Tuần Giáo, Điện Biên: Chật vật 'mùa tảo hôn'

Những năm gần đây, xã Rạng Đông (Tuần Giáo, Điện Biên) vẫn xuất hiện tình trạng tảo hôn, cả xã có 7 bản, thì có tới 6 bản có trường hợp tảo hôn. Công tác tuyên truyền vận động đối với Hội LHPN xã diễn ra khá vất vả.

Hội LHPN xã Rạng Đông tích cực tuyên truyền phòng chống nạn tảo hôn

Mặc dù tỷ lệ tảo hôn đã thuyên giảm mạnh so với những năm trước kia nhưng cứ đến kỳ nghỉ hè, các ban ngành đoàn thể trong xã Rạng Đông lại phải tăng cường công tác tuyên truyền, phòng chống tảo hôn.

Thời điểm nghỉ hè, các cháu học sinh được nghỉ ngơi, nhiều cháu đi học ở trường nội trú cũng về nhà nghỉ. Nam nữ trong làng bản lại có điều kiện giao lưu gặp gỡ nhau. Làng nọ sang làng kia giao lưu rất nhiều. Có những năm, sau kỳ nghỉ hè thì có đến vài cháu học sinh nữ ở nhà lấy chồng luôn, bỏ lỡ con đường học hành, đặc biệt là rơi vào cảnh tảo hôn.

Vào năm 2022, ở thôn Nậm Mu, đã xảy ra trường hợp 2 cháu nữ học sinh lớp 10, sau kỳ nghỉ hè thì có thai, nên đã nghỉ học, làm lễ theo phong tục rồi đợi đủ tuổi thì đăng ký kết hôn và làm lễ cưới. Chỉ riêng bản Nậm Mu, từ vài năm trước đó đã có tới gần mười cháu sinh con khi chưa đến 18 tuổi. Công tác phòng chống tảo hôn ở địa phương càng trở nên cấp thiết.

Phụ nữ người Kháng ở xã Rạng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên

Bà Cà Thị Sẹn, Chủ tịch Hội LHPN xã Rạng Đông, chia sẻ: "Cứ gần đến kỳ nghỉ hè là Hội LHPN xã lại phải triển khai công tác vận động phòng chống tảo hôn, chúng tôi phải phân công nhau đến từng nhà có con trai, con gái trong độ tuổi chớm thành niên để vận động. Nói chung thì nhận thức của các bậc phụ huynh bây giờ đều không đồng tình với việc tảo hôn. Nhưng nếu không quản lý tốt con cái, khi xảy ra rồi thì các gia đình đều phải chấp nhận làm lễ theo phong tục. Vì vậy công tác phòng chống tảo hôn trong dịp hè đối với chúng tôi khá chật vật".

Bà Quàng Thị Pâng, ở thôn Bản Bon B, cho biết: "Bây giờ không muốn con cháu tảo hôn đâu, muốn chúng nó đi học hành, nhưng nó cứ yêu nhau mà mình không quản được là nó lại đòi lấy vợ, lấy chồng sớm. Hàng năm cán bộ phụ nữ đều đến nhà nhắc nhở các gia đình phải bảo con cái tảo hôn là xấu, là không đúng pháp luật".

Công tác phối hợp phòng chống tảo hôn rất đa dạng

Phòng chống tảo hôn ở xã Rạng Đông hiện nay được tổ chức hoạt động khá đa dạng, đó là sự phối hợp từ nhà trường đến xã, thôn và tận các gia đình có con cái đang trong độ tuổi chớm vị thành niên.

Bà Cà Thị Sẹn cho hay: "Các cháu học sinh đang theo học ở nhà trường. Thì nhà trường sẽ mời phụ huynh lên để tuyên truyền vận động bố mẹ các cháu phải kiểm tra giám sát các cháu khi về nhà nghỉ, để các cháu không dính vào tảo hôn. Phía UBND xã thì cũng có kế hoạch tuyên truyền, thậm chí là lên danh sách những trường hợp dễ dẫn đến tảo hôn, để chủ động tuyên truyền. Đối với Hội LHPN xã thì chúng tôi tổ chức kêu gọi vận động tới tất cả các chi hội thôn bản. Để chị em chủ động công tác vận động được sát sao nhất".

Dẫu là vậy, nhưng ngày nay các cháu đều sử dụng điện thoại smartphone, nên nói thực là cũng rất khó kiểm soát. Các cháu cứ nhắn tin làm quen, tán tỉnh nhau qua điện thoại, qua mạng, rồi đi quá giới hạn, mang thai khi còn ít tuổi, cơ thể và nhận thức đều chưa phát triển đầy đủ, bà Sẹn cho biết thêm.

Hội LHPN xã Rạng Đông tích cực tuyên truyền phòng chống nạn tảo hôn

Thầy Cao Văn Bằng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú - Trung học phổ thông Tuần Giáo, cho biết: “Khi các cháu học ở trường, thì nhà trường quản lý rất chặt chẽ, nhưng khi các cháu về nghỉ hè, chúng tôi đã yêu cầu phụ huynh từng cháu cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn. Nhưng vẫn phải liên hệ phối hợp với địa phương, đặc biệt là Hội LHPN xã, để nhờ họ tuyên truyền vận động, ngăn chặn tình trạng tảo hôn có thể xảy ra. Nói chung là Hội LHPN xã Rạng Đông làm khá tốt, đặc biệt là chị Cà Thị Sẹn, Chủ tịch Hội. Chị Sẹn là người rất nhiệt tình và luôn nặng lòng với công tác phòng chống tảo hôn ở địa bàn, nhờ đó mà cũng hạn chế được rất lớn vấn đề nhức nhối này ở địa phương xã Rạng Đông”.

Vẫn còn những lời ru buồn vì nạn tảo hôn

Mặc dù Hội LHPN xã Rạng Đông vẫn luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nhưng vẫn còn có những trường hợp tảo hôn mà họ cũng không thể ngăn cản nổi. Em Lò Thị D, ở thôn Nậm Mu, làm mẹ khi mới chớm sang tuổi 17. Hai vợ chồng bằng tuổi nhau, khi đang học dở thì D bỏ học vì lỡ có thai, từ đó công việc học hành bị bỏ lại.

Em D chỉ là một trong số những trường hợp tảo hôn ở xã Rạng Đông, làm mẹ khi còn quá trẻ, thiếu kỹ năng chăm sóc con cái, thiếu cả việc làm, nên cuộc sống của gia đình người mẹ trẻ này khá chật vật.

Bà Cà Thị Sẹn chia sẻ: Chúng tôi còn phối hợp với Dự án Tầm nhìn thế giới tổ chức các chương trình về bình đẳng giới, duy trì câu lạc bộ phụ nữ và trẻ em gái, trang bị cho các em kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân... Hơn nữa, tại nhà trường, các em cũng được tham gia nhiều hoạt động tư vấn, tuyên truyền về giới tính, sức khỏe sinh sản. Nhưng việc mang thai ngoài ý muốn, tảo hôn vẫn cứ diễn ra".

Tảo hôn là vấn đề khá nhức nhối không chỉ ở xã Rạng Đông, mà nó mang tính cấp thiết cần ngăn chặn ở toàn quốc, bởi lẽ, tảo hôn khiến cho chất lượng dân số suy giảm. Nhiều trường hợp tảo hôn dẫn đến cuộc sống khó khăn chật vật, không công ăn việc làm, không có kỹ năng sống, dẫn đến hệ lụy xấu cho sự phát triển chung của toàn xã hội.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tuan-giao-dien-bien-chat-vat-mua-tao-hon-20230915201819516.htm