Tư vấn đối thoại

Hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) theo đối tượng có quyền lợi cao nhấtEm tôi bị khuyết tật, được hưởng BHYT của người tàn tật. Tuy nhiên, khi đi làm tại doanh nghiệp thì em tôi vẫn đóng BHYT cho nên có hai thẻ BHYT. Vậy em tôi có được đổi mã quyền lợi BHYT sang đối tượng tàn tật không?Nguyễn Hà Văn (Thanh Hóa)

Trả lời:

Khoản 7, Ðiều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau quy định tại Ðiều 12 của Luật này thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Ðiều 12 của Luật này.

Tại Khoản 15, Ðiều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì được hưởng quyền lợi BHYT theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Trường hợp em của bạn được đổi quyền lợi BHYT cao hơn theo mức hưởng của đối tượng bảo trợ xã hội, nếu cung cấp được Giấy xác nhận khuyết tật, ghi rõ mức độ khuyết tật theo quy định nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) nơi cấp thẻ BHYT để xem xét, giải quyết theo quy định.

Có được nghỉ hưu sớm?

Năm nay bố tôi 52 tuổi, đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được hơn 20 năm. Nếu bố tôi nghỉ việc thì có được hưởng lương hưu luôn không?

Trần Mạnh Hải (Hà Nội)

Trả lời:

Theo quy định của Luật BHXH, bố của bạn mới 52 tuổi cho nên chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí (tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi). Trường hợp bố bạn không muốn tiếp tục đóng BHXH nữa thì có thể chọn một trong hai phương án:

* Phương án 1: Về hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên (nếu đủ điều kiện). Cụ thể, Ðiều 55 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động như sau:

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c, d, g, h và i Khoản 1, Ðiều 2 của Luật này khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu quy định tại điểm a và điểm b Khoản 1, Ðiều 54 của Luật này nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Từ ngày 1-1-2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động. Sau đó mỗi năm tăng thêm một tuổi cho đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;

b) Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

c) Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên và có đủ 15 năm trở lên làm nghề hoặc công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành...

Như vậy, nếu bố của bạn thuộc trường hợp lao động nam đủ 51 tuổi trở lên, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Mức hưởng lương hưu hằng tháng được quy định tại Khoản 2, 3, Ðiều 56 Luật BHXH năm 2014 như sau:

2. Từ ngày 1-1-2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Ðiều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH quy định tại Ðiều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

3. Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Ðiều 55 của Luật này được tính như quy định tại khoản 1 và khoản 2 Ðiều này, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

* Phương án 2: Xin thôi việc và chờ tới đủ 60 tuổi thì hưởng hưu trí.

Vì bố của bạn đã đóng BHXH đủ 20 năm trở lên cho nên có quyền nghỉ việc và bảo lưu thời gian đã đóng BHXH đến khi đủ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi để hưởng lương hưu.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/bhxh-va-cuoc-song/item/43049602-tu-van-doi-thoai.html