Tuần 13-17/2, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút ròng tiền về khi tỷ giá USD/VND tăng vọt

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hút mạnh tiền về trong bối cảnh tỷ giá USD/VND vọt lên gần ngưỡng 24.000 đồng/USD; ngân hàng thương mại dường như qua thời điểm căng thẳng thanh khoản và lãi suất qua đêm ở mức khá thấp.

Hút 107 nghìn tỷ đồng

Sau một tuần hút ròng kỷ lục gần 145 nghìn tỷ đồng từ 6-10/2, trong tuần 13-17/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục hút mạnh lượng tiền đồng về thông qua công cụ tín phiếu trên thị trường mở.

Trong phiên ngày 17/2, NHNN hút gần 25.000 tỷ đồng qua việc phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 4,69%/năm và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 91 ngày với lãi suất 5,5%/năm. Trong khi đó, NHNN không bơm tiền qua các hợp đồng repo giấy tờ có giá.

Trong hai phiên trước đó, vào ngày 15 và 16/2, NHNN cũng đã hút mạnh tiền đồng về và phát hành các hợp đồng tín phiếu kỳ hạn 91 ngày. Trong hai phiên đầu tuần (13 và 14/2), NHNN hút về gần 21.000 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày.

Trong tuần 13-17/2, NHNN bơm nhỏ giọt hơn 229 tỷ đồng qua kênh cầm cố giấy tờ có giá.

Như vậy, trong tuần 13-17/2, NHNN hút ròng 106.770 tỷ đồng.

Trong tuần 13-17/2, NHNN hút ròng 106.770 tỷ đồng. (Biểu đồ: M. Hà)

Tuy nhiên, trong tuần 13-17/2, NHNN ghi nhận 5 hợp đồng tín phiếu đáo hạn trị giá gần 85 nghìn tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, các hợp đồng repo giấy tờ có giá đáo hạn, qua đó đưa tiền về cho NHNN tổng cộng hơn 8.407 tỷ đồng.

NHNN hút mạnh tiền về nhằm cân đối lượng tiền có thể đang dư thừa trong hệ thống, với lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng đang ở mức rất thấp, có phiên trong tuần chỉ còn 3,64%/năm.

Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND tăng rất mạnh, sắp chạm ngưỡng 24.000 đồng/USD (trên hệ thống ngân hàng).

Tới ngày 17/2, tỷ giá USD/VND được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) niêm yết ở mức 23.980 đồng/USD.

Trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND thấp hơn một chút, được mua bán phổ biến ở mức 23.760-23.810 đồng/USD.

Lãi suất qua đêm được giữ ở mức không thấp quá, đảm bảo cho dòng vốn không chảy ra khỏi Việt Nam. (Biểu đồ: M. Hà)

Lo ngại tỷ giá tăng mạnh

Điều mà nhiều người lo ngại vào lúc này là sự tăng giá của đồng USD trên thị trường tài chính quốc tế, qua đó đẩy tỷ giá USD/VND ở thị trường trong nước tăng khá mạnh trở lại.

Bất chấp hoạt động hút tiền về mạnh của NHNN trong hai tuần qua, đồng VND vẫn trượt khá nhanh so với đồng bạc xanh của Mỹ.

Từ mức 23.620 đồng/USD ghi nhận hôm 3/2, tỷ giá USD/VND đã lên mức 23.980 đồng/USD (giá bán ra tại Vietcombank) vào ngày 17/2.

Với mức tăng nhanh như hiện tại, nhiều người lo ngại tỷ giá USD/VND có thể trở lại mức đỉnh 24.888 đồng/USD ghi nhận hôm 25/10/2022.

Tỷ giá USD/VND tăng nhanh trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới cũng tăng nhanh trở lại sau khi có nhiều lo ngại Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ tăng tốc nâng lãi suất trong cuộc họp tháng 3 tới đây.

Trong cuộc họp ngày 1/2, Fed tăng lãi suất lần thứ 8 liên tiếp nhưng mức tăng chỉ còn 25 điểm phần trăm (so với 4 lần mỗi lần tăng 75 điểm vào tháng 6, tháng 7, tháng 9 và tháng 11/2022). Tuy nhiên, trong cuộc họp tháng 3 tới, Fed có thể sẽ tăng lãi suất với mức tăng 50 điểm phần trăm.

Tỷ giá USD/VND đang tăng nhanh trở lại. (Biểu đồ: M. Hà)

Đỉnh lãi suất tại Mỹ có thể lên mức 5,25%/năm, thay vì kỳ vọng dưới 5%/năm như trước đó.

Tỷ giá USD/VND tăng còn do NHNN gần đây được cho là đẩy mạnh mua đồng USD để tăng dự trữ ngoại hối sau khi đã bán mạnh can thiệp kéo tỷ giá USD/VND xuống hồi tháng 10-11/2022.

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn - nhà sáng lập CTCP FIDT, trong tháng 1/2023, NHNN đã mua 2,78 tỷ USD bổ sung vào dự trữ ngoại hối, qua đó hỗ trợ thanh khoản và tăng cung tiền cho hệ thống.

Ông Tuấn cho rằng, Fed vẫn đang trong giai đoạn tăng lãi suất và Việt Nam khó đi ngược xu hướng này. Việt Nam có độ mở kinh tế cao và do vậy nếu lãi suất VND thấp có thể khiến dòng tiền nước ngoài chảy ra như nửa cuối năm 2022.

Đây cũng là lý do khiến NHNN vẫn phải cân đối và hút tiền về hợp lý.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuan-13-17-2-ngan-hang-nha-nuoc-hut-rong-tien-ve-khi-ty-gia-usd-vnd-tang-vot-2111989.html