Tương lai nào cho vùng xung đột Sudan?

Tháng 4/2019, cuộc xung đột ở Sudan đã lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir, lập ra Hội đồng Quân sự Chuyển tiếp để điều hành đất nước. Sau vài tuần đàm phán, ngày 5/7, quân đội và phe đối lập đã nhất trí về việc thành lập một hội đồng có chủ quyền và điều hành đất nước 'trong ba năm hoặc lâu hơn một chút'.

Người dân Sudan bày tỏ hy vọng vào PVS. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, điều khoản của thỏa thuận không có lợi cho phe đối lập vì vậy các cuộc biểu tình ở nước này có thể leo thang trở lại.

Gian nan tìm tiếng nói chung

Sau cuộc hội đàm kéo dài hai ngày tại Khartoum, các bên tham gia cuộc xung đột Sudan đã đồng ý thành lập một hội đồng có chủ quyền chung. Điều này đã được đại diện Liên minh châu Phi

Mohammed Hassan Lebatt công bố vào ngày 5/7 trong một cuộc họp báo. Theo ông Lebatt, chính quyền mới sẽ điều hành đất nước trong “ba năm hoặc lâu hơn một chút” (phe đối lập nói rằng khoảng 3 năm, 3 tháng). Trong hội đồng lâm thời, phía dân sự sẽ chiếm 6 vị trí chủ chốt, quân đội chiếm 5. Thời gian đầu, quân đội sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng trong 21 tháng, sau đó, dân sự giữ chức Chủ tịch ở 18 tháng còn lại.

Ngoài ra, Hội đồng quân sự chuyển tiếp (PVS) và các lực lượng đối lập Sudan đã quyết định thành lập một “chính phủ kỹ trị độc lập”, cũng như bắt đầu một “cuộc điều tra độc lập, minh bạch về các sự kiện bi thảm xảy ra ở nước này trong những tuần gần đây” theo yêu cầu của phe đối lập Sudan.

Trên Twitter của Hiệp hội Chuyên nghiệp Sudan, một trong những phong trào đối lập lớn nhất của đất nước đã viết về việc đạt được thỏa thuận giữa các phe phái: “Nhân dân chúng tôi đã thể hiện lòng can đảm, và chúng tôi sẽ nhớ điều này, chúng tôi sẽ nhớ những biểu tượng cách mạng của chúng tôi - những người đã ngã xuống, những người bị thương và những người bị giam giữ. Ngày hôm nay, cuộc cách mạng của chúng ta đã thắng lợi”.

Mong manh thỏa thuận hòa bình

Còn nhớ, sau khi Tổng thống Omar al-Bashir từ chức và bị bắt giữ vào tháng Tư năm nay, khi PVS của Sudan lên nắm quyền, Chính phủ và Quốc hội lập pháp đã bị giải tán, hiến pháp bị đình chỉ. Trong đó, phe đối lập đã nhận thấy một nỗ lực chiếm đoạt quyền lực và các cuộc biểu tình bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái đã được nối lại. Trên trang Facebook của mình, Ủy ban Trung ương các bác sĩ Sudan đã ủng hộ phe đối lập bằng cách ghi lại các sự kiện. Theo tính toán của ủy ban này, khoảng 60 người đã chết trong các cuộc biểu tình từ tháng 12/2018 - 4/2019. Riêng trong ngày 3/6 vừa qua, sự trấn áp của quân đội đối với phe đối lập ở Khartoum đã dẫn đến cái chết của khoảng 100 người, chưa kể ít nhất 325 người bị thương. Ủy ban bảo lưu rằng con số trên là gần đúng, bởi các bác sĩ không có cách nào biết được rằng có bao nhiêu người thiệt mạng trong vùng lân cận thủ đô và có bao nhiêu người bị giam giữ trong các trại giam.

Quá trình đàm phán giữa quân đội và phe đối lập không dễ dàng. Quân đội liên tục bày tỏ ý định tham gia đối thoại với phe đối lập, tuy nhiên đã hơn một lần cuộc đàm phán bị hủy bỏ. Sau đó, Liên minh châu Phi, nơi đề xuất kế hoạch giải quyết tình hình đã trở thành trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán. Trong vài tuần đàm phán, vấn đề trở ngại chính là phân định ghế trong hội đồng giữa phe dân sự và quân đội: Phe đối lập khăng khăng rằng chính quyền phải được chuyển sang dân sự, họ muốn việc phân chia ghế có lợi cho họ ở PVS.

Trả lời phỏng vấn báo Kommersant, các nhà phân tích đã nghi ngờ rằng thỏa thuận đạt được có thể tồn tại trong một thời gian dài.

“Với hầu hết các phần (trong nội dung thỏa thuận), quân đội đã áp đặt giải pháp của họ, quan điểm trong các cuộc đàm phán đều có lợi cho họ” - ông Sergei Kostelyanets, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Chính trị - Xã hội của Viện châu Phi, Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định.

Cũng theo lời ông Sergei Kostelyanets, phe đối lập đã phải nhượng bộ một số điểm trong thỏa thuận như thời hạn là Chủ tịch Hội đồng chẳng hạn. Nhưng yêu cầu chính của phe đối lập là chuyển giao quyền lực tối cao ngay lập tức cho phe dân sự. Chuyên gia này nhấn mạnh rằng trong những tháng gần đây, vị thế của quân đội đã tăng lên, vì họ đã cho thấy rằng họ đã sẵn sàng cho một cuộc đối đầu mạnh mẽ.

Tại sao phe đối lập và quân đội ở Sudan không thể chia sẻ quyền lực?

Trong cuộc trò chuyện với “Kommersant”, ông Sergei Seregichev, Phó Giáo sư Khoa Lịch sử đại cương thuộc ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia Nga cho rằng đó thực sự là chiến thắng của quân đội bởi mục tiêu chính của phe đối lập - chuyển giao quyền lực cho dân sự - một lần nữa bị hoãn lại. Điều này có thể dẫn đến các cuộc biểu tình gia tăng ở Sudan và áp lực từ Hoa Kỳ. Washington không ít lần tuyên bố rằng chính phủ phải thuộc về phe dân sự - ông Seregichev nhắc lại.

Tuy nhiên, quan điểm của Trung Quốc, Nga, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ả Rập Saudi thì ngược lại. Theo họ, chính quyền trước hết phải nằm trong tay quân đội và sau đó sẽ được chuyển giao cho dân sự. Về vấn đề này, ông Sergei Kostelyanets dự đoán rằng quân đội có thể bị cám dỗ, không từ bỏ quyền lực từ tay họ. Và đây là nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối rầm rộ trong tương lai.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/tuong-lai-nao-cho-vung-xung-dot-sudan-4017914-b.html