Tưng bừng lễ hội Tổng Nam Phù, huyện Thanh Trì

Sáng 22/4 (tức ngày 14/3 năm Giáp Thìn 2024), Ban Tổ chức lễ hội Tổng Nam Phù, huyện Thanh Trì đã khai mạc lễ cấp thủy tại thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà. Tham dự Lễ cấp thủy có các thuyền của 3 xã: Duyên Hà, Ngũ Hiệp và Đông Mỹ; các vị chư tôn và đông đảo Nhân dân.

Các đại biểu và Nhân dân làm lễ dâng hương tưởng niệm nhị vị Bồ Tát - công chúa Lý Từ Huy và Lý Từ Thục, con gái vua Lý Thái Tông.

Nhằm tưởng nhớ công lao của nhị vị Bồ Tát là hai vị công chúa Lý Từ Huy và Lý Từ Thục, con gái vua Lý Thái Tông đã có công mua ruộng và dạy nghề giúp dân, hằng năm vào các ngày từ 14 – 16/3 âm lịch, Nhân dân 9 xã 10 làng thuộc Tổng Nam Phù xưa, huyện Thanh Trì ngày nay đã tổ chức lễ hội để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ con cháu, khơi dậy niềm tự hào và biết ơn của gia đình, dòng họ và quê hương của toàn thể Nhân dân trong Tổng Nam Phù.

Năm nay, lễ hội Tổng Nam Phù được tổ chức vào các ngày từ 22 – 24/4 với quy mô hội chính (5 năm 1 lần) nên quy mô rất hoành tráng, thu hút hàng vạn người dân và du khách đến tham quan, chiêm bái.

Các đại biểu làm lễ dâng hương trước khi xuống thuyền làm lễ cấp thủy.

Phát biểu tại buổi lễ, thượng tọa Thích Quảng Tĩnh, Ủy viên Thường trực Ban trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam TP Hà Nội, Phó trưởng Ban nghi lễ TP, trụ trì chùa Long Khánh, thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà cho biết: “Thôn Tranh Khúc vốn cùng đội ơn mưa móc của nhị vị Bồ Tát, cùng thập thôn cửu xã được bão đức chẩn phân, đâu đấy xa gần vui thấy vũ mao, già trẻ gái trai được thấm nhuần đức dục. Tương truyền Nam Phù khi ấy kho đầy đụn trát, nhà đủ người no, bốn phương thấy vịnh ngợi câu ca, trăm họ được vui vầy chiếu tiệc như trong câu hát:

Ruộng một ngàn linh ba trăm mẫu

Hai Chúa bà lại tậu thêm cho

Quân phân khắp Tổng Nam Phù

Suốt trong 10 xã phụng thờ chu viên

Chùa Nhót cùng Việt Yên – Tranh Khúc

Mỹ Ả cùng Tương Chúc, Đam Uyên

Đông Phù – Đông Trạch chùa đền

Cả làng Mỹ Liệt ở miền ngoại châu

Những khi dạo gót tiêu dao

Ngắm miền thủy tú, trông chiều sơn thanh”.

Các kiệu rước nước của các chùa xoay vòng chào nhau trước khi vào làm lễ.

Có thể nói, bến cấp thủy Ghềnh Tranh trên mảnh đất Duyên Hà đã từng trải nghìn năm lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của biết bao thế hệ con người, thế nhưng sự thấm nhuần của nền văn hóa tâm linh trong lễ hội dường như chưa bao giờ trở thành xưa cũ trong lòng những người con đất Việt. Không những thế, thông qua niềm tin tôn giáo, khả năng phát huy giá trị tâm linh trên nền văn hóa đương đại có chọn lọc kết hợp cùng sự giao thoa văn hóa truyền thống với khoa học hiện đại càng làm tăng giá trị của lễ hội.

Các đại biểu và Nhân dân của các làng thuộc 3 xã Duyên Hà, Đông Mỹ, Tứ Hiệp cùng đoàn rước cùng kéo về bến Ghềnh Tranh, thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà làm lễ cấp thủy.

Qua hội làng, con người ta thấy gần gũi nhau hơn, ai nấy đều hoan hỉ phấn khởi. Niềm hạnh phúc ấy gia tăng trên nét mặt mỗi con người, thể hiện qua ánh mắt mừng vui của các cụ cao niên hay trong nụ cười ngây thơ của con trẻ.

Đội múa rồng chuẩn bị xuống thuyền.

Trước khi xuống bến cấp thủy, các đoàn đã thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng niệm nhị vị Bồ Tát Lý Từ Huy và Lý Từ Thục. Sau lễ dâng hương, các chư tôn, đức Tăng ni, quan khách, đại biểu cùng Nhân dân địa phương rước kiệu nước xuống thuyền chính thức cử hành nghi lễ cấp thủy. Sau khi lễ cấp thủy, các đơn vị tự sắp xếp đội hình rước về các chùa của đơn vị mình làm lễ mục dục.

Các chư tôn, Tăng ni, quan khách và Nhân dân cùng xuống thuyền làm lễ cấp thủy.

Thực hiện Đề án “Tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa các lễ hội truyền thống trên địa bàn huyện Thanh Trì giai đoạn 2021 – 2026”, UBND huyện Thanh Trì đã xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Tổng Nam Phù năm 2024 làm cơ sở xây dựng hồ sơ khoa học, đề nghị đưa lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Các thuyền rời bến ra giữa dòng sông Hồng - nơi có mực nước trong để làm lễ. Thuyền của các chùa sẽ lấy nước ở các địa điểm khác nhau trên cùng một đoạn sông dài khoảng 1km.

Mục đích nhằm khơi dậy lòng tự hào, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương, đáp ứng đời sống tinh thần của Nhân dân. Tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho toàn thể Nhân dân, đặc biệt là các hệ trẻ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân gian đặc sắc của cha ông để lại. Đồng thời, thực hiện đúng các văn bản quy định hiện hành với việc quản lý, tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; lễ hội phải được tổ chức trang trọng, đoàn kết, thiết thực, an toàn, tiết kiệm, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc và phù hợp với tình hình điều kiện thực tế của từng địa phương.

Các thuyền làm lễ cấp thủy trở về.

Do đó, trong các ngày diễn ra lễ hội, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Thanh Trì đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các phòng chuyên môn và UBND các xã Ngũ Hiệp, Đông Mỹ, Duyên Hà tổ chức hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội Tổng Nam Phù là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, UBND các xã, đơn vị liên quan đảm bảo các điều kiện phục vụ công tác phỏng vấn, ghi hình lễ hội.

Sau khi làm lễ cấp thủy, các đoàn rước của các chùa tự sắp xếp đội hình rước về các chùa của mình làm lễ mục dục.

Ngày mai 23/4 (tức ngày 15/3 âm lịch) là ngày hội chính, các đoàn rước xuất phát từ các chùa di chuyển đến địa điểm tập trung, thực hiện nghi lễ rước, khai mạc lễ hội, các khóa lễ tại Lăng Liên Hoa (thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín) và chùa Hưng Long (xã Đông Mỹ). Ngày 24/4 (tức 16/3 âm lịch), các đoàn rước tạ lễ tại chùa Hưng Phúc (xã Ngũ Hiệp) và rước kiệu về lại các chùa, kết thúc lễ hội.

Hoàng Quyết

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tung-bung-le-hoi-tong-nam-phu-huyen-thanh-tri.html