mối quan hệ của người dân ở địa phương. Trong khi đó, một số chính quyền địa phương lại chưa làm tròn trách nhiệm hoặc không nắm bắt được tình hình để kịp thời xử lý, tránh tình huống xấu xảy ra.

Vụ việc gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã Phan Rí Thành, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) vào ngày 11-6-2018 cũng đã phần nào cho thấy điều ấy. Một bộ phận người dân đã bị kẻ xấu lợi dụng tình hình, lôi kéo, kích động gây rối, nhưng chính quyền địa phương thiếu chủ động cho nên không ngăn chặn được kịp thời. Tại hội nghị giao ban trực tuyến sáu tháng đầu năm của Chính phủ với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đã nhận định: "Vụ gây rối là bài học lớn cho Bình Thuận".

Ðại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác nắm bắt tâm trạng và dư luận xã hội chưa đạt hiệu quả như mong muốn, khả năng dự báo tình hình chưa cao, dẫn đến tình huống bị bất ngờ và lúng túng. Ở đây, bài học cần rút ra là, phải phát huy cao độ tính chủ động, bám sát cơ sở, hiểu rõ thực tiễn, địa bàn để nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội nhằm kịp thời phát hiện những vấn đề nảy sinh. Tăng cường hoạt động đối thoại giữa đại diện chính quyền với người dân, nhất là các địa bàn trọng điểm để tìm hiểu, chia sẻ khó khăn, giúp đỡ người dân nhằm tạo dựng niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ…

Ðối với tỉnh Trà Vinh, dù bám sát phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhằm phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhưng tình trạng cán bộ vi phạm kỷ luật vẫn xảy ra. Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghiêm túc nhìn nhận: Bên cạnh một số kết quả đạt được, việc phát huy vai trò của nhân dân trong phòng ngừa suy thoái chưa như mong muốn. Tình trạng cán bộ, đảng viên mắc vi phạm vẫn là vấn đề bức xúc ở Trà Vinh. Nguyên nhân là do việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số nơi còn thiếu đồng bộ. Có những địa phương chưa thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các vấn đề để nhân dân được biết, bàn bạc và kiểm tra, giám sát, nhất là công khai tài chính, dẫn đến vai trò giám sát cộng đồng chưa được phát huy. MTTQ và các đoàn thể nắm bắt tình hình và dư luận xã hội chưa kịp thời, chưa sát, cho nên giải pháp đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo giải quyết còn hạn chế…

Ðiển hình phải kể đến là vi phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh và các cá nhân liên quan đã được Ủy ban Kiểm tra T.Ư kiểm tra, kết luận, sau đó xem xét xử lý kỷ luật tại kỳ họp thứ 29. Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm rất nghiêm trọng trong thực hiện chính sách của Ðảng, Nhà nước về hỗ trợ người có công với cách mạng cải thiện nhà ở; quyết định miễn, giảm tiền sử dụng đất trái quy định trong thời gian dài. Những vi phạm nêu trên đã làm thất thu lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền thành phố, đến niềm tin của nhân dân.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã quyết định kỷ luật các cán bộ liên quan: cách chức Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020 đối với đồng chí Diệp Văn Thạnh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; cảnh cáo các đồng chí Trần Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố và Phạm Văn Tám, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh. Ðồng thời yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Thành ủy Trà Vinh các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020.

Theo đồng chí Ngô Chí Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, để ngăn ngừa hiệu quả việc cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện tốt các loại hình quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời những bức xúc, kiến nghị chính đáng của nhân dân. Tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, chú trọng hình thức đưa cấp ủy viên, đảng viên ra tự phê bình trước nhân dân. Tỉnh cũng sẽ tăng cường chỉ đạo việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc này; mở rộng phạm vi công khai kê khai tài sản để tăng kênh giám sát, kiểm tra tính trung thực. Trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư, sẽ tạo điều kiện cho nhân dân tham dự các cuộc tiếp xúc với đại biểu dân cử nhiều hơn, khuyến khích thẳng thắn góp ý kiến xây dựng Ðảng, chính quyền, chất vấn sâu các vấn đề, nhất là lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, quản lý đô thị...

Ðối thoại là cầu nối rất quan trọng, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy và điều hành của UBND các cấp sát đời sống, gần với dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ người dân. Nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, tăng cường hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo địa phương và người dân. Ðể tránh việc triển khai mang tính hình thức, các địa phương cần nghiên cứu phương pháp đối thoại cũng như các công việc liên quan sao cho thiết thực, hiệu quả, duy trì được nền nếp và đi vào chiều sâu, có tác dụng chuyển biến thực sự về tư duy và tác phong công tác, lãnh đạo của cán bộ. Với ý nghĩa ấy, thực tiễn ở Bình Thuận và Trà Vinh là bài học kinh nghiệm quý đối với các địa phương.

ĐÌNH CHÂU, ĐẶNG VĂN BƯỜNG và HẠNH NGUYÊN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38374702-%C3%B0ua-hoat-dong-tiep-xuc-doi-thoai-o-co-so-di-vao-chieu-sau.html