Tuyên ngôn Độc lập và tầm nhìn lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ để khẳng định về một nước Việt Nam độc lập, bình đẳng với các dân tộc khác, khát vọng tự cường và là bạn bè với các quốc gia khác.

Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh với tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, không gian và thời gian, để đến hôm nay Việt Nam hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Mỹ, để sẵn sàng bước sang mối quan hệ chiến lược cao hơn...

Trên Quảng trường Ba Đình lịch sử của Thủ đô Hà Nội, ngày 02/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xóa bỏ ách thống trị hơn 80 năm của thực dân và nền quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm, để thành lập nên chế độ cộng hòa - dân chủ. Đó là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử của dân tộc Việt Nam ta.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Ảnh tư liệu

1. Mở đầu bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn chân lý sáng ngời từ bản Tuyên ngôn Độc lập 1776 của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc... Suy rộng ra câu nói ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do, bình đẳng về quyền lợi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa, phát triển quyền con người và quyền dân tộc trong hai Tuyên ngôn nổi tiếng thế giới, nêu cao "chủ quyền nhân dân". Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền ra đời sau cuộc đại cách mạng tư sản Pháp; Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 ra đời từ sau cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ. Hai bản Tuyên ngôn là những lời khẳng định đầy sức thuyết phục về quyền con người, quyền dân tộc, về nguyên tắc "chủ quyền nhân dân" trong cuộc đấu tranh chống lại chế độ phong kiến chuyên chế, hướng con người vươn tới các giá trị dân chủ, giá trị nhân văn cao cả về tự do, bình đẳng, bác ái.

Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ, tác giả Thomas Jefferson khẳng định các nước thuộc địa phải có quyền là quốc gia tự do và độc lập từ việc xóa bỏ quyền thống trị của thực dân Anh.

Hai bản Tuyên ngôn đánh dấu son trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng con người, mang đậm giá trị nhân văn, là nền tảng để xây dựng các bản hiến pháp dân chủ tiến bộ của nước Pháp, nước Mỹ sau đó, nhấn mạnh "con người sinh ra có quyền tự do, bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh cùng thành viên OSS tại Tân Trào, tháng 8/1945. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn của một lãnh tụ đã rất sáng tạo trong khi viết Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam. Trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ, nguyên bản câu "tất cả mọi người" được hiểu là "tất cả đàn ông" (all men) - đặt trong bối cảnh nước Mỹ những năm cuối thế kỷ XVIII khi chế độ nô lệ còn tồn tại, sự phân biệt và kỳ thị chủng tộc, nam - nữ còn rất nặng nề, "những người đàn ông" có quyền mà Tuyên ngôn đề cập đến chỉ là những người đàn ông da trắng. Còn với Hồ Chí Minh, Người khẳng định một cách rõ ràng, các quyền đó là dành cho "tất cả mọi người", không phân biệt địa vị, thành phần, tôn giáo, giới tính, sắc tộc. Đó là những giá trị to lớn và phù hợp với sự phát triển tiến bộ của nhân loại.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ quyền của con người, Người đã suy rộng ra quyền của các dân tộc "các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Đó là điểm kế thừa và cũng là khác biệt, khi Người nhấn mạnh "các dân tộc trên thế giới", mở ra một thời đại mới, là những lời cổ vũ, lời khẳng định quyền thiêng liêng của tất cả các dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các dân tộc đang chịu sự cai trị của chủ nghĩa thực dân lúc bấy giờ.

2. 78 năm nền dân chủ - cộng hòa được Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết lập, đã đưa dân tộc ta phát triển bền vững không ngừng kể từ ngày 02/9/1945 lịch sử. Nhãn quan, tầm nhìn chiến lược, tư tưởng của Người với tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, không gian và thời gian.

Nhưng lịch sử cũng thật oái oăm, Pháp và Mỹ lại quên mất tuyên ngôn rất tiến bộ của chính mình, để rồi chính nước Pháp sau 1945 tái xâm lược Việt Nam dẫn đến sự thất bại thảm hại sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954) lẫy lừng của quân và dân ta. Nước Mỹ sau 1954 lại giẫm chân lên sự thất bại của người Pháp, để rồi dân và quân ta phải tiến hành cuộc chiến tranh chống Mỹ kéo dài 21 năm, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thấy rất rõ tiến trình của lịch sử đôi khi chân lý bị giẫm đạp nhưng chân lý vẫn là chân lý. Chính vì vậy trong sách lược ngoại giao của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn tôn trọng, muốn làm bạn thực sự với cả Pháp và Mỹ, đặc biệt với nước Mỹ.

Ngay từ lúc chống Pháp và Nhật xâm lược nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi trọng quan hệ hợp tác với Mỹ để tìm đồng minh chống quân xâm lược, đặc biệt với phát xít Nhật.

Hãy nghiên cứu hai ấn phẩm sau đây thì rõ. Bài viết "Ho Chi Minh and OSS", đăng trên tạp chí Historynet.com (Mỹ) của tác giả Claude G.Berube, giảng viên Học viện Hải quân Mỹ, nói về ký ức lịch sử một thời Mỹ và Hồ Chí Minh từng là đồng minh chống phát xít và lịch sử quan hệ Việt - Mỹ trong Thế chiến II cũng như vai trò to lớn của lãnh tụ Hồ Chí Minh trong và sau Cách mạng Tháng Tám 1945.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Phó Tổng thống Joe Biden trong chuyến thăm Mỹ năm 2015. Ảnh: Bộ Ngoại giao Việt Nam

Một ấn phẩm khác có tên "The OSS and Ho Chi Minh, the Unexpected Allies in the War Against Japan" (Hồ Chí Minh và OSS, đồng minh bất ngờ trong cuộc chiến chống phát xít Nhật) của tác giả Dixee R. Bartholomew- Fets.

Cả hai ấn phẩm đều có cái nhìn thiện cảm về cuộc đấu tranh giành độc lập của người Việt Nam. Cả hai được xem như là những biên niên hoàn chỉnh về lịch sử quan hệ Việt - Mỹ diễn ra trong Thế chiến II. Đây cũng là hai tài liệu quan trọng nói về mối quan hệ Việt - Mỹ cũng như tiến trình đổi mới, hội nhập của Việt Nam hiện nay.

Tháng 7/1945, toán quân Đặc nhiệm số 13, biệt danh Deer (Con Nai) đầu tiên do Thiếu tá Allison Thomas dẫn đầu đã nhảy dù xuống khu vực Tân Trào. Deer thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS) - tiền thân của CIA ngày nay, có nhiệm vụ đào tạo du kích Việt Minh và thu thập thông tin tình báo để phục vụ việc chống lại quân Nhật vào giai đoạn cuối khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc. Ngày 15/9/1945, đội quân này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp. Trong buổi tiếp, Allison Thomas đã mạnh dạn hỏi: "Ngài là một người Cộng sản?", "Vâng, nhưng chúng ta vẫn có thể là bạn, phải không?", Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp.

Theo Thiếu tá Allison Thomas, đội quân của ông có nhiệm vụ huấn luyện từ 50 đến 100 người làm nhiệm vụ tấn công và ngăn cản giao thông trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, ngăn chặn người Nhật vào Việt Nam từ phía Trung Quốc. Nhóm Allison Thomas gồm 3 người nhảy dù xuống Tân Trào ngày 16/7/1945. Nhóm Deer được chào đón bởi hơn 200 du kích Việt Minh ngay tại lán tiền phương. Sau đó họ được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh ngay tại Tân Trào. Ngày 30/7/1945, các thành viên còn lại của Deer tiếp tục nhảy dù xuống Tân Trào, sau đó được "Mr. Văn" tức tướng Giáp, và lãnh tụ Hồ Chí Minh tiếp và đồng ý cho OSS thành lập một trại huấn luyện trong rừng, tại chiến khu Tân Trào, cách Hà Nội chừng 200 cây số.

Sau khi Nhật đầu hàng, Việt Nam tuyên bố độc lập, vai trò của OSS tại Việt Nam cũng kết thúc.

Điều đặc biệt, tác giả Bartholomew-Feis trong cuốn "The OSS and Ho Chi Minh, the Unexpected Allies in the War Against Japan" thừa nhận mong muốn hòa bình của lãnh tụ Hồ Chí Minh như khẳng định trong tuyên bố năm 1946 (Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến 19/12/1946), mà giá trị của nó còn có sức sống và phát triển bền vững cho đến ngày nay rằng: "Việt Nam chủ trương hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Mỹ”.

3. Tác giả Bartholomew-Feis đã nhận định rất chính xác: "Việt Nam chủ trương hoàn toàn độc lập và hợp tác toàn diện với Mỹ”, dù sự hợp tác này phải trải qua những thăng trầm lịch sử, bằng một cuộc chiến tranh rất ác liệt mà phần thắng thuộc về nhân dân Việt Nam và chính nghĩa.

Sau cuộc cấm vận của Mỹ với Việt Nam kéo dài từ năm 1975 đến năm 1995, Mỹ đã nhận ra Việt Nam chủ trương trở thành đối tác với tất cả các nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Ngày 24/5/2016, trong chuyến thăm Việt Nam, phát biểu trước 2.000 người tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: "Mục tiêu của tôi trong chuyến thăm này là chúng ta xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới... Chúng tôi muốn ưu tiên cho mối quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam".

Kể từ ngày 11/7/1995, thời điểm Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, mỗi đời tổng thống Mỹ đều sang thăm Việt Nam. Các tổng thống Mỹ đương nhiệm từng tới thăm Việt Nam, gồm: Tổng thống Bill Clinton (tháng 11/2000), Tổng thống George W.Bush (tháng 11/2006), Tổng thống Barack Obama (tháng 5/2016) và Tổng thống Donald Trump. Riêng Tổng thống Donald Trump thăm Việt Nam hai lần. Lần đầu là vào tháng 11/2017, khi ông đến Việt Nam dự Hội nghị cấp cao APEC, lần hai là vào tháng 02/2019, khi ông Trump sang Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên.

Ngày 29/8/2023, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thăm Việt Nam trong hai ngày 10 và 11/9/2023, theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông Biden sẽ là tổng thống Mỹ thứ 5 đến thăm Việt Nam. Ông Joe Biden không phải tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam, nhưng ông là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm chính thức theo lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả cho thấy nhận định của cựu Tổng thống Obama từ năm 2016, với mong muốn "xây dựng nền tảng ngày càng vững chắc hơn cho quan hệ hai nước trong nhiều thập kỷ tới" đang được thực hiện.

Và trên hết, ngay từ Tuyên ngôn Độc lập, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trích Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ để khẳng định về một nước Việt Nam độc lập, bình đẳng với các dân tộc khác, khát vọng tự cường và là bạn bè với các quốc gia khác, kể cả Mỹ và Pháp.

Đó là tư tưởng Hồ Chí Minh với tầm nhìn xuyên suốt lịch sử, không gian và thời gian, để đến hôm nay Việt Nam hoàn toàn độc lập và mong muốn là bạn của tất cả các nước, nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên thế giới.

LƯU VĨNH HY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/tuyen-ngon-doc-lap-va-tam-nhin-lich-su-cua-chu-tich-ho-chi-minh_152057.html