Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và việc vận dụng vào hoàn cảnh hiện nay

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Người cho rằng 'Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu để bảo đảm sự tồn tại của Đảng. Việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là đội tiên phong, là lực lượng lãnh đạo đất nước' (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, trang 135).

Cán bộ, đoàn viên thanh niên BĐBP Bình Định triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Thoại

Cán bộ, đoàn viên thanh niên BĐBP Bình Định triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Hữu Thoại

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng bao gồm ba vấn đề chính. Vấn đề đầu tiên là phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt chính trị, tư tưởng. Nhiều lần Người đã khẳng định: “Trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải dựa vào những vấn đề khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, lấy đó làm cơ sở để tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để cho Đảng ngày càng vững mạnh về tư tưởng, lý luận” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 235). Bác cũng nhắc nhở, việc nghiên cứu, học tập, phổ biến, tuyên truyền bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin phải phù hợp với tình hình cụ thể của cách mạng Việt Nam và phải phù hợp với từng đối tượng. Người khẳng định, phải học tập kinh nghiệm của các Đảng Cộng sản các nước khác để Đảng ta ngày càng có thêm nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt chính trị, tư tưởng.

Không những thế, trong các buổi họp, Người cũng có nhiều ý kiến chỉ đạo về nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt chính trị, tư tưởng. Nội dung đó gồm nhiều vấn đề như: xây dựng, định hướng chính trị, tư tưởng, xây dựng đường lối chính trị, thảo luận việc đề ra Nghị quyết về xây dựng, phát triển hệ tư tưởng, chính trị, nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, thường xuyên rút kinh nghiệm để củng cố và nâng cao lập trường chính trị. “Trong những nội dung trên đây, để đảm bảo sự tồn tại, phát triển của Đảng thì phải coi đường lối chính trị là vấn đề cơ bản nhất, quan trọng nhất, bởi vì nếu đường lối chính trị sai lầm thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 260). Trong tình hình hiện nay, xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt chính trị, tư tưởng còn phải đấu tranh không khoan nhượng, đấu tranh triệt để và liên tục để chống lại những biểu hiện suy thoái về mặt chính trị, tư tưởng, chống lại những kẻ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh chống lại những biểu hiện nói và làm trái với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, gây tác hại đối với xã hội.

Không những xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt chính trị tư tưởng mà còn phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt tổ chức. Trong Hội nghị Trung ương 2 (khóa III), Người đã từng khẳng định: “Sức mạnh của Đảng ta bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh của các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau, mỗi cấp độ tổ chức có chức năng riêng, nhiệm vụ riêng”. Người rất coi trọng vai trò của chi bộ trong hệ thống tổ chức của Đảng. “Chi bộ là một môi trường tu dưỡng, rèn luyện, là nơi giám sát tư tưởng, hành động của từng đảng viên, là nơi có vị trí, vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với nhân dân. Chi bộ là một tổ chức cơ sở, là một tổ chức hạt nhân nòng cốt quyết định sự lãnh đạo của Đảng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 250).

Theo Người, vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt tổ chức có liên quan đến vấn đề công tác cán bộ: “Đảng phải giáo dục, rèn luyện mỗi cán bộ, đảng viên để họ trở thành một người có đức, có tài, vừa hồng, vừa chuyên, hồng thắm chuyên sâu. Mỗi đảng viên là người đem chủ trương, chính sách của Đảng giải thích cho quần chúng nhân dân hiểu và thi hành, đồng thời mỗi đảng viên lại đem tình hình cụ thể của nhân dân nơi mình sống để báo cáo với Đảng, trên cơ sở đó, Đảng ra chính sách đúng, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên là cái gốc của Đảng, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, đảng viên như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu có chất lượng” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, trang 270).

Học tập và làm theo Bác, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua thiên tai, bão lũ, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phùng Dũng

Học tập và làm theo Bác, cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn sát cánh cùng nhân dân vượt qua thiên tai, bão lũ, ổn định cuộc sống. Ảnh: Phùng Dũng

Ngoài việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt chính trị, tư tưởng, về mặt tổ chức, còn phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt đạo đức. Theo quan điểm của Người, xem xét một đảng viên thì trước hết phải xem xét về đức trước, sau đó mới xét đến tài, trong đó đức là gốc. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt đạo đức là một cơ hội để mỗi đảng viên tự mình tu dưỡng, rèn luyện tốt hơn nữa, trên cơ sở đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng giao cho. “Đạo đức ấy gồm nhiều vấn đề nhưng có thể tóm tắt ngắn gọn là: Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư, đấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện sai trái về đạo đức cách mạng. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng, nếu không thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo được quần chúng nhân dân. Mỗi đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng, phải luôn luôn mẫu mực về đạo đức, lối sống, phải nghiêm túc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình trong Đảng” (Bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc, tháng 2/1946).

Trong tình hình hiện nay, để thực hiện hiệu quả việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cần thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đến tận từng cán bộ, đảng viên ba nội dung cơ bản của xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đồng thời phải tăng cường và thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên về nền tảng tư tưởng của Đảng, trên cơ sở đó, làm cho cán bộ, đảng viên luôn luôn kiên định, vững vàng về lập trường, bản lĩnh cách mạng, giữ vững và phát huy hệ tư tưởng của Đảng và bản chất công nhân của Đảng, lấy đó làm cơ sở để hành động, góp phần thắng lợi trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Đồng thời, phải chấp hành nghiêm chỉnh, thực hiện tốt các chế độ, nguyên tắc sinh hoạt của Đảng. Không những thế, phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Mỗi đảng viên phải kiên quyết từ bỏ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong bản thân mình. Mỗi đảng viên thấy cái đúng thì phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh, phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm, nói phải đi đôi với làm, không có tư tưởng cục bộ, độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời dân, không được thờ ơ, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân, không được chạy hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy phiếu tín nhiệm, chạy luân chuyển. Khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ thì nên chủ động từ chức.

Bên cạnh đó, mỗi đảng viên cần thực hiện nghiêm Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới được ban hành ngày 9/5/2024. Quy định 144 gồm 5 điều cốt lõi bao gồm: Yêu nước, tôn trọng nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; Đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời.

Đoàn Mạnh Tiến

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-xay-dung-chinh-don-dang-va-viec-van-dung-vao-hoan-canh-hien-nay-post481293.html