Từ việc kiểm soát nồng độ cồn đã hình thành thói quen 'uống rượu bia thì không lái xe'

Kể từ khi công tác kiểm tra nồng độ cồn triển khai, ý thức của người tham gia giao thông đã từng bước thay đổi, nhiều địa phương có chuyển biến 'đột phá'.

Hiệu quả đã thấy rõ

Thời gian qua, lực lượng chức năng đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an về các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhằm tạo chuyển biến tích cực và hình thành thói quen, văn hóa "đã uống rượu, bia không lái xe". Điều này đã tạo niềm tin lớn trong nhân dân và từng bước thay đổi ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông.

Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, rượu bia là một trong 3 nguyên nhân chính gây ra các vụ tai nạn giao thông. Ước tính có khoảng 40% các vụ tai nạn giao thông và 11% số người tử vong liên quan đến rượu bia. Trung bình, mỗi ngày cả nước ghi nhận 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau. Và trong 100 người tử vong do tai nạn giao thông, số người sử dụng rượu bia trong độ tuổi 15 - 29 chiếm đến 61%, trong đó nam giới chiếm trên 90%.

Từ năm 2016 -2019, qua thống kê của Bộ Y tế, trung bình mỗi ngày Tết Nguyên đán trên toàn quốc xảy ra cả ngàn vụ đánh nhau, hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, hàng trăm người ra đường và mãi mãi không trở về... mà nguyên nhân chính là do rượu bia. Kỷ lục nhất là năm 2015, lần đầu tiên Bộ Y tế có cuộc khảo sát, thống kê về số vụ nhập viện cấp cứu do đánh nhau, người ta giật mình khi trên toàn quốc, 5 ngày Tết xảy ra hơn 6.200 vụ đánh nhau phải nhập viện, 15 người tử vong, hàng ngàn người khác bị thương. Và đáng buồn là hầu hết nguyên nhân là do các ma men “tỷ thí…”

Phạt vi phạm nồng độ cồn không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai

Hệ quả của bia rượu đối với trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông là hiện hữu chứ không phải là nguy cơ. Ngày 1/1/2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Bộ luật này ra đời nhằm phòng, tránh, giảm thiểu các hậu quả về sức khỏe, xã hội và kinh tế do sử dụng rượu bia gây ra.

Cùng với Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (Nghị định 100) đồng thời là "thanh bảo kiếm" xử lý các “ma men” trên đường. Hai văn bản pháp lý này có hiệu lực và đi vào thực thi đã đem lại hiệu quả rõ ràng, thiết thực. Số người chết, người bị thương do tai nạn giao thông giảm rõ rệt.

Các lực lượng chức năng đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông từ Trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, không có vùng cấm. Điều này đã có tác động lớn vào ý thức của người tham gia giao thông đã thay đổi, thậm chí ở nhiều địa phương có sự chuyển biến một cách “đột phá”.

"Đã uống rượu bia thì không lái xe" đây không còn là thông điệp mà nó đã trở thành thói quen, nét văn hóa mới trong sử dụng phương tiện và tham gia giao thông. Anh Đàm Tiến Trung (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, thời gian qua, qua theo dõi thực tế tôi thấy việc xử lý quyết liệt nồng độ cồn được các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ và nhận được sự ủng hộ, đồng tình của người dân.

"Hàng ngày, trên các tuyến phố của Thủ đô, nhất là vào thời điểm sau bữa tối, lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã phân luồng, lập các chốt đo nồng độ cồn. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế tai nạn mà còn giúp xã hội phòng ngừa những hành vi phạm tội bộc phát uống rượu bia gây ra", anh Trung chia sẻ và khẳng định, hiệu quả của việc xử lý nghiêm nồng độ cồn không chỉ góp phần giúp người dân sống trong bình yên, an toàn, bớt đi nỗi lo mỗi khi ra đường, mà còn giúp các gia đình sống hạnh phúc hơn, xóm làng bình yên hơn...

Và có lẽ, chia sẻ của anh Trung cũng là quan điểm của nhiều người dân khác với chung một nguyện vọng, các lực lượng chức năng tiếp tục duy trì nghiêm việc kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn để hạn chế, ngăn chặn hiệu quả tai nạn giao thông và góp phần đảm bảo an toàn cho xã hội.

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Từ nhiều năm nay, Việt Nam luôn được thăng hạng và đứng hàng top tên các nước tiêu thụ rượu bia nhiều nhất thế giới, trong khi năng suất lao động của nước ta lại ở “vùng trũng” của thế giới.

Tác hại của rượu bia là rõ ràng, nhưng hành vi uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện giao thông là mầm mống gây tội ác, có thể cướp đi sinh mạng của bao người vô tội. Dịp cuối năm, Tết Nguyên đán đang đến gần, số phương tiện tham gia giao thông đang “nóng” từng ngày nhưng cũng “tăng nhiệt” trên mâm rượu các nhà hàng, quán nhậu.

Thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, từ 30/8 đến 25/9/2023, các tổ công tác đặc biệt của Cục Cảnh sát giao thông đã triển khai việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông ở nhiều địa phương như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí MInh, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu...

Qua đó, đã trực tiếp kiểm soát hơn 100.000 phương tiện, phát hiện và bàn giao cho công an các đơn vị địa phương lập biên bản xử lý hơn 3.600 trường hợp. Trong đó, có hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 35 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, 14 trường hợp vi phạm về ma túy, 5 trường hợp vi phạm quá tải…

Theo Cục Cảnh sát giao thông, trong số hơn 3.400 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, bước đầu xác định có 160 trường hợp là đảng viên, công chức, viên chức, công an, bộ đội đang công tác hoặc đã nghỉ hưu, nhà báo... Ngoài ra, còn một số trường hợp vi phạm không hợp tác với tổ công tác khi xác minh là Chủ tịch phường, Trưởng công an phường…

Nhìn vào những thông tin, số liệu trên, một lần nữa chúng ta có thể khẳng định, tất cả hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc xử lý cán bộ vi phạm về giao thông không thể xuê xoa, bỏ qua vi phạm dưới mọi hình thức. Qua đó thể hiện sự quyết liệt, không có vùng cấm, ngoại lệ trong việc kiểm soát nồng độ cồn, xử lý vi phạm trong lĩnh vực an toàn giao thông.

Để bình yên khi bước chân ra đường, các gia đình không gặp thảm cảnh chia lìa, kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương không gánh chịu thiệt hại, nhiều ý kiến cho rằng cơ quan chức năng cần duy trì và đẩy mạnh hơn nữa việc kiểm soát nồng độ cồn. Chúng ta đang nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với tinh thần “thượng tôn pháp luật” là mục tiêu tối thượng, và xử lý nồng độ cồn cũng không là ngoại lệ.

Hoàng Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-viec-kiem-soat-nong-do-con-da-hinh-thanh-thoi-quen-uong-ruou-bia-thi-khong-lai-xe-288198.html