'Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật - Giá trị và thực tiễn vận dụng ở Việt Nam'

Đó là chủ đề Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Tư pháp đã phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội ngày 30/11.

Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm nghiên cứu, kế thừa, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN cùng hệ thống pháp luật phát triển toàn diện, dựa trên nền tảng Hiến pháp và các đạo luật. Trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, đòi hỏi công tác xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng cần có những bước phát triển vững chắc hơn. Bối cảnh đó đã và đang đặt ra những nhu cầu cấp thiết tiếp tục nghiên cứu, nhận diện sâu sắc hơn nữa di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước về pháp luật cũng như đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn vận dụng tư tưởng của Người.

Đồng chí Uông Chu Lưu đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận về một số vấn đề: nguồn gốc hình thành, đặc trưng cơ bản và các yếu tố chi phối quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; thực tiễn vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong 75 năm qua, nhất là trong 35 năm đổi mới; giải pháp vận dụng sâu sắc hơn tư tưởng của Người trong giai đoạn mới để công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trở thành nhân tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn từ nay tới 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang thể hiện…

Tư tưởng Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là thành tố quan trọng trong nền văn hóa Việt Nam đương đại. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật nói riêng nhận thấy đó là tư tưởng về Nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với “thần linh pháp quyền” trên nền tảng Hiến pháp dân chủ và các đạo luật. Đó là tư tưởng về xây dựng hệ thống pháp luật chứa đựng những giá trị công bằng, nhân văn, chính nghĩa, vì nhân dân lao động và vì con người được thực thi nghiêm minh. Đó là tư tưởng về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa pháp luật và đạo đức trong cầm quyền.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương đã tham luận về các chủ đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực nhà nước; tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, của hệ thống Tòa án nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Quan điểm Hồ Chí Minh về bản chất, vai trò, giá trị của pháp luật và mối quan hệ pháp luật với dân chủ, đạo đức; tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng và vận động nhân dân trong phòng, chống tham nhũng…

Toàn cảnh Hội thảo.

GS.TS. Trần Ngọc Đường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực

Trong số các tài sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, tư tưởng lập hiến và bản Hiến pháp năm 1946 do Người làm trưởng ban soạn thảo là công trình lý luận khoa học nhất về phương diện tổ chức quyền lực nhà nước, trong đó có tư tưởng kiểm soát quyền lực nhà nước.

Trước hết, khi nói tới quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước, tư tưởng và quan niệm của Người là: Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Thứ hai, phải sử dụng sức mạnh thần linh pháp quyền của Hiến pháp và pháp luật để giới hạn quyền lực của nhà nước, nhân tố tiên quyết để hình thành cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Thứ ba, phân công, phân nhiệm một cách rạch ròi quyền lực nhà nước thành các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và giữa các quyền có sự kiểm soát lẫn nhau.

Thứ tư, thanh tra, kiểm tra, phê bình và tự phê bình là các phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước.

Phát biểu kết luận tại Hội thảo, đồng chí Trương Hòa Bình nhấn mạnh Hội thảo này là dịp để các nhà khoa học, chuyên gia, các cán bộ quản lý cùng nghiên cứu, nhận thức toàn diện hơn, sâu sắc hơn nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước, pháp luật, thực tiễn vận dụng tư tưởng đó ở nước ta 75 năm qua; từ đó, đưa ra những đề xuất , kiến nghị tiếp tục vận dụng những giá trị lớn lao trong tư tưởng của Người trong thời gian tới. Hội thảo được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm Quốc khánh 2/9/1945 - ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây cũng là giai đoạn đang tích cực chuẩn bị văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó đề ra nhiều định hướng quan trọng nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng chí Trương Hòa Bình kết luận Hội thảo.

Đồng chí Trương Hòa Bình cũng khẳng định, Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn trân trọng, thấm nhuần, nỗ lực vận dụng sáng tạo những giá trị cốt lõi, nền tảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, nổi bật ở một số điểm sau: Chủ tịch Hồ Chí Minh có một hệ thống các quan điểm sâu sắc, toàn diện và tiến bộ về nhà nước, pháp luật, làm nền tảng, kim chỉ nam cho thực tiễn vận dụng ở Việt Nam; Một trong những điểm xuất phát trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật chính là tư tưởng lấy dân làm gốc; Về bộ máy Nhà nước, với lòng yêu nước thương dân vô hạn cùng trí tuệ thiên tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thiết kế mô hình tổ chức bộ máy nhà nước rất đặc sắc thể hiện trong nội dung các bản Hiến pháp và các sắc lệnh, đạo luật lúc Người còn sinh thời; Về vấn đề pháp luật và thực hiện pháp luật, với tinh thần thượng tôn pháp luật, “trăm điều phải có thần linh pháp quyền”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực thi nghiêm minh pháp luật.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau Hội thảo này sớm công bố các kết quả nghiên cứu của Hội thảo để các tầng lớp cán bộ, nhân dân được tiếp cận một các đầy đủ, đồng thời xây dựng báo cáo kết quả Hội thảo gửi các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, chính sách của Đảng, xây dựng và thực thi pháp luật, tham gia hoàn thiện Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan chủ động nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và một hệ thống pháp luật dân chủ, tiến bộ, hoàn thiện theo đúng tư tưởng và ý nguyện của Người.

Thu Hằng

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/thoi-su/tu-tuong-ho-chi-minh-ve-nha-nuoc-va-phap-luat-gia-tri-va-thuc-tien-van-dung-o-viet-nam-130948